Toàn cầu hóa và việc bảo vệ bản sắc dân tộc

Toàn cầu hóa và việc bảo vệ bản sắc dân tộc

Chúng ta đang sống trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Thế giới nhỏ bé thực sự trở thành ngôi nhà chung và loài người đang xích lại gần nhau hơn. Nhưng nhân loại cũng đang đứng trước một nguy cơ rất đáng sợ – nguy cơ nhất thể hóa. Trong xu thế ấy, phải chăng dân tộc, đơn vị cộng đồng từng là chủ thể đóng vai trò đầu tàu của lịch sử hàng ngàn năm đã đánh mất ý nghĩa xã hội về sự tồn tại của mình?

Toàn cầu hóa và việc bảo vệ bản sắc dân tộc ảnh 1

Giây phút thiêng liêng tại lễ thượng cờ Việt Nam đoạt Huy chương vàng môn Taekwondo ở Sea Games 20.

Trong thế giới ngày nay, có thể nói chưa bao giờ vai trò cá nhân lại được đề cao đến như vậy. Nhưng đó là cái cá nhân vừa đại diện cho cái riêng của bản thân, cái cá thể; lại vừa đại diện cho cộng đồng, khẳng định những gì thuộc về bản sắc, tính ưu việt của một cộng đồng dân tộc riêng biệt. Đó chính là ý thức dân tộc, trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã ăn sâu, bám chắc, trở thành máu huyết của mỗi con người.

Có thấu hiểu điều này, chúng ta mới lý giải được những giọt nước mắt của các vận động viên khi thấy lá cờ Tổ quốc kéo lên trong tiếng quốc ca hào hùng trên các đấu trường quốc tế; mới thật sự rung động trước cảnh cả biển người đồng thanh hát Việt Nam Hồ Chí Minh, giương cao cờ đỏ sao vàng khi đội tuyển bóng đá Việt Nam ra quân.

Tính cộng đồng dân tộc giúp chúng ta nhận rõ mình là ai trong một thế giới ngày càng bị đồng hóa. Nó là chỗ dựa tinh thần, là động lực để mỗi dân tộc đứng vững và tiến về phía trước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, ý thức dân tộc không những không bị đồng hóa, không đánh mất vai trò lịch sử của mình mà còn tiếp nhận thêm những tư chất mới, khẳng định mình như những chuẩn mực văn hóa – đạo đức làm phong phú thêm cho nền văn hóa nhân loại.

Song song với xu thế toàn cầu hóa, thế giới cũng diễn ra - không kém phần mạnh mẽ – một trào lưu ly tâm. Những gì đã xảy ra ở Liên Xô, Liên bang Nga, Đông Âu, Indonesia, Canada… là một minh chứng. Không thể không nói đến một nguyên nhân: chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang gieo hạt giống độc ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhưng cũng còn một nguyên nhân khác: cuộc đấu tranh của các dân tộc nhỏ trước nguy cơ bị đồng nhất hóa.

Cho dù ở mức độ nào, trên thực tế, thế giới, cùng với việc xóa đường biên giới quốc gia, đang diễn ra một quá trình khác: nhiều cộng đồng dân tộc bị bỏ quên đang trên đường tìm lại gương mặt của chính mình.

Có thể nói không quá đáng rằng thế giới đang chứng kiến một hình thức đấu tranh mới lạ nhưng cũng hấp dẫn vào bậc nhất trong lịch sử tồn tại của loài người: các dân tộc đang vươn lên để khẳng định cái riêng của dân tộc mình, và qua việc khẳng định cái riêng của mình xây dựng cái chung nhân loại.

Hình thức đấu tranh đặc biệt này đã chi phối toàn bộ quan hệ giữa các quốc gia. Muốn phát triển, đương nhiên, các dân tộc phải vươn lên hòa nhập vào cái chung nhân loại. Nhưng để hòa nhập vào nhân loại, điều kiện tiên quyết là mỗi dân tộc lại không thể đánh mất bản sắc riêng biệt của dân tộc mình.

Toàn cầu hóa và việc bảo vệ bản sắc dân tộc ảnh 2

Âm sắc Việt thu hút du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về nguy cơ chú cừu Dolly – sự sinh sản vô tính trong văn hóa. Nguy cơ ấy là hoàn toàn có thật nếu chúng ta tiến tới nhất thể hóa văn hóa nhân loại. Sự triệt tiêu các bản sắc riêng không đem lại cái gì khác hơn là sự rập khuôn, đơn điệu đến vô hồn.

Thế giới sẽ ra sao nếu tất cả các dân tộc đều giống nhau, đều có một sắc màu văn hóa như nhau? Không còn khái niệm người Đức, người Pháp, người Nga, người Trung Quốc, người Anh, người Việt Nam?

Sẽ chỉ còn tồn tại các quốc gia phi dân tộc. Nhưng đó cũng là lúc nhân loại tự hủy diệt như những cuộc hôn nhân đồng huyết thống. Bởi lẽ, ý thức dân tộc không đem lại những tư tưởng vị kỷ hẹp hòi, mà là nơi tiềm ẩn những nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần bất tận của nhân loại. Nó có khả năng dấy lên những tiềm năng vô hạn, đưa đất nước, đưa dân tộc lên những đỉnh cao mới của sự phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ý thức dân tộc nằm trong sự giằng xé giữa hai con đường: hướng nội và hướng ngoại. Cả hai xu hướng này đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực.

Để khắc phục cái tiêu cực, phát huy cao độ cái tích cực, văn hóa tự ý thức đòi hỏi: Hòa nhập nhưng không hòa tan. Hòa nhập là để có thể nhân lên sức mạnh của bản thân dân tộc dựa vào sức mạnh chung của cộng đồng quốc tế. Không hòa tan đảm bảo không mất đi bản sắc riêng, làm đa dạng và phong phú thêm nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần của cả nhân loại.

Ý thức dân tộc là sản phẩm của từng dân tộc cụ thể. Nhưng suy cho đến cùng, ý thức dân tộc không đơn thuần là tài sản riêng của mỗi quốc gia. Ý thức dân tộc, trong thực tế đã trở thành một bộ phận của ý thức cộng đồng, là giá trị không chỉ riêng đối với từng quốc gia dân tộc mà có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển, tồn vong của nhân loại trên cả hành tinh. 

DƯƠNG TRỌNG DẬT

 

Tin cùng chuyên mục