Xét xử phúc thẩm vụ sai phạm tại BQL Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TPHCM: Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ lãnh 6 năm tù, Lê Quả 5 năm tù

Xét xử phúc thẩm vụ sai phạm tại BQL Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TPHCM: Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ lãnh 6 năm tù, Lê Quả 5 năm tù

(SGGPO).- Sáng nay, 17-3, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ sai phạm tại Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TPHCM (viết tắt là BQL Dự án) đã kết thúc với phần tuyên án.

Hội đồng xét xử bác kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo của Viện trưởng VKSND TPHCM, tuyên phạt bị cáo Sĩ mức án 6 năm tù giam (án sơ thẩm tuyên 3 năm tù), bị cáo Quả mức án 5 năm tù giam (án sơ thẩm tuyên 2 năm tù) cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Lê Quả (trái) và bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ nghe Tòa tuyên án
Bị cáo Lê Quả (trái) và bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ nghe Tòa tuyên án
Theo nhận định của hội đồng xét xử, qua tài liệu có trong hồ sơ cũng như diễn biến tại phiên tòa đã có đủ căn cứ cho thấy các bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ (SN 1953, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính, nguyên Giám đốc BQL Dự án) và Lê Quả (SN 1939, nguyên Phó Giám đốc BQL Dự án) đã tự ý cho Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương Nhật Bản (viết tắt là Công ty PCI, đơn vị trúng thầu gói thầu tư vấn thiết kế Đại lộ Đông – Tây TPHCM) thuê lại một phần căn nhà số 3 đường Nguyễn Thị Diệu phường 6 quận 3.

Tuy tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Sĩ khai trong khoản tiền 80.000 USD (tương đương 1,2 tỷ đồng) đã nhận từ Công ty PCI, chỉ có 600 triệu đồng là tiền cho thuê nhà, còn 600 triệu đồng còn lại là khoản tiền “bồi dưỡng” của Công ty PCI đối với sự tận tình của cán bộ BQL Dự án trong việc cung cấp thông tin, giúp Công ty PCI đẩy nhanh tiến độ nhưng từ lời khai của bị cáo Quả cùng các chứng cứ khác cho thấy toàn bộ khoản tiền này là tiền cho Công ty PCI thuê nhà.

Về thiệt hại do vụ án gây ra, theo hội đồng xét xử, BQL Dự án là đơn vị Nhà nước, tiền thuê căn nhà số 3 đường Nguyễn Thị Diệu mà BQL Dự án trả cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM là tiền của Nhà nước, do đó khoản tiền 1,2 tỷ đồng phải được xem là tiền ngân sách Nhà nước bị thất thoát.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ rời phòng xét xử. Ảnh: A.C

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ rời phòng xét xử. Ảnh: A.C

Ngoài ra, việc các bị cáo thu và chi trái pháp luật khoản tiền rất lớn nhận từ Công ty PCI – đối tác của Nhật Bản tham gia đầu tư tại Việt Nam – đã tạo ra ấn tượng xấu trên đất nước Nhật Bản, trên trường quốc tế về môi trường đầu tư tại TPHCM nói riêng và tại Việt Nam nói chung; làm ảnh hưởng uy tín của Nhà nước, giảm sút lòng tin của nhân dân. Từ đó cho thấy hành vi của các bị cáo gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, cần phải tuyên mức án nghiêm.

Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ (có nhân thân tốt, đã khắc phục cơ bản thiệt hại gây ra, khai báo thành khẩn, thể hiện sự ăn năn hối lỗi, gia đình có công với cách mạng, bản thân có nhiều thành tích tốt và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp của nước nhà) nên hội đồng xét xử quyết định giảm một phần hình phạt đối với các bị cáo. Bị cáo Sĩ có chức vụ và vai trò cao hơn bị cáo Quả trong BQL Dự án, do vậy cần phải bị tuyên mức án cao hơn.

ÁI CHÂN

  • Tin bài liên quan Vụ sai phạm tại BQL Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM

>> Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ khai: Nhận “bồi dưỡng” 600 triệu đồng

>> Kết thúc phiên xử sơ thẩm vụ sai phạm tại BQL dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TPHCM: Tòa tuyên Huỳnh Ngọc Sĩ 3 năm tù, Lê Quả 2 năm tù

>> Hôm nay, 8-2, xét xử phúc thẩm Huỳnh Ngọc Sĩ

>> Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ được hoãn xử phúc thẩm vì sức khỏe kém

>> Khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sỹ về tội nhận hối lộ

Tin cùng chuyên mục