Đồng chí Hồ Quang Lợi, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội:

Phẩm chất cán bộ, đảng viên được “thử lửa” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng

Phẩm chất cán bộ, đảng viên được “thử lửa” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng

Với gần 34 vạn Đảng viên, chiếm  gần 1/10 số Đảng viên của cả nước, Đảng bộ Hà Nội có vị trí hết sức quan trọng. Để tìm hiểu phương pháp và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ Thủ đô, phóng viên báo SGGP vừa có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Quang Lợi, Uỷ viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về vấn đề này.

* PV: Thưa đồng chí, Nghị quyết Trung ương 4 (NQ4) đã chỉ ra 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay cũng như hệ thống giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh tình hình. Đồng chí tâm đắc với những giải pháp nào nhất?

- Đồng chí HỒ QUANG LỢI: NQ4 được ban hành vào thời điểm mà Đảng ta đang gánh vác sứ mệnh ngày càng nặng nề, trong khi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm qua lại chưa đạt yêu cầu mong đợi.

Đồng chí Hồ Quang Lợi
Đồng chí Hồ Quang Lợi

Thực tế, xây dựng, chỉnh đốn Đảng được làm thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Đảng ta, chứ không riêng trong một giai đoạn nào. Tôi vừa đọc lại và thấy rất tâm đắc với bài nói cách đây đúng 50 năm  của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương Đảng (ngày 1-5-1952). Bác nói: “Chỉnh đốn Đảng phải có trọng tâm. Chỉnh đốn tư tưởng rồi mới chỉnh đốn tổ chức. Chỉnh đốn cán bộ rồi mới chỉnh huấn toàn thể đảng viên”. Nghị quyết Trung ương 4 thể hiện rất rõ phương châm này, theo đó nhấn mạnh yêu cầu làm từ trên xuống, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương xuống các cấp theo tinh thần thực sự nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật.

Trong số các giải pháp đã được nêu rõ trong NQ4 – tất nhiên phải làm đồng bộ - tôi cho rằng tinh thần phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng có ý nghĩa quyết định. Nếu mỗi đảng viên không tự nhìn nhận được mặt yếu của mình thì dù chỉnh đốn như thế nào cũng khó đi tới kết quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, mỗi người hãy soi vào mình mà tự gột rửa thiếu sót, khuyết điểm của mình. Đồng thời, tinh thần đấu tranh phê bình cũng rất cần thiết. Tôi nghĩ, trong quá trình này có hai biểu hiện cực đoan cần tránh: 1. Biến các cuộc sinh hoạt Đảng thành các cuộc đấu đá nội bộ, lợi dụng sinh hoạt Đảng để công kích nhau, gây mất đoàn kết trong cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị. 2.  Làm hình thức, quoa quýt, xuê xoa, chiếu lệ cho xong.  

PV: Tuy nhiên, một thực tế không thể không nhắc tới là ở khá nhiều nơi, nhiều cấp, tình trạng nể nang, né tránh vẫn phổ biến. Một bằng chứng dễ thấy là các vụ tham nhũng lớn thời gian qua đều không phải thông qua sinh hoạt Đảng mà phát hiện được, trong khi những đối tượng tham nhũng lớn hầu hết là cán bộ có chức, có quyền, không ít người là đảng viên?

- Đồng chí HỒ QUANG LỢI: Đấu tranh chống tham nhũng thực sự là một cuộc “thử lửa” phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Đó là cuộc sát hạch nghiêm khắc về bản lĩnh của Đảng cầm quyền. Thời gian ngắn vừa qua, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ chống tham nhũng – đó chính là thái độ tuyên chiến không khoan nhượng của Đảng đối với nguy cơ lớn đang hãm hại công cuộc đổi mới, đe dọa sự tồn vong của chế độ. 

Cái khó của chống tham nhũng là phải chống hành vi lợi dụng chức quyền của một bộ phận cán bộ, đảng viên hám lợi, thoái hóa, biến chất nằm ngay trong bộ máy quyền lực của Đảng và Nhà nước. Chống tham nhũng không thể chỉ bằng việc tổ chức các phiên tòa xét xử, vì nhìn tổng thể, những sai phạm đưa ra xử lý tại các vụ án có thể chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Do vậy, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế và củng cố bộ máy chống tham nhũng, cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng mà nhiệm vụ trọng tâm là chống tham nhũng. Không thể chống được tham nhũng nếu việc phê bình và tự phê bình không đủ sức hỗ trợ, làm chỗ dựa đáng tin cậy cho những tư tưởng lành mạnh, những con người quả cảm dám đấu tranh với những kẻ tham nhũng có chức, có quyền. Và cũng không thoát khỏi tình trạng ấm ách, bùng nhùng "đánh bùn sang ao" nếu không khẩn trương giải quyết, xử các vụ việc tham nhũng nổi cộm, bức xúc, bao gồm cả một số vụ việc đã phát hiện mà chưa xử lý, hoặc xử lý chưa hiệu quả, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, dù cán bộ đó ở cấp nào.

PV: Thưa đồng chí, Đảng bộ Hà Nội không những đông mà còn rất đa dạng về đối tượng đảng viên. Công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết trung ương 4 được tiến hành như thế nào để phù hợp với mọi đối tượng?

- Đồng chí HỒ QUANG LỢI: Triển khai thực hiện NQ4 tiến hành trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thủ đô lại vừa được đón nhận thêm một Nghị quyết hết sức quan trọng: Nghị quyết số 11- NQ/TW ( ngày 6/1/2012) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Xác định vị trí đặc biệt của mình và trách nhiệm, vinh dự lớn trước sự phát triển của đất nước, Đảng bộ Hà Nội đã và đang phấn đấu là đơn vị dẫn đầu cả nước trong thực hiện NQ4. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, ngay sau khi NQ4 được ban hành, chúng tôi đã lập tức thực hiện tuyên truyền, phổ biến NQ khắp toàn Đảng bộ và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống báo cáo viên. Các cuộc giao ban, các hội nghị tổng kết và phát động thi đua đầu năm đều được lồng ghép nội dung này.

Sắp tới, thành phố sẽ triển khai sâu rộng việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện với các biện pháp thiết thực, sát thực tế để đạt hiệu quả cao nhất. Khác nhiều đợt triển khai học tập trước đây, lần này việc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết được tiến hành sâu sắc và bài bản hơn  Chúng tôi đang đề nghị thành lập Ban chỉ đạo, ban tổ chức và bộ phận thường trực theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc học tập quán triệt và thực hiện NQ4. Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ nội dung, tài liệu, báo cáo viên các hội nghị học tập, chúng tôi khuyến khích tổ chức các hình thức diễn đàn, tọa đàm để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp uỷ sẽ cùng hiến kế cho công tác xây dựng Đảng của cấp mình và chung cho toàn thành phố.

PV: Đối với từng cán bộ, đảng viên thì sao, thưa đồng chí?

- Đồng chí HỒ QUANG LỢI: Hà Nội đặc biệt coi trọng việc xây dựng chương trình hành động triển khai NQ của mỗi cá nhân, tập thể. Vì vậy, sau khi học tập NQ xong, chúng tôi đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên sẽ viết bài thu hoạch với nội dung gồm 2 phần: nhận thức của mình về NQ và chương trình hành động của cá nhân với những việc làm cụ thể. Nội dung các công việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng của NQ Trung ương 4 sẽ gắn liền với việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với thực hiện 9 chương trình công tác lớn của Đảng bộ TP giai đoạn 2010-2015, nhằm từng bước thực hiện nghị quyết 11-NQ/TW. Chương trình hành động này của cá nhân sẽ được nộp về cấp ủy quản lý đảng viên tổng hợp và gửi báo cáo cấp ủy cấp trên cùng với chương trình hành động của tập thể cấp đó. Một điểm mới nữa trong tổ chức thực hiện nghị quyết lần này là Đảng bộ Hà Nội sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Các kết quả cụ thể trên từng cương vị công tác, các thành tựu trên các lĩnh vực chính là sự sát hạch nghiêm túc về hiệu quả, chất lượng thực hiện NQ4. Các gương tốt sẽ được phát hiện, biểu dương kịp thời để nhân rộng;  các biểu hiện thiếu nghiêm túc, thiếu sót sẽ được kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh. Cả hai mặt này sẽ được phản ánh kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần thúc đẩy công tác xây dựng Đảng.

PV: Từ thực tiễn giải quyết nhiều vấn đề bức xúc ở Hà Nội những năm gần đây, có thể rút ra được bài học gì về công tác xây dựng Đảng?

- Đồng chí HỒ QUANG LỢI: Tôi cho rằng đó là bài học về quan hệ máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Khi Đảng xác định đúng và phát huy được vai trò của mình, tạo sự đoàn kết  nhất trí cao trong Đảng, làm nòng cốt tạo sự đồng thuận trong t hệ thống chính trị toàn xã hội, thì mọi vướng mắc có thể sẽ giải quyết thoả đáng. Gần 7 triệu dân, vừa thành thị vừa nông thôn và tốc độ đô thị hóa rất cao, Hà Nội đã và sẽ đối mặt không ít vấn đề xã hội phức tạp, những vụ việc “nóng”. Đơn cử, trên địa bàn Thủ đô có hàng ngàn công trình, trong đó có hàng trăm công trình trọng điểm phải giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Không phải không có nhiều vụ việc bức xúc xảy ra ở Hà Nội, có vụ việc đan xen cả yếu tố đất đai - tôn giáo rất phức tạp, nhạy cảm…

Thành uỷ Hà Nội luôn lắng nghe, xem xét thận trọng mọi việc theo tinh thần cầu thị. Mọi quyết định được đưa ra trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, đảm bảo quyền lợi của cộng đồng, của người dân và đặc biệt phải tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng. Gần đây, dự án đường vành đai 3 đoạn đi qua quận Thanh Xuân bị ách tắc 8 năm trời đã được giải quyết gọn ghẽ, ổn thỏa chỉ trong 4 ngày mà không phải cưỡng chế một trường hợp nào. Mới đây nhất là việc điều chỉnh giờ làm việc, Tp cũng rất cầu thị lắng nghe dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng người dân để có những điều chỉnh kịp thời.

* Cảm ơn đồng chí!

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục