Xây dựng thương hiệu dệt may Việt

Kim ngạch xuất khẩu ngay tháng đầu năm 2021 của ngành dệt may đã đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành dệt may đặt mục tiêu sẽ đạt mốc 39 tỷ USD trong năm nay. Để có thể đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm, nhiều dòng sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may đã được các doanh nghiệp thay đổi.

Ưu tiên sản xuất hàng tiện lợi 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ, dịch kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu mặt hàng của ngành dệt may. Đơn cử, dòng veston, sơ mi nam nữ cao cấp, dòng váy nữ cao cấp bị giảm sâu đến 80%. Ngược lại, dòng sản phẩm phân khúc hạng trung, tiện lợi, sản phẩm mặc trong nhà, đồ thun… lại tăng cao, nhất là tại thị trường xuất khẩu chủ lực là Hoa Kỳ. 

Đồng quan điểm trên, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết, từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp (DN) thuộc tập đoàn đã chuyển đổi nhanh cơ cấu mặt hàng, từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi nam nữ cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, đồ dệt kim… Sự thay đổi này cũng được xác định là xu hướng nhu cầu chủ yếu trong năm 2021

Không chỉ vậy, các đối tác nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam tại nhiều thị trường trên thế giới cũng có thay đổi trong việc lựa chọn DN xuất khẩu. Theo đó, ưu tiên nhập khẩu dệt may của các DN có cam kết bảo vệ môi trường như áp dụng giải pháp giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường khả năng tái chế và giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. Với nguyên liệu vải cũng ưu tiên vải thân thiện môi trường, không sử dụng hóa chất trong quá trình dệt nhuộm hoặc dệt nhuộm không phát sinh nước thải…

Sự chuyển đổi trong thị hiếu tiêu dùng và tìm kiếm đối tác đã buộc các DN Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi đầu tư để phù hợp với nhu cầu mới của thị trường.

Xây dựng thương hiệu dệt may Việt ảnh 1 Sản xuất sản phẩm dệt may gia dụng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại Tổng Công ty cổ phần Phong Phú. Ảnh: CAO THĂNG 

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, có 3 chiến lược phát triển đã được DN dệt may trong nước nhanh chóng triển khai. Một là, rà soát lại toàn bộ thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng của thị trường xuất khẩu. Trong đó, tập trung rà soát kỹ những thị trường chủ lực như Hoa Kỳ (vốn chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu) và châu Âu.

Hai là, chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng xanh hóa, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm khí phát thải và tăng cường tái chế chất thải. Chiến lược này còn được DN kết hợp với nâng cao trình độ quản trị.

Ba là, các DN gấp rút triển khai đầu tư phát triển sản phẩm gắn liền với thương hiệu của DN. Đây là yếu tố nền tảng để dệt may xây dựng chỗ đứng bền vững hơn tại thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đang mở ra nhiều lợi thế về thuế suất, về sức cạnh tranh cho hàng dệt may. 

Nhìn lại năm 2020, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng như phá sản hàng loạt thương hiệu may mặc lớn trên toàn cầu. Việc phải thích ứng nhanh với những chuyển đổi của thị trường là rất quan trọng. Ngoài ra, trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia, các DN phải tính đến khả năng đáp ứng đơn hàng lớn với thời gian sản xuất ngắn bởi khả năng dịch còn diễn biến phức tạp và hoạt động logistics gặp nhiều khó khăn. 

Liên kết kiểm soát gian lận thương mại

Ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN xuất khẩu cần nỗ lực để ngăn chặn nguy cơ bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Thông tin từ Hiệp hội Da giày và May mặc Hoa Kỳ cho biết, chính phủ nước này vẫn tiến hành điều tra nhằm áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, trong đó có hàng hóa dệt may xuất khẩu từ Việt Nam. Không dừng lại đó, tháng 11-2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester (polyester textured yarn - PTY) xuất khẩu từ Việt Nam.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, việc bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ gây nhiều tổn hại cho DN trong nước không những ở thị trường Hoa Kỳ mà còn ở nhiều thị trường khác do tính hiệu ứng domino. Để ngăn chặn nguy cơ này, cần thiết thực hiện giải pháp kép nhằm hỗ trợ hiệu quả cho DN. Theo đó, bản thân các DN cần phải liên kết để ngăn chặn hành vi tiếp tay cho DN nước ngoài đánh tráo nguồn gốc xuất xứ. Chính phủ cần xây dựng lại chính sách ưu đãi thu hút đầu tư theo hướng không ưu tiên thu hút đầu tư những ngành nghề vốn là thế mạnh sản xuất của DN trong nước. Điều này sẽ giúp giảm áp lực cạnh tranh đối kháng ở thị trường xuất khẩu. 

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm có đàm phán và ký kết hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ để gia tăng lợi thế xuất khẩu cho ngành dệt may nói riêng và cho các ngành khác cũng đang xuất khẩu vào thị trường này nói chung. Ngoài ra, nhiều đại diện tham tán thương mại cũng cho rằng, DN dệt may Việt Nam cần mở rộng thị phần xuất khẩu vào khu vực Bắc Âu và Australia.

Tại những thị trường này, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn với khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những thị trường này đã ký kết các FTA với Việt Nam nên thuế suất cũng rất ưu đãi. Do vậy, việc tăng xuất khẩu tại các khu vực này không chỉ giúp DN tăng thị phần mà còn giảm nguy cơ bị áp đặt phòng vệ thương mại.

Tin cùng chuyên mục