Đóng góp thầm lặng của một người ngoài Đảng

Trong thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, có một nhân vật chưa bao giờ đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng những hoạt động bền bỉ của ông lại có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành và phát triển hệ thống cơ sở Đảng ở Nam kỳ trước đây. Đó là nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh.

Trong thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, có một nhân vật chưa bao giờ đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng những hoạt động bền bỉ của ông lại có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành và phát triển hệ thống cơ sở Đảng ở Nam kỳ trước đây. Đó là nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh.

Năm 1920 là năm đánh dấu sự gặp gỡ của Nguyễn An Ninh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc - một người bạn thân - và giáo sư Marcel Cachin - người thầy mà Nguyễn An Ninh rất kính trọng - tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Chính điều này đã thôi thúc Nguyễn An Ninh tìm đọc và mua nhiều sách báo về chủ nghĩa Mác - Lênin và các học thuyết khác. Năm 1922 Nguyễn An Ninh về nước.

Theo thời gian, những trải nghiệm thực tế qua 3 năm hoạt động (1923-1925) đã giúp ông có cơ hội kiểm nghiệm tính đúng đắn và phù hợp của từng học thuyết trong tình hình Việt Nam, từ đó từng bước củng cố niềm tin của ông đối với chủ nghĩa cộng sản. Những bài viết về nước Nga, về phong trào cách mạng thế giới xuất hiện ngày càng nhiều trên tờ La cloche fêlée (Tiếng chuông rè) - tờ báo do Nguyễn An Ninh sáng lập và điều hành.

Ngày 22-2-1925, tại Hội quán Sociéte Savantes ở Paris, trước khoảng 200 thính giả, ông công khai tuyên bố “Tôi không phải là cộng sản nhưng tôi ủng hộ học thuyết này”. Kể từ đây cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình, Nguyễn An Ninh tuy đứng ngoài hàng ngũ Đảng nhưng luôn sát cánh cùng những đảng viên trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc.

Từ năm 1924, Nguyễn An Ninh đã tích cực và bằng nhiều cách tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, về phong trào cách mạng thế giới. Trong những chuyến đi về các tỉnh Nam kỳ để vận động thành lập tổ chức “Thanh niên cao vọng” (hay còn gọi là Hội kín Nguyễn An Ninh) ông cũng tranh thủ giới thiệu về nước Nga trước đông đảo nhân dân.

Một hình thức tuyên truyền khá thú vị khác là việc ông luôn mở rộng cửa đón những người yêu nước tới nhà mình đọc sách. Ông sở hữu một tủ sách tư nhân thuộc vào loại lớn nhất nước ta thời bấy giờ với rất nhiều sách về chủ nghĩa cộng sản từ các tác phẩm có tính chất phổ thông tới những tác phẩm kinh điển. Những thành viên cốt cán của tổ chức Thanh niên cao vọng và các đảng viên cộng sản thường xuyên lui tới nhà Nguyễn An Ninh để đọc sách và trao đổi với ông. Có thể nói thông qua tủ sách này, ông đã góp phần tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin một cách thầm lặng nhưng hiệu quả.

Năm 1929, ông bị giam chung với đồng chí Phạm Văn Đồng ở Khám Lớn. Qua trao đổi, ông được biết Phạm Văn Đồng và Châu Văn Liêm được cử về nước để thành lập Đảng Cộng sản. Vì vậy, khi biết An Nam Cộng sản Đảng chuẩn bị thành lập, ông đã thông qua vợ mình là bà Trương Thị Sáu giới thiệu một số thành viên của tổ chức Thanh niên cao vọng để Châu Văn Liêm chọn lọc và kết nạp. Do đó, trong những chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), Hóc Môn... có nhiều đảng viên trước đây từng là thành viên của tổ chức Thanh niên cao vọng.

Năm 1931, Nguyễn An Ninh được trả tự do. Trong suốt 3 năm từ 1932 đến 1935, ông đi khắp các tỉnh Nam kỳ dưới vỏ bọc đi bán dầu cù là nhưng thực chất là để ông trực tiếp giới thiệu số thành viên còn lại của tổ chức Thanh niên cao vọng cho Đảng. Trong số những người từng là thành viên của tổ chức này, nhiều người sau này đã trở thành những đảng viên trung kiên, đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong Xứ ủy Nam kỳ như Võ Thành Mong, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần, Hồ Văn Long, Trương Văn Bang, Tô Ký...

Từ những đóng góp thầm lặng, những cống hiến cũng như vai trò của Nguyễn An Ninh đối với sự hình thành và phát triển hệ thống cơ sở Đảng ở Nam kỳ trong năm 1929 và những năm đầu thập niên 30 đã rất rõ nét.

Nguyễn Thị Liên

Tin cùng chuyên mục