Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói về tinh giản biên chế

Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên sẽ thực hiện theo lộ trình với quyết tâm chính trị cao. Nếu không tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế được thì khó thể cải tiến, cải cách được chế độ tiền lương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TPHCM hôm 13-10. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TPHCM hôm 13-10. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 (TPHCM) vào chiều 13-10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có những chia sẻ về quan điểm, định hướng và kế hoạch cụ thể trong việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề lớn. Nhiều năm qua, Trung ương Đảng và Nhà nước đã bàn và có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức, sắp xếp bộ máy ngày càng hợp lý hơn.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Việc đổi mới, sắp xếp chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo, trùng lắp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kết quả còn thấp. Tỷ lệ người phục vụ ở khối văn phòng cao; số lãnh đạo cấp phó còn nhiều, thậm chí một số trường hợp chưa thực hiện đúng quy trình trong việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ...

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) dành nhiều thời gian thảo luận và đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Nghị quyết nêu mục tiêu tổng quát tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và cải cách chế độ tiền lương.

Chủ tịch nước cho biết Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đến năm 2021 sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến tổ chức bộ máy và cơ bản hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp phó. Ví dụ, giảm tổng cục, cục ở cấp bộ. Thực hiện thí điểm và sơ kết, tổng kết một số mô hình mới về tổ chức bộ máy để tinh gọn đầu mối.

Tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã. Các xã không đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định thì sắp xếp lại để tinh gọn hơn, tinh giản biên chế.

Sau đó, từ năm 2021 và những năm tiếp theo, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương của Đảng liên quan đến đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện. Trong đó, chú ý phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tiếp tục sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố theo các tiêu chuẩn quy định.

“Các nội dung này sắp tới sẽ được tổ chức quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện”, Chủ tịch nước thông tin.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đánh giá, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề rất khó vì đụng đến con người, chế độ chính sách. Do đó, Trung ương đã thảo luận cho nhiều ý kiến về giải pháp, lộ trình triển khai cụ thể với tinh thần cái nào đã rõ rồi thì kiên quyết làm ngay. Cái gì chưa đủ chín, có thể làm thí điểm, trên cơ sở thí điểm sẽ triển khai rộng rãi.

“Việc thực hiện theo lộ trình nhưng phải thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Chứ nếu không làm được việc tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế thì khó có thể nói là cải tiến, cải cách được chế độ tiền lương”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục