Xóa quy hoạch “treo”

Xóa luôn... quy hoạch?

Xóa luôn... quy hoạch?

Quy hoạch treo nhiều năm làm cho đời sống người dân sống trong vùng quy hoạch phải khổ sở là điều có thật… Do vậy, xóa quy hoạch treo là điều phải làm. Thế nhưng, vấn đề là xóa như thế nào?

  • Những mảnh đời... khốn khổ

Những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ, đường phố lầy lội… kéo dài hết năm này qua năm khác, đó là những cảnh thường thấy tại các khu vực quy hoạch “treo”.
“Không phải là chúng tôi không muốn nhà cửa đàng hoàng, sạch sẽ, thoáng mát nhưng địa phương không cho xây, sửa gì cả”, anh Trần Văn Tuấn, ngụ tại 50/5 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú bức xúc nói. Theo anh Tuấn, có nhiều lúc bức bối về cảnh nhà lụp xụp, tạm bợ, gia đình lên phường xin sửa chữa nhưng phường không cho với lý do đây là khu quy hoạch xây dựng cống hộp Kênh 19-5 (nay gọi là kênh Tây Thạnh).

Xóa luôn... quy hoạch? ảnh 1
Gia đình chị Nguyễn Thị Liên sống mấy chục năm trong căn nhà tạm bợ tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Ảnh: VI QUÂN

Nhìn ngôi nhà của anh Tuấn, một ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ với mái tôn “vá chằng vá đụp” bằng những tấm vải dù được chặn tạm bằng cây và vài cục đá để tránh những cơn gió quái ác tốc mái, chúng tôi bỗng chạnh lòng. “Gia đình chúng tôi sẵn sàng tháo dỡ và không đòi hỏi bồi thường cho phần sửa chữa, xây dựng thêm, nhưng địa phương cũng không cho xây”, anh Tuấn than thở.

Người hàng xóm của anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Liên ngụ tại 50/11/2C Tây Thạnh, phường Tây Thạnh còn khổ hơn anh. Ngôi nhà của chị Liên được làm bằng lá với trần nhà lợp tôn cũ kỹ, lụp xụp nên có vật gì đáng giá là bị kẻ trộm… rạch lá chui vào lấy ngay. Cái nghèo, cái khổ vì thế cứ mãi đeo đẳng gia đình chị Liên. “Đã 17 năm rồi chúng tôi phải sống như vậy”- chị Liên nói.
 
Người dân tại khu quy hoạch làm Ga đường sắt Sài Gòn thuộc phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức cũng đang “sống dở, chết dở” vì quy hoạch treo. Cả khu vực chỉ có khoảng vài chục căn nhà trông khá tươm tất, còn lại là nhếch nhác, lộn xộn và mất vệ sinh. Những con đường ở đây đa phần chỉ rộng hơn 1m và không có hệ thống thoát nước. Thực tế này không chỉ làm khổ những người dân ở đây mà chính quyền địa phương cũng… chẳng sung sướng gì.

Bà Võ Thị Hằng, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh than thở: “Quản lý một khu vực như thế này đau đầu lắm. Quy hoạch thì chẳng biết bao giờ mới thực hiện trong khi đó nhu cầu sống bức thiết của người dân như sửa lại nhà hư, xây thêm nhà mới cho con cái khi chúng đã lớn lên và “lấy vợ, gả chồng” hiển hiện ngay trước mắt. Lắc đầu không cho xây thì cũng nặng lòng và cho xây thì sai quy định”. Bà Hằng tha thiết đề nghị: “Ngành chức năng nên xem lại quy hoạch này, nếu thực hiện được thì triển khai ngay, nếu không thì xóa treo cho người dân nhờ”.

  • Ngành chức năng... nóng lên

Đã có những tín hiệu đáng mừng từ phía các ngành chức năng trong việc xóa quy hoạch treo cho người dân. Một trong những quận đi đầu trong việc xóa quy hoạch treo của thành phố là quận Tân Phú. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên-Môi trường quận, cho đến thời điểm hiện nay quận đã rà soát lại toàn bộ quy hoạch ở 11 phường của quận và làm văn bản gửi Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM đề nghị xóa quy hoạch treo ở gần 20 điểm “nóng” về quy hoạch của quận.

Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng đang rà soát lại những quy hoạch không hợp lý, điều chỉnh cho phù hợp hơn, đồng thời tiến hành “phủ” kín quy hoạch trên toàn địa bàn thành phố. Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Nguyễn Trọng Hòa cho biết, từ năm 1993 đến 2003 đã có 33.000 ha đất đô thị trong tổng số 76.000 ha đất đô thị được công bố quy hoạch và trong số này Sở đã thẩm định được 32.000ha. Từ năm 2004 đến nay, Sở đã thẩm định thêm được 10.000 ha đất đô thị nữa trong số 43.000 ha còn lại. Sở phấn đấu từ nay đến hết năm 2006 sẽ thẩm định quy hoạch của toàn bộ diện tích đất còn lại đồng thời rà soát, nghiên cứu, chỉnh sửa lại những nơi quy hoạch chưa hợp lý, ước vào khoảng 10.000 ha (chủ yếu của giai đoạn từ 1993-2003). “Với khối lượng công việc như thế này, chúng tôi đủ sức làm và sẽ không thể “bể” kế hoạch”, ông Hòa khẳng định.

  • Xóa quy hoạch treo là... xóa quy hoạch?

Trong một nỗ lực đáng ghi nhận của ngành chức năng trong việc xóa quy hoạch treo ở thành phố không khỏi không lo ngại về một số xu hướng không hay lắm. Câu chuyện của một cán bộ Sở Quy hoạch-Kiến trúc kể về việc xóa quy hoạch treo ở một quận ven, phản ánh rất rõ điều bất cập này.

Theo cán bộ này, để xóa quy hoạch treo trong một dự án xây dựng trường học cho trẻ em trong khu vực mà gần 10 năm không thể thực hiện được, chính quyền địa phương chọn cách xóa luôn quy hoạch này và thực tế là chấp nhận có một ngôi trường nhỏ bé, chật hẹp và tọa lạc trên một khu đất méo mó. “Chấp nhận thực tế, xóa luôn quy hoạch”, một cán bộ của Sở Quy hoạch-Kiến trúc, gọi tên của xu hướng này là như vậy.

Điều này cũng thấy rất rõ trong nhiều văn bản đề nghị xóa quy hoạch treo ở một số địa phương. Trong gần 20 khu quy hoạch treo được đề nghị xóa trong lần này ở quận Tân Phú thì có đến 5 khu vực là quy hoạch cây xanh, 2 khu quy hoạch làm trường học… Tất nhiên, địa phương này có lý do để đề nghị xóa treo nhưng việc ấy cũng chứng tỏ rằng kế hoạch phát triển mảng xanh, trường học ở đây thất bại dù đó cũng là những nhu cầu rất bức thiết của người dân.

Phải khẳng định rằng, xóa quy hoạch không hợp lý, bị treo nhiều năm là việc cần làm ngay, thế nhưng, điều này cũng không có nghĩa… xóa luôn quy hoạch. Trong sự phát triển của thành phố, vai trò của quy hoạch là không thể thiếu. Do vậy, việc rà soát lại quy hoạch và làm quy hoạch phải được tiến hành cẩn trọng, có chất lượng. Vấn đề là trong thời gian này, thành phố cần có chính sách chăm lo cuộc sống cho người dân trong vùng quy hoạch. Những người dân ở đây cần phải được đối xử như những người dân ở các vùng khác.

KHOA - NHUNG - GIANG

Tin cùng chuyên mục