Xe tự chế, xe “mù” vẫn ngang nhiên hoạt động

Trên địa bàn TPHCM, xe tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động dù các ngành chức năng đã nhiều lần kiên quyết chấn chỉnh. Với trang bị kém an toàn, các loại xe này đã gây ra không ít vụ tai nạn.
 Xe cũ nát được người dân tự chế, cơi nới thêm thùng để vận chuyển hàng hóa
Xe cũ nát được người dân tự chế, cơi nới thêm thùng để vận chuyển hàng hóa

Chạy bất kể ngày đêm

Những chiếc xe gắn máy có tuổi đời khoảng 40, 50 năm được chủ nhân của nó “cắt đầu, hàn đuôi” để “câu móc” thêm cái thùng. Thậm chí, nhiều chủ xe hạn chế đến mức thấp nhất có thể phụ tùng gắn kèm theo xe. Hầu hết các xe này đều “nhiều không”: không đèn, không kèn, không kính chiếu hậu, không bửng…; chỉ còn trơ cái khung, máy xe, thắng xe. Ông Hồ Công Thành (ngụ phường 15, quận 8) nói: “Lưu thông trên đường mà gặp xe tự chế thì rất bực mình. Họ chở rau, củ, quả, trái cây đi bán ở chợ tạm hay luồn lách trong các hẻm ở khu dân cư. Chiếc xe với cái thùng to lớn, kềnh càng chạy đàng trước thì mình không thể qua mặt; còn nếu mình chạy phía trước, gặp đèn đỏ thì sợ bị họ tông từ sau tới”.

Đáng sợ nhất là nhiều xe tự chế chở vật liệu xây dựng, xà bần các loại lưu thông ngang nhiên trên đường phố. Mới đây, người viết bài này đã bắt gặp 2 xe tự chế chất trên thùng xe nhiều bao xà bần và sắt phế thải, lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1). Cả hai “bác tài” đều điều khiển xe bằng cách gác tay lên tay lái và gác chân lên sườn xe, không hiểu sao vẫn dễ dàng đi qua chốt CSGT ở ngã tư Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng!

Ông Nguyễn Văn Thẩn (70 tuổi, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) bức xúc: “Khu vực các đường Dương Đình Cúc, Thế Lữ, Nguyễn Cửu Phú, Nguyễn Hữu Trí… và các xã Tân Kiên, Tân Túc đang đô thị hóa với nhiều công trình xây dựng nhà ở. Cứ có công trình xây dựng mới nào là xe tự chế tập trung hoạt động rầm rộ ngày đêm. Ngoài xe tự chế thì còn có xe máy cày, xe công nông hoạt động thường xuyên. Những xe này gây mất an toàn giao thông rất nhiều. Xuất hiện ở công trình có cả “chợ lưu động” - các xe tự chế chở rau, củ, quả đi bán. Cách đây 3 năm, chị tôi ở ấp 2, xã Tân Nhựt đã bị xe tự chế tông chết. Đã có một số xe tự chế chở vật liệu xây dựng lật nhào khi ôm cua; đất, đá, xà bần… đổ ra đường gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người tham gia giao thông. Gần 100% xe tự chế không có giấy tờ, nên tài xế cứ thấy CSGT tuần tra là lủi ngay vào các đường khác hay ngõ hẻm để trốn, tránh bị xử lý và tạm giữ phương tiện”.

Giải pháp chưa phù hợp

Việc kiểm soát, hạn chế phương tiện xe tự chế 3-4 bánh đã được triển khai cách đây nhiều năm. Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ đã chỉ đạo đình chỉ lưu hành đối với nhiều loại phương tiện, trong đó có xe 3-4 bánh tự chế, bắt đầu từ năm 2008. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành quyết định hỗ trợ các chủ xe thuộc diện bị đình chỉ lưu hành, tạo điều kiện thay thế phương tiện hoặc chuyển đổi việc làm.

TPHCM đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3-4 bánh tự chế, đồng thời chi khoảng 160 tỷ đồng hỗ trợ chủ phương tiện bị thu hồi, tiêu hủy. Để chấn chỉnh thực trạng xe 3-4 bánh tự chế, Sở GTVT đã có văn bản cấm các loại xe trên lưu thông trong khu vực trung tâm TPHCM và một số tuyến đường lân cận.

Đồng thời cấm các loại xe này lưu thông trong khu vực nội đô TPHCM trong khoảng thời gian từ 5 giờ đến 13 giờ, và từ 16 giờ đến 22 giờ; đến năm 2025 sẽ tiến hành cấm triệt để. Tuy nhiên, đến nay xe tự chế vẫn lưu thông bất kể ngày đêm. Theo một cán bộ CSGT, hiện các quy định xử lý chỉ tập trung vào các lỗi vi phạm hành chính xảy ra trên các phương tiện.

Cụ thể, mỗi lần xử lý, CSGT thường chỉ lập biên bản các lỗi: xe không kính chiếu hậu và đèn tín hiệu, chở hàng cồng kềnh... Có một thực tế là người vi phạm sau khi bị xử phạt thường có tâm lý bỏ xe không đóng phạt, vì số tiền bỏ ra mua chiếc xe “cà tàng” mới còn rẻ hơn việc thực hiện nghiêm quy trình đóng phạt. Đây chính là nguyên nhân lý giải cho việc dù Công an TPHCM đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xử lý nhưng những chiếc xe tự chế, xe thô sơ, xe “mù” vẫn ngang nhiên hoạt động.

Theo ý kiến của nhiều người dân, nhu cầu sử dụng xe 3-4 bánh là nhu cầu có thật. Bởi lẽ, đối với các tuyến đường nhỏ, đường hẻm, đường cấm xe tải… thì loại phương tiện này đáp ứng được tính cơ động cao, thuận tiện trong vận chuyển. Do vậy, việc điều chỉnh hoạt động loại phương tiện này cần triển khai hiệu quả trên cơ sở đánh giá tổng thể tình hình hoạt động để có giải pháp phù hợp, bảo đảm nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của người dân thành phố.

Tin cùng chuyên mục