Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Theo TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách độc đáo của Đảng bộ TPHCM, xuất phát từ mong muốn đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc thể hiện tình cảm thiêng liêng, khẳng định tấm lòng son sắt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khách tham quan triển lãm nhiếp ảnh chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG
Khách tham quan triển lãm nhiếp ảnh chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: “Thông qua xây dựng thành phố thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố. Đây là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức…”. Hiện TPHCM đang hoàn thiện đề án về xây dựng không gian này.

Khát vọng của người dân TPHCM

 Trưởng thành từ công tác Đoàn và phong trào thanh niên TPHCM những năm 1990, mỗi khi nhắc đến những hoạt động sôi nổi của tuổi trẻ TPHCM là chị Ngọc Anh (ngụ phường 5, quận Tân Bình) lại rộn lên tình cảm khó tả.

Chị Ngọc Anh chia sẻ: “Hoạt động, công tác Đoàn tạo ra một môi trường, không gian văn hóa chứa đựng tình yêu thương, đoàn kết, gắn bó, chung sức cùng tập thể hết lòng phục vụ nhân dân và xã hội. Nơi đó còn tạo ra thử thách cho bao thế hệ người trẻ phấn đấu, đi theo lý tưởng sống, đạo đức, phong cách Bác Hồ và đã trưởng thành trên nhiều lĩnh vực, đóng góp cho sự phát triển của TPHCM, của đất nước hôm nay”.

Bạn Lê Thanh Thảo (ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức), hiện đang làm việc cho một công ty nước ngoài, cũng có những suy nghĩ và tình cảm như vậy, dù thời gian trong môi trường hoạt động Đoàn chỉ hơn 3 năm.

“Chúng tôi khát khao có được một môi trường văn hóa tình người, một lý tưởng sống theo chân lý, khát vọng mà Bác Hồ đã để lại cho dân tộc ta nhiều thế hệ qua”, Thanh Thảo nói.

Theo TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách độc đáo của Đảng bộ TPHCM, xuất phát từ mong muốn đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong việc thể hiện tình cảm thiêng liêng, khẳng định tấm lòng son sắt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; là một trong những phương thức để Đảng bộ và nhân dân TPHCM thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng ngày một vững mạnh, trong sạch về tư tưởng, chính trị, đạo đức trên nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó có nghĩa là tại TPHCM sẽ có một không gian văn hóa dần được hình thành và mang tên Hồ Chí Minh với những nội dung, giá trị riêng. Không gian văn hóa ấy được xây dựng trên nền tảng các giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền sự nghiệp cách mạng của Người trên vùng đất Sài Gòn - TPHCM; các giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà người dân thành phố mang tên Bác đã học tập và làm theo.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ảnh 1 Khách tham quan triển lãm nhiếp ảnh chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đang diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TPHCM. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

Lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong định hướng xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh, TPHCM đặt ra nhiệm vụ không chỉ xem xét về quy hoạch để phát triển thêm những công trình văn hóa, những thiết chế văn hóa vật thể, mà còn xây dựng nhiều hơn những hoạt động nghệ thuật, những chương trình, sản phẩm nghệ thuật phi vật thể. Xây dựng những công trình văn hóa gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh không giới hạn ở những nơi mà Bác đi qua, Bác dừng chân.

Theo Sở VH-TT TPHCM, trong tổng thể phát triển không gian văn hóa, lịch sử, thành phố sẽ đầu tư, nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM thành di tích kiến trúc nghệ thuật TPHCM.

Theo đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM sẽ được mở rộng từ 1,4ha hiện nay lên gấp đôi, giúp hiện đại, trực quan hơn trong việc giới thiệu về Bác. Ngoài ra, mở rộng các phòng chuyên đề, thư viện và xây dựng mô hình khung cảnh 

Sài Gòn những năm 1911 và con tàu Amiral Latouche Tréville đưa Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước. Phía Đông Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ xây dựng thêm không gian văn hóa Hồ Chí Minh với diện tích lớn hơn, đó là quảng trường, là nơi biểu diễn nghệ thuật, trưng bày những tác phẩm nghệ thuật, những công trình, những thiết chế văn hóa vật thể gắn với Bác.

Một yêu cầu khác khi xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, được nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhắc đến trong một buổi họp báo gần đây, là gắn việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với lan tỏa trong đời sống xã hội tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhân rộng những tấm gương học và làm theo Bác Hồ qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí...

Theo Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận, nhóm nghiên cứu xây dựng đề án về không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, thu thập tài liệu về cuộc đời, hoạt động cách mạng của Bác không chỉ ở TPHCM mà còn tại nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước.

Chỉ riêng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM đang quản lý 24.000 tư liệu, tài liệu về Bác. Còn nhiều kho tư liệu, tài liệu về Bác đang được lưu giữ, bảo quản tại các bảo tàng trên khắp cả nước. Những tài liệu, công trình, tác phẩm về văn học, nghệ thuật này là không gian hiện hữu có giá trị làm sáng rõ thêm cuộc đời hoạt động của Bác, để tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đi sâu vào các lĩnh vực ở TPHCM, thể hiện một cách rõ nét trong lao động, sản xuất, học tập, hoạt động văn học, nghệ thuật...

Tin cùng chuyên mục