TPHCM đã nhiều năm trợ giá vé xe buýt để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng. Thế nhưng, thực tế hoạt động xe buýt còn nhiều bất cập, nên vẫn chưa thu hút được nhiều người. Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến phản ánh, góp ý những giải pháp để có những chuyến xe buýt thân thiện thu hút khách.
Cần tổ chức lộ trình hợp lý, thuận tiện
Chỉ trong khoảng 20 phút ngồi chờ người thân trên đường Cống Quỳnh (quận 1) vào chiều thứ bảy, tôi đếm được có hơn 10 lượt xe buýt của nhiều tuyến chạy qua đây. Nhưng mỗi xe buýt chỉ có vài hành khách. Do vậy, cần kiểm tra, xem xét lại việc vận chuyển không hết công suất của xe buýt.
Xe buýt chạy ẩu, ghé trạm đột ngột, ép người đi xe máy, gây mất an toàn giao thông. Ảnh: THANH HẢI
Là người cao tuổi, tôi chuộng đi lại bằng xe buýt vì an toàn hơn đi xe máy, và tôi luôn ủng hộ chủ trương của TPHCM vận động người dân đi xe buýt. Tuy nhiên, lộ trình các tuyến chưa hợp lý, chưa thuận tiện, muốn đi bằng xe buýt cũng không phải dễ.
Theo dõi thông tin qua báo chí, tôi được biết tại các kỳ họp HĐND TPHCM, vấn đề xe buýt và trợ giá xe buýt thường được các đại biểu nêu nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến đề nghị xem xét bỏ trợ giá vé xe buýt, vì thấy không hiệu quả. Theo tôi, dù có trợ giá vé nhưng xe buýt vẫn chưa thực sự thu hút người dân sử dụng là vì lộ trình phải đi lòng vòng nhiều tuyến đường, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, trên xe buýt cũng có những phức tạp, vẫn xảy ra chuyện mất trộm tài sản, nên nhiều người ngại đi xe buýt. Nên có các giải pháp đồng bộ để xe buýt thực sự thuận tiện, an toàn, thân thiện, có như vậy mới thu hút được đông đảo người dân đi xe buýt.
KIM CHI (quận Phú Nhuận, TPHCM)
Nên dùng vé xe buýt bằng thẻ từ
Cách bán vé xe buýt hiện nay chưa phù hợp. Thường thì người dân mua vé từ nhân viên bán vé trên xe buýt, hoặc mua vé tháng tại những quầy bán vé do Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM quản lý. Trong khi đó, tại nhiều nước, bên cạnh việc bán vé bằng giấy cho khách vãng lai hay người nước ngoài, đã phổ biến việc dùng vé xe buýt bằng thẻ từ, rất tiện lợi cho cả hành khách và nhà xe. Với vé xe buýt bằng thẻ từ, hành khách lên xe quẹt thẻ, rất thoải mái, thuận tiện và trên xe không phải có nhân viên soát vé, thối tiền. Có như vậy mới có thể giảm nhân viên bán vé mà không trút gánh nặng lên tài xế, giúp giảm chi phí vận hành xe buýt.
LÊ TĂNG ĐỊNH (quận Gò Vấp, TPHCM)
Xây dựng nề nếp hành xử văn hóa trên xe buýt
“Bác ơi! Xin tắt thuốc lá đi, cháu đang bị ho, nhức đầu quá!”. Nhìn tấm biển “Cấm hút thuốc lá, cấm xả rác” gắn ở thành xe, nhiều người xì xầm: “Xe đóng kín cửa, mở máy lạnh, mà hút thuốc lá chịu sao nổi!”. Song, người hút vẫn cứ im lặng đưa điếu thuốc vào miệng hút. Lần khác, có một thanh niên lên xe buýt còn cầm nửa điếu thuốc lá kẹp vào lòng bàn tay, khi ngồi xuống ghế thì cúi đầu rít thuốc, phà khói xuống chỗ ngồi. Mùi thuốc và khói thuốc ngột ngạt, đến khi các hành khách phía hàng ghế bên dưới lên tiếng phản đối gay gắt, cậu ta mới ném điếu thuốc xuống sàn xe rồi giẫm chân lên tắt điếu thuốc cháy dở, nhưng thái độ trông rất khó ưa. Tôi nhắc cậu ta rằng đã có Luật Cấm hút thuốc lá nơi công cộng, hút thuốc trên xe buýt như thế này có thể bị phạt. Cậu ta trợn tròn mắt nói giọng chế giễu: “Chết thật! hôm nay bác nói tôi mới biết! Ai phạt? Và đã có ai bị phạt chưa?”.
Đừng để hành khách đi xe buýt phải chịu đựng những hành vi kém văn hóa như vậy. Thiết nghĩ nhân viên xe buýt nên thẳng thắn nhắc nhở những người có hành vi sai trái, để môi trường xe buýt thực sự văn minh, lịch sự.
ĐỖ VĂN THÔNG (quận Bình Thạnh, TPHCM)
Cư xử lịch sự trên xe buýt
Tôi đã cao tuổi, thường đi về TPHCM bằng xe buýt. Rất hiếm khi tôi được nhường chỗ ngồi trên các chuyến xe buýt quá đông hành khách. Nhiều khi lên xe buýt, tôi chứng kiến cảnh thanh niên nam nữ đều thản nhiên ngồi, trong khi xung quanh không ít người cao tuổi đang phải đứng chen chúc. Tệ hại hơn, có khi một hành khách trước khi xuống xe đã ra dấu nhường chỗ cho một cụ già, nhưng cụ chưa kịp ngồi xuống thì đã có thanh niên nhanh chân giành chỗ rồi. Tiếp viên vẫn thản nhiên trước hành động thiếu văn minh lịch sự và thiếu cả đạo đức như vậy, không lên tiếng nhắc nhở. Thậm chí, có lần tôi chứng kiến một phụ nữ mang thai phải ngồi bệt xuống sàn xe, trong khi cô tiếp viên cứ ngồi tán chuyện với tài xế ở ngay hàng ghế có ghi rõ dòng chữ “Ghế dành cho người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai”.
Lần khác, tài xế xe buýt không dừng cho tôi xuống trạm cuối trước khi xe vào Bến xe miền Tây và nói: “Cứ vào bến rồi đi ra, chết chóc gì một đoạn đường ngắn!” Thật tình tôi không ngại đi bộ một đoạn đường ngắn, nhưng rất ngại tai nạn giao thông khi phải băng qua đường tại một nơi có nhiều xe qua lại liên tục.
Những câu chuyện tôi nêu trên đây là những điều mắt thấy tai nghe. Qua đó mọi người chúng ta cùng suy nghĩ: Nếu cứ để như vậy thì làm sao vận động được nhiều người đi xe buýt?
NGUYỄN MINH ÚT (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)
Đừng để xảy ra tình trạng nhồi nhét hành khách
Nếu ai thường xuyên đi các tuyến xe buýt qua các khu công nghiệp, trường đại học, hẳn đều cảm thấy sợ trong khung giờ cao điểm, khi lượng hành khách đi xe quá đông đến mức nhồi nhét. Mặc dù trên xe có nhiều hành khách đã phải đứng một chân, nghĩa là không còn trống lấy chỗ nào nữa, nhưng do khách ở các trạm vẫn muốn lên xe đi cho kịp giờ làm, giờ học, nên tiếp viên bán vé vẫn thúc giục hành khách trên xe phải dồn vào, dồn nữa... để cho khách lên thêm. Không gian trên xe buýt cũng chỉ có hạn, vì vậy không thể là “cái thùng không đáy” có thể nhồi nhét bao nhiêu tùy ý. Khi xe nhồi nhét quá đông hành khách, sẽ làm cho không khí ngột ngạt, mọi người cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt... Chưa kể việc nhồi nhét hành khách khiến xe bị quá tải, mất an toàn giao thông và kẻ xấu lợi dụng để móc túi, rạch giỏ, hay có những hành vi biến thái, sàm sỡ với phụ nữ.
Trong lúc vận động người dân TPHCM đi lại bằng xe buýt, thì việc để xảy ra tình trạng nhồi nhét hành khách trong khung giờ cao điểm sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, khiến mọi người sợ đi xe buýt. Vào khung giờ cao điểm, các hợp tác xã và các công ty vận tải hành khách công cộng phải có phương án điều các chuyến xe tăng cường để đôn chuyến, giảm khoảng cách thời gian 2 xe chạy nối tiếp xuống mức nhanh nhất có thể.
TRẦN ĐĂNG QUANG (quận Thủ Đức, TPHCM)