Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần 2: Giảm thủ tục, nghệ nhân vẫn gặp khó

Kế hoạch xét tặng lần thứ 2 danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân - hình thức tôn vinh cấp cao nhất đối với những nghệ nhân dân gian đang nắm giữ các kỹ năng, tri thức về di sản phi vật thể, vừa được Bộ VH-TT-DL công bố.
Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần 2: Giảm thủ tục, nghệ nhân vẫn gặp khó

Kế hoạch xét tặng lần thứ 2 danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân - hình thức tôn vinh cấp cao nhất đối với những nghệ nhân dân gian đang nắm giữ các kỹ năng, tri thức về di sản phi vật thể, vừa được Bộ VH-TT-DL công bố.

Theo đó, năm 2017 sẽ triển khai công tác lập hồ sơ xét tặng ở cấp địa phương và năm 2018 sẽ tiến hành xem xét ở cấp trung ương. Nhiều thủ tục hành chính đã được tối giản nhưng nút thắt trong việc xét tặng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Thay đổi hình thức tôn vinh

Theo Vụ Kế hoạch thi đua (Bộ VH-TT-DL), trong lần xét tặng danh hiệu nghệ nhân đầu tiên, một số quy định trong việc lập hồ sơ rườm rà, gây khó cho các nghệ nhân thì trong lần xét tặng lần thứ 2 đã có một số thay đổi.

Cụ thể, theo đúng thủ tục hành chính thì cá nhân đề nghị xét tặng tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân, tổ chức khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 6 bộ hồ sơ tới Sở VH-TT-DL nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú.

Tuy nhiên, trong lần này, số hồ sơ yêu cầu phải hoàn thiện chỉ là 1 bộ. Chia sẻ về thay đổi này ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), đơn vị chủ trì việc này, cho biết phần lớn các nghệ nhân dân gian thuộc đối tượng xét tặng đều sinh sống ở những vùng dân tộc xa xôi, hẻo lánh, khó khăn trong việc kê khai và sao lưu giấy tờ, vì thế để tránh tối đa những rườm rà, phức tạp cho người dân, số lượng giấy tờ đã được giảm tới mức thấp nhất.

Nghệ nhân dân gian đã được tháo gỡ bớt khó khăn khi xét tặng danh hiệu

Cũng theo ông Cẩn, để việc phong tặng, vinh danh các nghệ nhân dân gian có thể phát huy ý nghĩa của nó là tôn vinh những người tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và cộng đồng địa phương mến mộ, việc trao tặng danh hiệu trong lần tới cũng được đề xuất giao về cho các địa phương tự tổ chức. Nguyên nhân do các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, việc đi lại không còn thuận tiện như trước. Phần khác, việc địa phương tổ chức cũng là một lần nữa thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của họ tại chính cộng đồng nơi họ đang sinh sống.

Đơn vị phụ trách việc xét tặng cho biết, trong đợt xét tặng lần thứ 2 này vẫn chưa có hồ sơ nào được đưa vào diện xét tặng Nghệ nhân nhân dân, bởi lẽ chưa có nghệ nhân nào thỏa mãn tiêu chí “đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú từ 5 năm trở lên”.

Các thầy lang tiếp tục đứng ngoài cuộc?

Ở lần xét tặng đầu tiên, tuy chiếm số lượng không nhiều, chỉ 3 - 4 hồ sơ, nhưng toàn bộ các nghệ nhân, những người đang sở hữu các bài thuốc dân gian trong cộng đồng, hay thường được người dân gọi là thầy lang, đã bị “loại” khỏi danh sách xét chọn ngay từ vòng ngoài.

Ông Phùng Huy Cẩn cho biết, các đối tượng thuộc phạm vi xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã quy định rõ là công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.

"Như vậy, những người hoạt động trong lĩnh vực đông y, các thầy lang cũng thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu này, bởi đó là những tri thức dân gian. Nhưng trên thực tế, khi xét đến lĩnh vực này, cũng như ở lần xét tặng đầu tiên, chúng tôi đều buộc phải cẩn trọng vì có liên quan tới sinh mạng con người. Do đó, hội đồng yêu cầu cơ quan y tế phải vào cuộc vì các bài thuốc đều liên quan tới các loại rễ, lá... ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người", ông Phùng Huy Cẩn nõi rõ thêm.

Trên thực tế, việc thẩm định các bài thuốc dân gian là bài toán khó đối với cả các thầy lang cũng như cơ quan quản lý. Theo thống kê của Vụ Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) thì trong dân gian đang tồn tại rất nhiều bài thuốc quý, nhưng chưa có cơ hội được thẩm định để phát huy.

Ước tính cả nước hiện có khoảng hơn 30.000 bài thuốc y dược cổ truyền. Tuy nhiên, việc thẩm định và phát huy các bài thuốc này còn nhiều hạn chế. Số bài thuốc được thẩm định còn quá ít: chỉ khoảng 1/5. Nhưng phần quan trọng hơn cả là các lang y, những người được coi là nắm giữ trong tay nhiều bài thuốc quý trong dân gian lại e ngại, không tích cực trong việc thẩm định, bởi lý do giữ gìn bí quyết gia truyền.

Ông Cẩn nói thêm: Việc danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú không chỉ là hình thức tôn vinh cấp cao nhất của Nhà nước mà còn được người dân coi đó là một “giấy thông hành” trong hoạt động chữa bệnh, vì thế càng phải cân nhắc kỹ, thận trọng hơn. Sắp tới, để tháo gỡ những vướng mắc này, dự kiến sẽ đề xuất mời Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp đánh giá, thẩm định. Công việc này hy vọng sẽ sớm có được kết quả, để các nghệ nhân lĩnh vực này không còn là người đứng ngoài cuộc.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục