Xây nhà để bán: được huy động trước 70% vốn của khách hàng?

Xây nhà để bán: được huy động trước 70% vốn của khách hàng?

Hôm qua 13-2, Hội nghị ĐBQH chuyên trách đã khai mạc tại Hà Nội để đóng góp ý kiến vào các dự luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới (tháng 5-2006). Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) là dự luật đầu tiên được đưa ra xem xét.

Xây nhà để bán: được huy động trước 70% vốn của khách hàng? ảnh 1

Dự luật cho phép chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp được huy động vốn ứng trước của khách hàng để triển khai dự án. Tuy nhiên, “tổng vốn ứng trước không được vượt quá 70% giá trị hợp đồng mua bán, cho thuê BĐS”.

Đồng thời, việc huy động vốn ứng trước phải được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được huy động sau khi đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng theo dự án; các lần sau phù hợp với tiến độ xây dựng nhà, công trình xây dựng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Việc huy động vốn ứng trước lần sau chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành khối lượng lần trước.

Tuy nhiên, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, tỷ lệ 70% mà dự luật đưa ra là quá cao, không bảo đảm mục đích là tránh tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng vốn. Đại biểu này đề nghị chỉ nên cho phép huy động vốn ứng trước không quá 50% để “bảo đảm tương quan của hai bên tham gia hợp đồng”.

Mặt khác, quy định về trường hợp “chủ đầu tư giao nhà, công trình xây dựng không đúng tiến độ, chất lượng” cũng khiến nhiều đại biểu lo ngại. Dự luật quy định, trong trường hợp này, chủ đầu tư “phải bồi thường thiệt hại và trả lãi suất cho phần vốn ứng trước của khách hàng”.

ĐB Hoàng Văn Xim (Hà Tây) đề nghị: Nếu giao nhà không đúng tiến độ, chất lượng, chủ đầu tư phải bồi thường theo giá BĐS tại thời điểm bồi thường. Mặc dù dự thảo mới có đến 19 điểm đã được bổ sung, chỉnh sửa, nhưng nhiều ĐBQH chuyên trách cho rằng, nhiều vấn đề liên quan đến kinh doanh BĐS vẫn chưa được làm rõ và sẽ khó áp dụng trong thực tế. ĐB Nguyễn Đức Dũng thẳng thắn hỏi: “Tôi chưa hiểu dự luật này sẽ điều chỉnh giao dịch BĐS nói chung, hay chỉ điều chỉnh riêng hoạt động kinh doanh BĐS?

ĐB Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH phân tích: hiện nay thị trường BĐS nước ta đã có nhưng phát triển tự phát, thiếu lành mạnh, đa số là giao dịch “ngầm”.

Luật ra đời là để Nhà nước tham gia quản lý thị trường này, quản lý các hoạt động sinh lời từ BĐS. Vì vậy, dự án Luật Kinh doanh BĐS cần tập trung làm rõ các chủ thể tham gia kinh doanh BĐS: đối tượng kinh doanh là gì? Ai được tham gia kinh doanh? Các vấn đề đăng ký chuyển dịch sở hữu, thuế… cũng cần được quy định cụ thể hơn. 

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục