Cuộc chiến kiểm soát vũ khí ở Mỹ

Sau cuộc biểu tình ngồi chưa từng có tại trụ sở Hạ viện Mỹ, theo kế hoạch, hôm nay 29-6, các nhà lập pháp Dân chủ tiếp tục lên kế hoạch tổ chức “Ngày hành động” trên toàn quốc để tiếp tục gây sức ép buộc Quốc hội nước này thông qua dự luật kiểm soát súng đạn.
Cuộc chiến kiểm soát vũ khí ở Mỹ

Sau cuộc biểu tình ngồi chưa từng có tại trụ sở Hạ viện Mỹ, theo kế hoạch, hôm nay 29-6, các nhà lập pháp Dân chủ tiếp tục lên kế hoạch tổ chức “Ngày hành động” trên toàn quốc để tiếp tục gây sức ép buộc Quốc hội nước này thông qua dự luật kiểm soát súng đạn.

Đây được xem như một trong những nỗ lực góp phần vào công tác kiểm soát súng nói riêng và vũ khí nói chung tại Mỹ. Tuy nhiên, như cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower từng mô tả, ngành công nghiệp vũ khí  là phức hợp quân sự - công nghiệp - quốc phòng, trong đó các lực lượng vũ trang, thương mại và chính trị gắn kết chặt chẽ với nhau bằng những hợp đồng béo bở trị giá hàng tỷ USD.

Người dân Mỹ tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở Orlando hôm 12-6

Các nỗ lực bị phớt lờ

Các nghị sĩ đảng Dân chủ khẳng định, sẽ vận dụng mọi chiến thuật, từ tổ chức họp báo đến hội nghị bàn tròn, để thúc đẩy tiến trình bỏ phiếu trong “Ngày hành động”. Trong một diễn biến liên quan, ngày 26-6, thống đốc bang Hawaii cũng vừa ký phê duyệt dự luật đưa Hawaii trở thành bang đầu tiên ở Mỹ cung cấp danh sách những người sở hữu súng cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) theo dõi. Theo Reuters, danh sách những người sở hữu súng sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu theo dõi hành vi phạm pháp của FBI. Cơ sở dữ liệu này của FBI có tên là Rap Back. Theo đó, nếu có bất cứ hành vi sai phạm nào liên quan tới súng, những chủ sở hữu này sẽ bị cơ quan chức năng “tóm” ngay lập tức. Luật này cũng có thể tác động tới những người bên ngoài bang Hawaii. Bởi theo quy định, những người nơi khác tới bang này, nếu mang theo súng cũng sẽ phải đăng ký với cảnh sát, theo đó thông tin của họ cũng sẽ được cập nhật vào Rap Back. Tuy nhiên, theo Văn phòng Tổng chưởng lý Hawaii, khi rời khỏi Hawaii, những người này có thể nộp đơn xin rút tên mình khỏi cơ sở dữ liệu đó.

Đây được xem như một trong những nỗ lực góp phần vào công tác kiểm soát súng tại Mỹ sau khi các nghị sĩ đảng Dân chủ biểu tình ngồi tại Hạ viện đòi thông qua các dự luật kiểm soát súng nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Những người biểu tình đều là các nhân vật biểu tượng của đảng Dân chủ tại Hạ viện, trong đó có người từng tham gia tuần hành cùng mục sư Martin Luther King vào thập niên 1960 của thế kỷ trước. Tổng thống Mỹ B. Obama đã viết lời cảm ơn trên Twitter đến những nhà lập pháp này vì hành động quyết liệt của họ.

Trước cuộc biểu tình ngồi của những nghị sĩ đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan của đảng Cộng hòa vẫn không tỏ ra nhượng bộ, khẳng định sẽ không thảo luận về những dự luật muốn tước bỏ quyền sở hữu vũ khí của người dân. Nếu năm 1990, khoảng 19% người dân Mỹ phản đối việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn, thì hiện nay, một cuộc thăm dò của CNN/ORC mới đây cho thấy, có đến 90% số người Mỹ được hỏi ủng hộ việc tăng cường kiểm soát súng. Thế nhưng, Thượng viện Mỹ cũng do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã 4 lần lờ đi đề nghị thảo luận biện pháp hạn chế súng.

Nước Mỹ những ngày này chứng kiến hàng loạt biến cố và sự kiện dồn dập liên quan đến súng đạn. Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ xảy ra vào ngày 12-6 tại hộp đêm dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida, làm ít nhất 50 người thiệt mạng. Một tuần sau, Thượng viện Mỹ bác bốn biện pháp hạn chế súng đạn. Ngày 22-6, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ có quyết định chấn động khi “biểu tình ngồi” ở trụ sở Hạ viện, đòi Quốc hội (do đảng Cộng hòa kiểm soát) giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn sau vụ xả súng ở Orlando. Các nghị sĩ đảng Dân chủ khẳng định, sẽ vận dụng mọi chiến thuật, từ tổ chức họp báo đến hội nghị bàn tròn, để thúc đẩy tiến trình bỏ phiếu trong “Ngày hành động” 29-6... Các nỗ lực tiếp nối các biến cố dồn dập trong những ngày qua càng cho thấy cuộc chiến kiểm soát vũ khí ở Mỹ đang bước vào giai đoạn gây cấn.

Các thế lực ngầm

Tuy nhiên, như cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower từng mô tả: “Ngành công nghiệp vũ khí là phức hợp quân sự - công nghiệp - quốc phòng, trong đó các lực lượng vũ trang, thương mại và chính trị gắn kết chặt chẽ với nhau bằng những hợp đồng béo bở thường trị giá hàng tỷ USD”. Kinh doanh vũ khí là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ với 8 tỷ USD/năm, với gần một nửa số súng sản xuất ở Mỹ là sản phẩm của 3 công ty: Sturm, Ruger & Co., Smith & Wesson và Freedom. Đây chính là lý do khiến các nhóm vận động hành lang ra sức lôi kéo lá phiếu của các nghị sĩ để bảo vệ lợi ích nhóm của họ. Những nhà sản xuất súng ủng hộ quyền sử dụng súng đã phải chi phí khá đậm cho các cuộc vận động hành lang. Theo báo cáo của Trung tâm Chính sách chống bạo lực, nếu như trong năm 2014, các nhóm này đã chi khoảng 12 triệu USD cho các nhóm vận động hành lang lớn nhất nước Mỹ - gồm Hiệp hội Súng quốc gia (NRA), Câu lạc bộ quốc tế Safari, Hội Những người sở hữu súng ở Mỹ và Hiệp hội Quyền súng quốc gia, thì năm 2016, con số này ắt phải cao hơn nhiều. Chỉ riêng NRA nhận khoảng 10 triệu USD/năm từ các công ty súng.

Theo tài liệu do Opensecret.org tiết lộ, các thế lực ủng hộ quyền sở hũu súng đạn đã chi hơn 48 triệu USD tiền vận động hành lang đổ vào các vòng vận động bầu cử Mỹ năm 2012 và  2014. Còn trong cuộc vận động bầu cử năm 2016 này, hầu hết các ứng cử viên trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ đều nhận được tiền ủng hộ từ các nhóm lợi ích ủng hộ sở hữu súng đạn. Trong danh sách này, chỉ có ứng cử viên Hillary Clinton (đảng Dân chủ) và ứng cử viên Lincoln Chafee là nhận được tiền ủng hộ từ những quỹ ủng hộ kiểm soát súng đạn. Tất nhiên, chính trường Mỹ còn những “cuộc đi đêm” với nhau giữa chính khách và các nhóm lợi ích.

Oái oăm là doanh số thường tăng vọt sau khi xảy ra các vụ thảm sát và sau các nỗ lực kiểm soát súng đạn. Người Mỹ chết oan vì súng đạn, nhưng nỗi sợ hãi đã khiến nhiều người Mỹ tìm đến việc sở hữu súng đạn. Các nhà sản xuất vũ khí Sturm-Ruger, Smith & Wesson và Vista đã tăng lợi nhuận đều đặn hàng năm sau các vụ xả súng. Cho nên, bất chấp các nỗ lực kiểm soát vũ khí từ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, đến đảng Dân chủ và Tổng thống Mỹ hiện nay là Barack Obama, mối liên hệ giữa chính trị và buôn bán vũ khí ở nước Mỹ càng không dễ kiểm soát. 

Vấn đề ủng hộ hay phản đối kiểm soát súng trong Quốc hội Mỹ có sự phân hóa rõ rệt và là câu chuyện nội chính gây chia rẽ sâu sắc trong chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, không dễ dàng để giới lập pháp Mỹ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này do ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong ngành công nghiệp súng đạn ở Mỹ vẫn rất lớn.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục