Đầu tư hơn 4,6 triệu USD cho Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh

Chiều 15-8, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM khánh thành Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0.
Dự án được triển khai trên cơ sở hợp tác giữa trường và Tập đoàn Siemens (Đức) về chuyển giao máy móc thiết bị phần cứng – phần mềm, tập huấn cho cán bộ giảng viên của trường. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 4,6 triệu USD.
Trong đó phần tài trợ của Siemens là hơn 3,9 triệu USD cho máy móc thiết bị cùng công nghệ, giáo trình đào tạo, tài trợ 300 bản phần mềm SolidEgd, 3D CAD với giá trị thương mại lên đến 9 triệu USD. Phần còn lại được đối ứng từ ngân sách của nhà trường. Ngoài ra, dự án còn được ĐH Bang Arizona (Mỹ) tư vấn xây dựng chương trình và kiểm định theo chuẩn ABET.
Đầu tư hơn 4,6 triệu USD cho Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ảnh 1 Các đại biểu cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh
TS Nguyễn Thiên Tuế, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chương trình đào tạo của dự án sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức tổng quan về công nghiệp 4.0; giúp sinh viên có khả năng phân tích, thiết kế, mô phỏng, sản xuất tự động hoá ứng dụng công nghệ 4.0; có khả năng phân tích, thiết kế hệ thống giám sát và điều khiển công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 tích hợp IoT; kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, bao gồm chuỗi sản xuất, cung ứng, bán hàng, dịch vụ thông qua các ứng dụng được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường như hiện nay.
Đầu tư hơn 4,6 triệu USD cho Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ảnh 2 Các chuyên gia tham quan Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh
Mục tiêu chung của dự án là tập trung phát triển mô hình phòng thí nghiệm nhà máy thông minh để bổ sung nâng cao kiến thức và kỹ năng thực nghiệm cho sinh viên ngành kỹ thuật trong việc ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động sản xuất thực tiễn. Theo tiến độ dự kiến, hàng năm dự án sẽ thực hiện việc đào tạo cho khoảng 1.000 sinh viên Kkoa Công nghệ Cơ khí, 400 sinh viên Khoa Công nghệ Điện, 300 sinh viên Khoa Công nghệ Điện tử, 500 sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin. Việc thực hiện dự án đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ cho 4 khoa để góp phần hướng tới đạt tiêu chuẩn đánh giá ABET và AUN-QA trong thời gian tới.

Ngoài ra, dự án còn triển khai đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật cho các doanh nghiệp sản xuất và tự động hóa trong nước tiếp cận các mạng công nghiệp 4.0. 

Tin cùng chuyên mục