Võ Chí Công – Người con ưu tú xứ Quảng

Nhà cách mạng kiên trung

Ngày 5-8, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Nhà cách mạng kiên trung

Sinh ra trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng và dành cả đời mình đi theo Đảng, làm cách mạng; dành cả đời lo cho dân, cho nước, đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng đội, nhân dân và đặc biệt là người dân xứ Quảng. Đồng chí Võ Chí Công là người con ưu tú của xứ Quảng, là người cộng sản kiên trung, người lãnh đạo tài ba và được nhân dân gọi với cái tên trìu mến: anh Năm Công.

Hơn 80 năm một lòng theo Đảng, làm cách mạng; bằng tài năng, đức độ của mình, đồng chí Võ Chí Công trở thành một trong những lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, là nhà cách mạng kiên cường, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời làm cách mạng, từ cương vị Bí thư phủ Tam Kỳ đến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và ở nhiều địa bàn khác nhau, song ở cương vị nào đồng chí cũng luôn sâu sát quần chúng, bám sát thực tiễn, có mặt đúng lúc vào những thời điểm lịch sử quan trọng và có nhiều quyết định sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần tạo nên những bước ngoặt của lịch sử đất nước.

Nói về người cộng sản Võ Chí Công, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho biết: “Đồng chí Năm Công là người cộng sản kiên trung, đức độ, nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, nhà hoạt động cách mạng thực tiễn có tinh thần trách nhiệm cao, luôn thể hiện sự nhạy bén, quyết đoán của người đứng đầu”.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, khi tình thế buộc phải chuyển về hoạt động tại Diêm Trường (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), đồng chí Võ Chí Công khi ấy là Bí thư Khu ủy Khu 5 đã chọn gia đình ông Lương Văn Hận làm cơ sở hoạt động trong sự đùm bọc bảo vệ của người dân. Ông Hận hồi tưởng: “Bữa cơm nào đồng chí Năm Công cũng san sẻ cho mọi người, còn mình chỉ dùng khoai lang với muối. Chính sự đồng cam cộng khổ với mọi người của đồng chí Võ Chí Công đã tạo niềm tin yêu tuyệt đối trong lòng người dân địa phương”.

Sau chiến dịch Tây Đà Nẵng năm 1952, đồng chí Võ Chí Công đã vượt vòng vây giặc Pháp về thăm bà con đang bị nạn đói hoành hành và quyết định mở kho thóc dự trữ cứu dân qua khỏi nạn đói. Với cán bộ đảng viên, đồng chí Võ Chí Công là người có tầm nhìn chiến lược trong mọi quyết sách.

Trên cương vị quyền Bí thư rồi Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Võ Chí Công đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng miền Nam. Bám sát cơ sở, kiên định từ thực tiễn chỉ đạo cách mạng Khu 5, đồng chí Năm Công luôn có mặt đúng lúc trong những thời điểm lịch sử quyết định, đề xuất với Trung ương những vấn đề chiến lược của cách mạng miền Nam, đó là dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của quân thù.

Khu 5 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội quân Mỹ tại Núi Thành vào ngày 26-5-1965, mở ra khả năng quân dân ta đánh được Mỹ và thắng Mỹ, tạo tiền đề để quân dân ta tiếp tục tiến công quân Mỹ - ngụy giành thắng lợi tiếp theo trên khắp chiến trường miền Nam Việt Nam.

Lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, bằng trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, đồng chí Võ Chí Công đã mạnh dạn đề xuất nhiều vấn đề mới mẻ, mang tính đột phá cao, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thoát khỏi thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, tiến lên con đường đổi mới.

Nhắc đến vai trò của đồng chí Võ Chí Công, những đồng chí, đồng đội luôn nhớ đến sự chỉ đạo hết sức quyết đoán, sáng tạo trong phát triển kinh tế nước nhà những năm trước đổi mới. Trong những năm 1979 – 1980, một số HTX đã “phá rào” từ bỏ cách khoán đội, khoán việc theo kiểu cũ, thực hiện khoán hộ hoặc khoán trực tiếp cho người lao động xã viên... lan rộng khắp nơi, không chỉ ở miền Bắc mà cả ở miền Trung và Nam bộ. Tháng 1-1981, Bộ Chính trị quyết định đổi mới cách khoán trong các HTX nông nghiệp và giao đồng chí Võ Chí Công dự thảo nội dung chỉ thị này. Sau đó, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư đã được ban hành mở ra một bước ngoặt của sự đổi mới cơ chế quản lý của HTX nông nghiệp và cơ chế quản lý mới kinh tế nông nghiệp, phong trào khoán mới theo Chỉ thị 100 đã lan tỏa nhanh chóng trong cả nước.

  • Đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

"Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, đồng chí Võ Chí Công luôn là người chỉ huy tin cậy, là chỗ dựa về tinh thần vững chắc của quân và dân ta; lập nên nhiều chiến công như chiến thắng Thượng Đức, chiến thắng Buôn Ma Thuột... Khi đất nước thống nhất, dù ở cương vị nào, đồng chí Võ Chí Công cũng luôn gắn bó cuộc đời mình sống vì Đảng vì dân, chí công vô tư, tạo ra luồng gió mới trong xây dựng nền sản xuất nông nghiệp thời kỳ mới"

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục