Xử lý hàng lậu, trừng trị bảo kê

Theo quy luật thông thường thì phải cuối năm tình trạng buôn lậu mới nóng bỏng, nhưng nay, ngay từ đầu năm đã diễn ra rất phức tạp. 
Tại cuộc họp trực tuyến sơ kết công tác phòng chống buôn lậu của Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389) vừa tổ chức, báo cáo cho biết trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 88.500 vụ việc bị xử lý. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn trên thực tế số vụ hàng hóa buôn lậu chắc chắn là lớn hơn nhiều. 
Lâu nay, công tác quản lý thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu; việc chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn khá lỏng lẻo. Trong khi đó, buôn lậu ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi thủ đoạn. Quy mô không chỉ tăng lên mà chủng loại hàng hóa cũng mở rộng. Không chỉ dừng lại ở việc buôn lậu hàng hóa tiêu dùng như mỹ phẩm, bánh kẹo, thuốc lá, xăng dầu, phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm chức năng… mà các đối tượng còn nhập về cả những mặt hàng cấm như pháo nổ, ngà voi, sừng tê giác, đặc biệt là ma túy, buôn bán người qua biên giới. Tất cả đều bắt nguồn từ lợi nhuận cao, thậm chí là siêu lợi nhuận, nên chúng sẵn sàng vi phạm pháp luật.
 Để phòng chống buôn lậu, nước ta có các lực lượng tổng hợp, gồm công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, thuế và hải quan… Từ cửa khẩu tới thị trường nội địa, chợ búa đều có lực lượng cài cắm, kiểm tra giám sát. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng buôn lậu vẫn cứ gia tăng. Điều đó có nghĩa công tác chống buôn lậu làm chưa tốt. Ra chợ, hàng hóa Trung Quốc ngập tràn, nhưng không phải mặt hàng nào cũng có hóa đơn chứng từ, xuất xứ rõ ràng. Tình trạng hợp pháp hóa chứng từ cho hàng lậu cũng rất phổ biến. Vậy liệu có việc tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu không? 
Trên thực tế một lô hàng lậu lớn từ bên kia biên giới để vận chuyển qua cửa khẩu vào nội địa, các đối tượng đầu nậu, trùm sỏ thường áp dụng chiêu xé lẻ ra thành từng lô nhỏ, sau đó thuê cư dân biên giới vận chuyển qua cửa khẩu. Một số lượng khác có thể thuê “cửu vạn” mang vác qua đường mòn lối mở. Lâu nay, ta vẫn đang áp dụng chính sách cư dân biên giới được phép mua bán lượng hàng hóa dưới 2 triệu đồng không phải đóng thuế. Đây là kẽ hở để các đầu nậu thuê mướn họ xách hàng về, sau đó sẽ thu gom, tập kết lại để chở vào sâu trong nội địa. Nhưng dọc hành trình một chuyến xe hàng về xuôi có rất nhiều trạm chốt kiểm soát giao thông, quản lý thị trường, công an kinh tế. Bằng cách nào các đối tượng trùm sỏ, đầu nậu vẫn có thể hợp thức hóa được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp lô hàng lậu để vận chuyển trót lọt? Đó là những câu hỏi mà dư luận đang hồ nghi…
Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng công tác phòng chống buôn lậu của Ban chỉ đạo 389 vừa diễn ra ở Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (tức Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã chỉ đạo các lực lượng phải tăng cường phối hợp trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu. Tại cuộc họp này, nhiều vấn đề được đề cập, không né tránh như yêu cầu thanh tra, kiểm tra công vụ; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu từng địa bàn, lĩnh vực; sẵn sàng điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu. 
Nhiều người cho rằng, đó chính là mấu chốt của cuộc chiến chống hàng lậu và hàng cấm hiện nay. Phải đánh thẳng vào các đường dây buôn lậu, nhắm vào các trùm sỏ của hàng lậu, đồng thời thanh lọc và xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho buôn lậu.  

Tin cùng chuyên mục