Ủng hộ quan điểm “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”

Ủng hộ quan điểm “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”

(SGGPO). - Sáng nay, 6-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Làm rõ khái niệm quyền lực nhà nước

Liên quan đến Điều 2, Hiến pháp năm 1992 xác định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức…”.

Qua thảo luận, có hai loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục giữ nội dung quy định tại Điều 2, chỉ thay từ “tầng lớp” bằng từ “đội ngũ” để khẳng định bản chất công - nông - trí của Nhà nước ta. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 2 của Dự thảo.

Tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) tán đồng với ý kiến của Ủy ban, đề nghị giữ nguyên điều 2 của Hiến pháp hiện hành để đề cao vai trò của đội ngũ trí thức.

Tuy nhiên, cũng về nội dung này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) lại thiên về loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc với vai trò là động lực của phát triển xã hội.

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cũng đề nghị sửa quy định này thành: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” nhưng thêm “nòng cốt là công - nông - trí”.

Có nên đưa thiết chế hiến định độc lập Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp?

Hiến pháp sửa đổi lần này bổ sung hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp để tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), Hiến pháp là nơi chế định những vấn đề lớn về bộ máy Nhà nước, những vấn đề hết sức cơ bản về quyền công dân, vì vậy việc đưa chế định hai cơ quan này vào Hiến pháp là không cần thiết, mà có thể đưa vào các văn bản khác. Đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) cũng cho rằng không nên đưa thiết chế hiến định độc lập là Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) trao đổi với báo chí sáng nay. Ảnh: Phan Thảo

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) trao đổi với báo chí sáng nay. Ảnh: Phan Thảo

Ngược lại với quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại cho rằng, cần nâng địa vị pháp lý của kiểm toán Nhà nước lên thành một hiến định trong Hiến pháp. Đây là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Tôi ủng hộ đưa vào Hiến pháp.

Ủng hộ khẳng định trong Hiến pháp “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”

Về cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp (Điều 55), hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị nêu thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và xác định vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế. Quy định như vậy để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nêu cụ thể tên các thành phần kinh tế mà chỉ xác định các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế để bảo đảm tính khái quát, ổn định cao của Hiến pháp khi cơ cấu của nền kinh tế có thể thay đổi, đồng thời, thể hiện sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tán thành loại ý kiến thứ nhất, khẳng định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo (thể hiện tại Điều 55 của Dự thảo). Tuy nhiên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) thì có nên ghi kinh tế Nhà nước là chủ đạo trong Hiến pháp hay không, cần tính lại.

Ngược lại với quan điểm của bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Lê Đông Phong (TPHCM) đồng ý như dự thảo cần nêu rõ kinh tế Nhà nước là chủ đạo.

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, để Hiến pháp ổn định lâu dài, không nên liệt kê hết các thành phần kinh tế, nhưng đồng ý phải khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Đại biểu  Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cũng cho rằng nên ghi kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Vì có kinh tế Nhà nước thì mới có điều kiện để thực hiện nền kinh tế theo định hướng XHCN.

Phải làm rõ ngân sách Trung ương và địa phương

Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), sửa đổi Hiến pháp lần này phải làm rõ ngân sách Trung ương, địa phương, không được gọi chung chung là ngân sách Nhà nước như lâu nay. Phải quy định quyền tự chủ của chính quyền về ngân sách, cái gì của địa phương là của địa phương, phải rạch ròi ra thì mới tái cơ cấu đầu tư công được. Phải làm rõ ngân sách Nhà nước khác với ngân sách quốc gia. Nếu cứ chung chung như hiện nay thì không thể làm tốt được”.

Quốc hội không thể quyết định chính sách tiền tệ như Hiến pháp hiện hành. Tiền tệ phải là do Chính phủ quyết. Hiến pháp sửa đổi cũng không làm rõ điều này. Quyền lực lớn nhất của Quốc hội là lập pháp, tất cả thế hiện qua luật. Không nên để Quốc hội quyết chính sách tiền tệ, rất không ổn. Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ điều này.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, dù đã thảo luận rất nhiều nhưng nội dung chính quyền địa phương gần như chưa được đề cập trong Hiến pháp sửa đổi. Tổ chức đô thị như thế nào cũng chưa được đề cập. Phải xác định chính quyền địa phương là ai, phải làm rõ thì mới tự quản địa phương được.

Đề nghị miễn học phí cho Trung học cơ sở?

Đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) tâm đắc Điều 15 về “quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Cùng với đó, Điều 36  của Hiến pháp sửa đổi khẳng định “công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.  Nhà nước và xã hội có trách nhiệm giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người nghèo. Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm đời sống cho người có công với nước và gia đình họ” thể hiện sự tiến bộ vượt bậc.

Trong khi đó, về quyền học tập theo ông Trần Thanh Hải lại là một bước lùi. Dự thảo chỉ thể hiện “học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Trẻ em khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hoá và học nghề phù hợp. Hiến pháp hiện hành quy định tiểu học không phải đóng học phí. Nhưng lần này không thể hiện. Để xã hội phát triển được thì học vấn rất quan trọng, đề nghị phải thể hiện trong Hiến pháp học THCS cũng phải được miễn học phí.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) đồng ý với đại biểu Trần Thanh Hải. Về lâu dài, giáo dục phổ thông là giáo dục bắt buộc, đó là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình. Vì vậy, cần tính đến việc miễn học phí của giáo dục phổ thông.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay. Ảnh: Phan Thảo

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay. Ảnh: Phan Thảo

Nhiều đại biểu Quốc hội khối tư pháp cho rằng ở Điều 33, “Hiến pháp ghi: không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” là chưa chuẩn xác. Phải là “không ai bị kết án hai lần vì một hành vi tội phạm”.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục