Xuất khẩu gạo "lên ngôi" nhưng thiếu bền vững

Ngày 9-1, tại Tọa đàm giải pháp đường dài cho xuất khẩu do Báo Người Lao động tổ chức, nhiều đại biểu cho biết, ngành gạo của Việt Nam đang “lên ngôi” nhưng cần giải pháp phát triển bền vững hơn.

dan-may-gat-cua-loc-troi-tren-canh-dong-vung-nguyen-lieu-1940.jpg
ĐBSCL là vùng cung ứng lúa lớn nhất nước

Tại tọa đàm, bà Võ Thị Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho hay, toàn tỉnh Đồng Tháp cung ứng khoảng 3,3 triệu tấn gạo năm 2023. Đại diện Sở Công thương TP Cần Thơ cũng chia sẻ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Cần Thơ năm 2023 đạt khoảng 2,2 tỷ USD thì ngành gạo đóng góp khoảng 30%, còn lại là thủy sản và các mặt hàng khác. Trung bình mỗi năm TP Cần Thơ cung ứng ra thị trường khoảng 1 triệu tấn lúa và địa phương này có 38 doanh nghiệp xuất khẩu gạo chiếm gần 38% sản lượng xuất khẩu gạo cả nước.

Năm 2023 là năm phấn khởi của Việt Nam trong xuất khẩu gạo, với 8,3 triệu tấn, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế. Giá lúa lập đỉnh gần 10.000 đồng/kg khiến nông dân rất mừng. “Tuy nhiên, kết quả trên xuất phát từ những yếu tố thuận lợi khách quan đến từ nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao trên thị trường thế giới sau khi Ấn Độ đóng cửa xuất khẩu gạo. Về dài hơi, ngành gạo trong nước còn tồn tại nhiều yếu tố thiếu bền vững cần khắc phục”, GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Đồng tình, bà Võ Thị Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng cho biết, hiện tỷ lệ liên kết chuỗi ngành hàng gạo giữa doanh nghiệp với nông dân chỉ đạt 25%, điều này khó để tạo ra ngành sản xuất lúa gạo bền vững. Do đó, để khắc phục, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Hội ngành hàng lúa gạo Sen Hồng, bao gồm thành viên là doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học. Đây là giải pháp rút ngắn kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với nông dân, cũng như giữa nông dân với nhà khoa học. Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư chế biến sâu, kiểm soát chặt thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng. Từ đó nâng cao tính bền vững cho ngành hàng gạo bao gồm cả giá trị và số lượng.

lo-gao-jasmine-85-xuat-khau-di-thi-truong-eu-sau-hiep-dinh-evfta-2300.jpg
Gạo Jasmine được xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Ở góc độ khác, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho rằng, hiện ngành lúa Việt Nam đã hội tụ đủ 3 yếu tố cần thiết, bao gồm giống lúa, tiêu chuẩn canh tác trồng trọt phù hợp cho từng tỉnh, thành và hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng cần có giải pháp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo để nâng cao giá trị gạo Việt trên thị trường quốc tế. Quan trọng hơn, cần sắp xếp tỷ lệ cung ứng gạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu, để tránh nguy cơ các doanh nghiệp tranh mua, tranh bán. Đồng thời, thắt chặt hơn sự liên kết doanh nghiệp với nông dân để ngành gạo có cơ sở phát triển bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục