Chuẩn bị điện cho mùa khô: Gỡ vướng đường dây Nam Sài Gòn - quận 8

Lẽ ra công trình đường dây Nam Sài Gòn - quận 8, TPHCM sẽ đóng điện ngày 30-4-2018.  Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc giải tỏa mặt bằng của một điểm trụ nên việc thi công đã bị chựng lại. 
Công trình đường dây Nam Sài Gòn - quận 8, TPHCM đã khởi công vào cuối năm 2016, dự kiến đóng điện trước ngày 30-4-2018 để đón đầu việc cung cấp điện cho mùa khô 2018 tại TPHCM. Đến nay, 2/3 khối lượng đã hoàn thành, tuy nhiên, do vướng mắc trong việc giải tỏa mặt bằng của một điểm trụ nên việc thi công đã bị chựng lại. 

Dân ủng hộ, dù thiệt thòi 
Ban trưa, nắng chang chang, bà Võ Thị Mỹ Châu (ngụ tại D7/196, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) đội nón lá ra thăm ao cá. Nhà bà có 3 ao cá, rộng khoảng 6 công, mỗi năm thu hoạch 2 lần. Con rạch nhỏ không tên chạy dọc theo các ao cá của dân là lối vào duy nhất để đơn vị thi công đưa sà lan, vật tư vào thi công móng trụ T5. Đây là móng trụ đầu tiên, đấu nối vào trạm Bình Chánh cạnh đó để đưa nguồn điện 220kV về quận 8 theo tuyến quốc lộ 50. Vị trí móng trụ rộng 260m2 nằm ngay giữa đồng nước, quanh là ao, rạch, nên đơn vị thi công phải be bờ, bơm cát để làm móng. Cái khó cho thi công là khi đưa vật tư vào điểm tập kết sẽ làm đục nước rạch - nguồn nước duy nhất để các hộ bơm vào các ao đang nuôi cá.
Chuẩn bị điện cho mùa khô: Gỡ vướng đường dây Nam Sài Gòn - quận 8 ảnh 1 Căn nhà cấp 4 cất bên dưới đường dây điện  thuộc công trình Nam Sài Gòn - quận 8
Ông Phạm Anh Sĩ, Phó phòng Dự án 2 (thuộc Ban Quản lý lưới điện TPHCM) - người theo sát công trình này, kể: “Lúc đầu khó khăn lắm, dân không cho làm, thậm chí còn kiện lên huyện. 12 hộ dân nuôi cá quanh vị trí móng trụ ngăn không cho thi công, đòi bồi thường vì ảnh hưởng nguồn nước nuôi cá. Xã rồi huyện vào cuộc, mời dân họp, thương thảo, thuyết phục mãi, cuối cùng 11 hộ đã đồng tình”. Bà Châu cho biết: “Công trình nhà nước mà, có hỗ trợ chút đỉnh để bù đắp thiệt thòi do nước đục, thỉnh thoảng có cá chết, nên ngày nào tôi cũng phải thăm ao, trông chừng nguồn nước”. Ông Phạm Ngọc Đáp (hộ có ao nuôi cá rộng 4 công cạnh ngay điểm móng trụ) cho hay đã nhận tiền hỗ trợ để ngưng nuôi cá từ cuối năm 2017, giúp đơn vị thi công bơm cát, làm móng. Chỉ có 1 hộ duy nhất liệt kê “thiệt hại đòi bồi thường” lên đến 500 triệu đồng. Chính quyền địa phương nhiều lần phân tích, cuối cùng hộ này cũng đồng ý nhận 50 triệu đồng tiền hỗ trợ. Anh Sĩ chỉ vị trí móng trụ đang thi công, cho biết cố gắng lo xong vào cuối tháng 3 là kéo dây. 
“Tối hậu thư” cho doanh nghiệp chần chừ  
Điểm vướng khó gỡ nhất là vị trí thi công móng trụ T15. Theo sơ đồ quy hoạch, vị trí này nằm trong hành lang lưới điện, cạnh phần đất của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 (Công ty 194). Đơn vị này được giao khu đất tam giác quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Bình Hưng để đầu tư dự án bãi đậu xe, nhà nghỉ, siêu thị. Ông Lê Viết Toản, Giám đốc Ban Quản lý lưới điện TPHCM, kể: “Từ giữa năm 2017 chúng tôi đã liên hệ với Công ty 194 để đề nghị bàn giao mặt bằng. Ngày 21-12-2017, ban tiếp tục cử người sang gặp lãnh đạo công ty, đề nghị bàn giao mặt bằng để thi công và cam kết chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ khi có quyết định của huyện. Họ đồng ý nhưng yêu cầu chuyển ngay tiền đền bù 1,5 tỷ đồng vào tài khoản công ty (căn cứ đơn giá bồi thường hiện nay trong dự án của công ty là 11,55 triệu đồng/m2, nên quy chi phí đền bù cho 130m2 móng trụ là 1,5 tỷ đồng). Vài hôm sau, công ty lại đề nghị nâng giá lên 1,7 tỷ đồng, do thêm phần tài sản trên đất là căn nhà cấp 4. Trong khi, chưa có quyết định của huyện mà chuyển tiền vào tài khoản của Công ty 194 là sai nguyên tắc tài chính”. 
Ngày 2-3, ông Toản sang Công ty 194, đề nghị mở một tài khoản do ngân hàng bảo lãnh và chờ đến khi có quyết định chính thức của huyện về vấn đề đền bù thì thực hiện, nhưng phía công ty vẫn không đồng ý. Mới đây, trong cuộc họp ngày 6-3 do Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ chủ trì, đã ra “tối hậu thư”: Để đảm bảo tiến độ thi công theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Công ty 194 phải bàn giao mặt bằng trước, việc xem xét, hỗ trợ bồi thường (nếu có) sẽ thực hiện theo đúng quy định và căn cứ các hồ sơ pháp lý mà phía công ty cung cấp đầy đủ và có ý kiến của Hội đồng Thẩm định bồi thường TPHCM. Nếu phía công ty vẫn không chịu bàn giao mặt bằng, huyện sẽ đề xuất hướng xử lý và xin ý kiến chỉ đạo của TP để kịp thi công công trình. 
Khu đất dự án của Công ty 194 được Ban Quản lý khu Nam TPHCM phê duyệt bản đồ quy hoạch 1/500 vào ngày 9-5-2017, trong đó, vị trí móng trụ T15 vẫn thuộc hành lang kỹ thuật lưới điện. Điều đó có nghĩa, việc Công ty 194 lấy mức giá đền bù nhà dân trong dự án là 11,55 triệu đồng/m2 để đòi bồi thường 1,7 tỷ đồng trên phần hành lang kỹ thuật của Nhà nước là điều khó chấp nhận. Nếu có, chỉ là hỗ trợ di dời.
Công trình đường dây Nam Sài Gòn - quận 8 dài khoảng 6km, từ trạm biến thế quận 8 (đường Tạ Quang Bửu) đi ngầm ra quốc lộ 50 đến đại lộ Nguyễn Văn Linh. Từ đây, đường dây bắt đầu đi nổi với 12 điểm trụ. Tổng dự toán công trình hơn 500 tỷ đồng, dùng nguồn vốn vay nước ngoài. Đây là công trình trọng điểm, truyền tải nguồn điện 220kV từ trạm Bình Chánh về trạm quận 8 để tăng cường nguồn điện cho các trạm Phú Định, Chánh Hưng, Hùng Vương, Tân Hưng…, góp phần chống quá tải cho trạm 220kV Nhà Bè - Tao Đàn đang gồng gánh nguồn điện cho nhiều quận nội thành.

Tin cùng chuyên mục