Xây dựng công trình Nhà Quốc hội mới

Cần lắng nghe và cân nhắc rất cẩn trọng

(Thư ngỏ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi các đại biểu Quốc hội)

Với tư cách một công dân, một cử tri, hiện cư trú tại TPHCM, tôi mong muốn trình bày với ông Chủ tịch và toàn thể Quốc hội một vấn đề mà tôi cùng nhiều người Việt Nam đang rất quan tâm đó là: Chủ trương phá bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng công trình kiến trúc Nhà Quốc hội mới.

Trước đây, tôi là người đồng ý chủ trương xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) tại khu vực này. Bộ Chính trị cũng vậy. Nhưng khi đó, chúng ta chưa phát hiện những dấu tích của Hoàng thành Thăng Long, chưa có điều kiện để chứng kiến và đánh giá những di tích lịch sử quý giá đã nghìn năm tồn tại trong khu vực ấy. Nay, do một phần lớn diện tích thuộc phần di tích phải bảo tồn, nếu xây nhà Quốc hội, khu đất này chỉ còn lại 1,2 ha, thay vì khoảng 6 ha như trước. Mặt khác, không gian kiến trúc khu vực trước lăng Hồ Chủ Tịch cũng không cho phép tòa nhà có thể xây cao lên.

Tuy nhiên, khi chỉ trên 19.000m2 được khảo sát thì lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học của nước ta đã•phát hiện dưới lòng đất một kho tàng đang lưu giữ 13 thế kỷ xây dựng kinh đô Thăng Long của người Việt Nam với những bằng chứng không thể phủ nhận rằng: “Cha ông chúng ta đã•từng sở hữu một nền nghệ thuật kiến trúc và xây dựng đô thị phát triển ở trình độ cao”.

Cùng với phát hiện đó, các nhà khảo cổ nước ta, bước đầu đã chứng minh được rằng Khu di tích 18 Hoàng Diệu nằm trong một không gian liên tục với khu thành cổ Hà Nội rộng 9.395m2, vừa được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND TP Hà Nội ngày 24-11-2006. Hơn nữa, đã bước đầu xác định được Khu 18 Hoàng Diệu thuộc khu Cấm thành của nhiều niên đại xây dựng thành Thăng Long cũ.

Những đánh giá này cũng được thể hiện rõ trong báo cáo của Andrew Hardy, tiến sĩ - Đại học Quốc gia Úc, Canbera, nhà lịch sử; phó giáo sư, trưởng đại diện Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, lãnh đạo đội nghiên cứu di chỉ Ba Đình (nếu các vị thấy cần, tôi sẽ cung cấp bản báo cáo chi tiết). Sau khi nghiên cứu kỹ di chỉ Ba Đình, lựa chọn mà nhóm nghiên cứu đưa ra là: “Phải chấp nhận các thách thức do phát hiện khảo cổ học mang lại. Điều này có nghĩa là bảo tồn toàn bộ di tích tại 18 - Hoàng Diệu (bao gồm khu A, B, C và D theo sơ đồ của các nhà khảo cổ Viện KHXH Việt Nam). Nó cũng có nghĩa là phát triển khu vực xung quanh có liên quan đến thành cổ Thăng Long (giới hạn bởi các phố Phan Đình Phùng, Thuốc Bắc, Trần Phú và Hùng Vương), như là một vùng văn hóa đặc biệt ở trung tâm Hà Nội. Hậu quả trước mắt của quyết định này có thể là đình chỉ tất cả các công trình xây lớn trong phạm vi vùng này, trong khi chờ đợi sự ban hành sắc lệnh bảo vệ di sản trong phạm vi khu vực”.

Như vậy là, sau biến cố hàng ngàn năm lịch sử, nay nhờ công việc khảo cổ, chúng ta bước đầu biết rằng ngay trong lòng đất khu vực Ba Đình, có thể còn biết bao nhiêu kho tàng quý giá của cha ông. Trong sứ mệnh giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ con em và cho cả ngay chính chúng ta, có di tích nào quan trọng và lớn lao hơn thế?

Nhân đi Hà Nội dự khai mạc Quốc hội, sau khi nghe và trao đổi ý kiến với một số anh em, ngày 1 tháng 8 năm 2007, tôi có gửi đồng chí Nông Đức Mạnh một bức thư bày tỏ sự băn khoăn này, xin được trích dẫn một đoạn dưới đây:

“Liên quan đến quy hoạch Hà Nội, tôi cũng có trao đổi với một số anh em về chủ trương xây dựng nhà Quốc hội tại Ba Đình, phá hội trường hiện tại. Có mấy vấn đề đặt ra mà còn nhiều ý kiến băn khoăn: hội trường Quốc hội hiện tại gắn với khu di tích; nếu hội trường mới làm lớn, khu di tích sẽ bị hạn chế nhất định, nếu làm nhỏ thì không đủ tầm, không phù hợp với xu thế phát triển.

Tôi nghĩ có cách nào mình giữ, tôn tạo được Hội trường Ba đình coi như một di tích lịch sử kế tiếp, ở đó gắn liền với quảng trường Ba Đình lịch sử, về ý nghĩa chính trị không đâu thay thế được? Nếu hội trường hiện tại có xuống cấp, hư hỏng thì với kỹ thuật hiện nay việc khắc phục không mấy khó khăn. Ta kết hợp tôn tạo thành một quần thể di tích có cổ xưa, có đương đại. Thậm chí, nhiều cuộc họp quan trọng, mang ý nghĩa chính trị cao cũng không chỗ nào thay thế được khu trung tâm chính trị lớn này. Cá nhân tôi nghiêng về phía giữ lại khu Ba Đình với hội trường cũ, không thể xây dựng nhà Quốc hội mới đủ bề thế ở đây.

Quyết định này cũng liên quan đến hướng mở rộng quy hoạch Hà Nội. Phải chăng nên nghiên cứu lại ý định trước đây dời Quốc hội phía đường lên Hòa Lạc, dành cho một diện tích xứng đáng, giữ lại khu Ba Đình và vẫn xây nhà Quốc hội tầm cỡ”.

Thiết nghĩ, trước những công việc lớn ở tầm cao trách nhiệm như trên, chúng ta đưa ra quyết định mà tôi cho rằng khá vội vã. Theo đó, Bộ Xây dựng đã gấp rút tiến hành tổ chức một cuộc thi hạn chế mà kết quả đầy khiếm khuyết đã được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia từ ngày 2 đến 15 tháng 9.

Việc trưng bày một công trình có tầm quan trọng như thiết kế nhà Quốc hội tại một địa điểm quá xa trung tâm và trong một thời gian ngắn đã vô tình loại bỏ rất nhiều người dân muốn tham gia ý kiến nhưng không có thông tin hoặc không đủ điều kiện tới xem. Công trình nhà Quốc hội là một trong những biểu trưng cho quyền lực toàn dân, không thể vì bất cứ lý do gì mà nhân dân cả nước, đặc biệt, nhân dân TPHCM và các tỉnh phía Nam không được “Xem và tham gia ý kiến”.

Tôi đề nghị: Ban Tổ chức cần tiến hành trưng bày tại Đà Nẵng và TPHCM để nhân dân và giới chuyên môn cả ở ba miền có điều kiện đóng góp và cũng để rút kinh nghiệm cho những lần khác, cho những công trình tiêu biểu khác của quốc gia. Sau triển lãm, cần có tổng kết, công khai minh bạch kết quả và có kết luận cụ thể.

Bản thân tôi cũng như rất nhiều các ý kiến khác nghiêng về giải pháp giữ lại Hội trường Ba Đình trong tổng thể khu di tích. Tôi đồng ý Quốc hội cần có một trụ sở xứng đáng, nhưng không vì thế mà có thể vội vàng. Trước mắt, có thể cải tạo và sử dụng Hội trường Ba Đình, khi cần thiết trưng dụng thêm Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khi ta có điều kiện hơn, và thời gian cũng đủ nhiều để có một công trình kiến trúc nhà Quốc hội mới đủ tầm, không phụ thuộc vào diện tích hay bị hạn chế mặt này mặt khác. Đồng thời trong lúc này, ta tranh thủ xúc tiến vận động để UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Việc này sẽ rất có ý nghĩa nhân dịp Hà Nội kỷ niệm nghìn năm Thăng Long của mình.

Hơn nữa, xây dựng công trình nhà Quốc hội tại đây, các nhà kiến trúc có lường được sự chấn động khi giải pháp thi công cơ giới với thiết bị nặng sẽ làm nứt vỡ các tầng văn hóa rất mong manh của Khu di tích 18 Hoàng Diệu nằm ngay bên cạnh? Lúc ấy người chịu trách nhiệm sẽ là ai?

Nhân đây, tôi xin lưu ý thêm với các đồng chí. Không thể xây dựng một công trình có ý nghĩa quan trọng như vậy mà lại lấy lý do chào mừng kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, để rồi tiến hành vội vã. Chúng ta đã có kinh nghiệm về những sự trả giá cho những công trình chạy đua để chào mừng lễ lạt. Nhân Thăng Long nghìn năm tuổi, chúng ta càng phải nhận thức rõ hơn về mặt thời gian. Ý nghĩa của một công trình là ở những giá trị bền lâu, chứ không phải ở chỗ, nó được cắt băng khánh thành trong một ngày đại lễ.

Mặt khác, không thể nhân danh lịch sử để cư xử thiếu cân nhắc với những di tích hiện thân của lịch sử. Nếu thấy cần thiết, Quốc hội nên lấy ý kiến nhân dân. Muốn lấy ý kiến nhân dân, chúng ta phải thực sự cầu thị, bằng cách, tổ chức những phương thức mà nhân dân có thể tham gia thực sự chứ không phải chỉ lấy ý kiến nhân dân cho có lệ. Đây là một công việc hệ trọng, các vị đại biểu Quốc hội đang thay mặt Nhà nước và toàn thể nhân dân đưa ra những quyết định tác động đến lịch sử. Cần lắng nghe và cân nhắc rất cẩn trọng.

Võ Văn Kiệt

Tin cùng chuyên mục