Xuyên tạc, chống phá công cuộc phòng chống dịch Covid-19 - Bài 1: Hỗn loạn trên không gian mạng

LTS: Cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng đã có những kết quả bước đầu tích cực. Toàn bộ hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân vẫn đang nỗ lực để kiểm soát dịch. Thế nhưng, các thế lực thù địch, tổ chức, hội nhóm phản động vẫn luôn tìm mọi cách, nhất là thông qua mạng xã hội đã đưa nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, bôi nhọ, nhằm phá hoại thành quả phòng chống dịch của đất nước ta.
Công tác an sinh xã hội được TPHCM đẩy mạnh nhằm hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công tác an sinh xã hội được TPHCM đẩy mạnh nhằm hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Khổ lắm các bác ơi, cháu lo lắm, không hiểu nổi họ chống dịch cái gì mà càng ngày càng chết nhiều đến thế”, “Xin mọi người hãy cứu giúp bà con ở Bình Trị Đông, quận Bình Tân đang chết vì đói, chết vì Covid-19”… Những câu chuyện không có nguồn, sai sự thật được vẽ vời, bôi đen trên không gian mạng thời gian qua gây không ít hoang mang trong dư luận.

“Nghe người ta nói…”

Khi được người thân hỏi đã thấy ở đâu có người chết vì Covid-19 mà bình luận, chia sẻ những chuyện như vậy, chị Nguyễn Thị Hòa Thuận, chủ tài khoản “Thuan Thien”, trả lời: “Em nghe người ta nói”. Anh Minh, chồng chị Nguyễn Thị Hòa Thuận, giải thích một hồi lâu về tác hại của những thông tin chưa được kiểm chứng, chị mới hiểu ra và rút khỏi nhóm bình luận từ tài khoản “Anh Minh” chia sẻ trên Facebook. Anh Minh hỏi có biết chủ tài khoản đó là ai, các thành viên quen như thế nào thì chị Thuận ấp úng: “Thấy nhiều người chia sẻ, bình luận, thích nên em kết bạn xem có chuyện gì hay hay trong đợt dịch này không…”. 

Cũng từ tâm lý thích rồi kết bạn với các tài khoản Facebook để vào xem các chuyện hay hay, mà Thu Hà đã chia sẻ hình ảnh, bài viết về các trường hợp thương tâm cần giúp đỡ, nào là: “Ai ở gần khu vực Bình Hưng Hòa xin giúp đỡ với ạ, họ sắp chết vì đói rồi”,  “Cần khẩn cấp bình oxy, số điện thoại số 0704405… , anh ấy sắp chết rồi”… Những lời cầu khẩn thương tâm đó đã ngay lập tức được cộng đồng mạng chia sẻ lên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, TikTok. Một số đối tượng còn thêm thắt hình ảnh, nhân vật và tạo các tài khoản ảo đưa lên những bình luận thương tâm, nhân đạo. Như câu chuyện của “Bác sĩ Khoa” đã gây xôn xao trên cộng đồng mạng hồi tháng 8-2021.

Trước đó, trên YouTube xuất hiện đoạn clip quay cảnh tại khán đài một sân vận động có khá nhiều người dân đứng ngồi trên các hàng ghế và dọc theo lối đi. Đoạn clip có tiếng người đàn ông gần camera phản ứng việc tiêm một loại vaccine nên kích động mọi người đi về. Bài viết trong đoạn clip này nói rõ người dân phường Hiệp Thành (quận 12) được gọi đi tiêm ngừa và đã bỏ về khi không được tiêm đúng loại mình muốn.  

Bài viết và đoạn clip trên được chia sẻ chóng mặt trên Facebook, Zalo, YouTube, TikTok tạo thành dư luận với những lời bình luận thiếu cơ sở. Sau đó, Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức đã lên tiếng khẳng định cảnh quay cũng như thông tin trên là sai sự thật. Vào thời điểm đó, quận 12 không tổ chức tiêm vaccine cho người dân ở địa điểm nào giống với đoạn clip. Cũng như bài viết và đoạn clip ở trên, nội dung, thời điểm, giọng nói người trong clip được cắt ghép, tạo dựng, khiến người xem tưởng đó là thật, chia sẻ cho nhiều người khác xem, tạo thành làn sóng “nghe người ta nói” truyền đi khắp nơi.

Kích động tụ tập đông người

Trong những ngày TPHCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trên Facebook, Zalo xuất hiện nhiều tài khoản đưa lên những hình ảnh ở nơi này nơi kia tụ tập đông người, kéo nhau lên UBND các phường, xã phản ứng vì không nhận được các gói hỗ trợ. Trong đó, tài khoản Facebook “Thương Nặng Thượng” đã chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung kích động, lôi kéo người dân ra đường đấu tranh đòi quyền lợi. Lúc 13 giờ ngày 6-9, “Thương Nặng Thượng” chia sẻ từ tài khoản “Huỳnh Thành Đông” hình ảnh và nội dung: “Nhân dân Bình Hưng Hòa B lên phường tìm gói hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Không bỏ ai lại phía sau; không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm; chỗ nào chưa được hỗ trợ chụp hình đăng Facebook là 1, 2 ngày sau sẽ có...”.

Xuyên tạc, chống phá công cuộc phòng chống dịch Covid-19 - Bài 1: Hỗn loạn trên không gian mạng ảnh 1 Nguyễn Thị Thùy Dương (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) bị xử phạt vi phạm hành chính vì đăng tải đoạn video có nội dung sai sự thật  

Nguyễn Thị Thùy Dương (31 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) sử dụng tài khoản Facebook “Dương Dịu Dàng” đăng tải đoạn video có nội dung sai sự thật, phê phán chính quyền phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) bỏ đói, không cho người dân nhận cứu trợ và thiếu chăm lo đời sống cho người dân trong các khu phong tỏa. Nguyễn Thị Thùy Dương đã bị xử phạt 5 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

                                                (Nguồn: Sở TT-TT TPHCM)

Trước đó, ngày 2-9, “Thương Nặng Thượng” chia sẻ từ tài khoản “Lemo Messi” đoạn clip cảnh tụ tập đông người tại một ngã tư đường, với status: “Phường Bình Hưng Hòa B nha mọi người”. Có 327 lượt người thích, 118 bình luận và 645 lượt chia sẻ những nội dung xuyên tạc sự thật, đả phá các chính sách an sinh và kích động người dân đi đấu tranh đòi quyền lợi. Nhiều bình luận trắng trợn công kích chính quyền, phủ nhận những nỗ lực, hy sinh của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19. Tài khoản “Mua Xuan Thanh” thì kêu gọi: “Bà con kéo đi đấu tranh mới có, chứ ở yên là không có đâu”. “Thương Nặng Thượng” còn chia sẻ tài khoản “Ta Là Đắc Kỷ”, có nội dung: “Tôi chỉ mọi người, nếu ai không có ăn cứ kéo lại UBND phường, hoặc công an phường ngồi lỳ hoài sẽ được cho ăn”.

Ngày 20-8, tài khoản Facebook “Nguyễn Đình Đông” đưa một status có nội dung: “Nếu cần giúp đỡ hãy treo cờ trắng trước cửa...”. Nhiều chia sẻ từ tài khoản này đã công khai phát động những lời kêu gọi của cái gọi là “Phong trào Cờ Trắng ở Việt Nam”. Trên tài khoản “Phản đối BOT Bắc Thăng Long Nội Bài” công khai kêu gọi: “Nếu bạn không chờ thêm được nữa, hãy làm như các bà con trong các hình sau đây và nhớ đăng Facebook. Cho đến nay, cách này hữu hiệu nhất. Nếu không có giấy carton và bút lớn, bà con vẫn có thể treo một miếng vải trắng lớn trước cửa để mọi người biết nhà mình đã hết thức ăn. Xin các bạn tiếp tay loan tải hay chỉ giúp cho những bà con chưa biết”. 

Hình ảnh trong tài khoản này là ở những nơi người dân đã treo cờ trắng, bảng trắng viết các nội dung kêu gọi cứu trợ. Nhiều bình luận, chia sẻ còn kích động, lôi kéo và hướng dẫn những người tham gia nhóm là khi đi đòi quyền lợi hãy mặc áo trắng, cầm cờ trắng, đeo khăn trắng hay tấm vải trắng để cổ xúy “Phong trào Cờ Trắng ở Việt Nam” cho nhiều nơi làm theo… 

Tin cùng chuyên mục