Phim truyền hình Việt Nam - Có gì “xơi” nấy!

Cảnh báo chất lượng

Được coi là một trong những thể loại chiếm thời lượng phát sóng lớn và thu hút sự quan tâm của khán giả, hội thảo về “Nâng cao chất lượng phim truyện truyền hình Việt Nam” tổ chức ngày 7-1, trong khuôn khổ liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 29 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà chuyên môn cũng như giới truyền thông.

Cảnh báo chất lượng

Theo NSND Trần Phương, chất lượng phim truyền hình trong năm vừa qua, đặc biệt là những phim tham dự liên hoan rất có vấn đề về chất lượng. Đối với phim chính luận, thể loại được coi là đặc sản, thế mạnh của phim truyền hình cũng chỉ xuất hiện thấp thoáng. Trong khi đó, có thể dễ dàng nhận thấy khuynh hướng rời xa hiện thực đang hiện ra rất rõ. Cứ xem truyền hình sẽ thấy, nếu phim dành cho giới trẻ thì chỉ toàn là con cái nhà giàu, ăn chơi, nhảy nhót... ít thấy ở đó bóng dáng của những cô bé, cậu bé hiếu học, giàu nghị lực... đang ngày ngày nỗ lực vươn lên trong cuộc sống…

Đứng ở vị trí một khán giả, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn lại cảm thấy vô cùng lo lắng khi phim Việt ủy mị và bạo lực quá. “Người Việt Nam vốn có đôi mắt dịu dàng, nhân hậu, thủy chung và tin cậy nhưng không hiểu vì lý do gì mà các nhà biên kịch, đạo diễn lại bắt những đôi mắt ấy khóc lóc quá nhiều, “diễn” quá nhiều, dù ở phim chính luận hay phim giải trí”, ông Tuấn nhận xét.

Trong phim truyền hình cũng dễ thấy những nhân vật nữ thì làm gái điếm, trai thì du côn, nhưng đây không phải là cách xây dựng nhân vật điển hình, không tạo ra điểm nhấn với mỗi tác phẩm, ông Tuấn nói thêm.

Nếu cứ cách làm phim chịu nhiều áp lực từ nhà tài trợ, buộc nhà sản xuất kéo dài phim để đáp ứng yêu cầu về thời lượng... như hiện nay sẽ đẩy lùi sự phát triển của phim truyền hình, NSND Trần Phương cảnh báo.

Sử dụng kịch bản nước ngoài - con dao hai lưỡi

NSND, đạo diễn Trần Phương là một trong những người kịch liệt phản đối việc mua kịch bản phim nước ngoài để đưa về sản xuất và trình chiếu trong nước. Bằng con mắt của một người suốt đời lăn lộn với điện ảnh, ông khẳng định việc mua kịch bản của nước ngoài ồ ạt trong thời gian vừa qua với lời giải thích là nhằm đáp ứng với thời lượng phát sóng của phim truyền hình Việt theo quy định đã góp phần “bóp chết” khả năng sáng tạo của người làm phim.

Thêm nữa, với nền tảng văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, việc sửa chữa để kịch bản “nhập khẩu” mang tính thuần Việt là rất khó, và nhiều khả năng dẫn tới những tác phẩm khập khiễng. Ở góc độ của người sản xuất thì bà Ngô Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD, cho rằng, việc nhập khẩu kịch bản nước ngoài là quyết định hợp lý trong giai đoạn vừa qua khi phim truyền hình đứng trước áp lực về mặt số lượng. Thay vì trình chiếu phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, khán giả trong nước đã biết tới nhiều phim truyền hình của Việt Nam sản xuất, đó đã là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận.

“Một số kịch bản nước ngoài không chỉ đưa đến cho người làm phim những tình huống, nội dung tốt mà còn cung cấp các công nghệ làm phim dài tập, cái mà người làm phim truyền hình trong nước còn thiếu” - bà Hạnh nói. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng đồng tình rằng việc lạm dụng, mua tràn lan kịch bản phim truyền hình nước ngoài là điều không nên làm. Việc thay đổi khẩu vị cho khán giả xem truyền hình là cần thiết nhưng nếu không cân đối được liều lượng phim kịch bản nội- ngoại trong từng giai đoạn sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển lâu dài của phim truyền hình.

Nâng cao chất lượng bằng cơ chế chính sách

Thiếu kịch bản hay là điều dễ đổ lỗi nhất cho chất lượng phim truyền hình ở ta hiện nay. Song với những người làm nghề thì chất lượng phim còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách, kinh phí, thời gian sản xuất...

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, quan niệm về cái đẹp, về sự hay- dở của một tác phẩm nghệ thuật, một sản phẩm văn hóa truyền thống là vô cùng khó đồng nhất và phụ thuộc vào quan niệm cá nhân từng người. Tuy nhiên, đối với người làm truyền hình thì sự hay dở vẫn có thể đo đếm được bằng số lượng người quan tâm theo dõi đến bộ phim qua truyền hình. Cũng có thể đơn giản hơn bằng cách đo đếm thời lượng quảng cáo của các doanh nghiệp khi chương trình phát sóng, bởi lẽ bỏ đồng tiền ra quảng cáo họ phải thăm dò, xác định số lượng người theo dõi chương trình. Việc đánh đồng về kinh phí cho các phim không phân biệt thể loại chiến tranh, lịch sử, nông thôn hay phim giải trí... cũng đã làm giảm hứng thú, giảm sự sáng tạo của người làm nghệ thuật, khiến các cơ sở sản xuất, nhà làm phim lựa chọn kịch bản dễ làm...

Cùng quan điểm này, bà Ngô Bích Hạnh, cho rằng cần phân tách chi phí cao thấp đối với mỗi đề tài khác nhau. Nếu muốn khuyến khích làm phim chính luận, phim dành cho thiếu nhi... thì ưu tiên cấp kinh phí cao hơn sẽ tạo ra sự quan tâm của người làm phim. Việc trích phần trăm có được từ doanh thu quảng cáo dùng thưởng cho những bộ phim có chất lượng tốt, làm nghề nghiêm túc cũng chính là một “bộ lọc” hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng phim truyền hình. Như vậy, những bộ phim làm “ẩu” của những đơn vị sản xuất phim thiếu năng lực cũng sẽ bị đào thải một cách tự nhiên.

Là một người làm phim lâu năm, vừa là người đã công tác trong cơ quan quản lý, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng chất lượng phim truyền hình phụ thuộc khá nhiều vào các nhà quản lý. Việc không đưa ra một kế hoạch sản xuất cụ thể, mang tính chiến lược mà chỉ làm theo kiểu “đi chợ” các đơn vị đem kịch bản gì thì duyệt cái đó như hiện nay... cũng ảnh hưởng tới chất lượng của phim truyền hình. Hy vọng rằng, với rất nhiều lời góp ý đầy tâm huyết dưới góc độ của người xem, nhà sản xuất, đạo diễn... cùng nỗ lực của nhà đài, khán giả sẽ tìm được sự hứng thú khi dõi theo nhiều tập phim truyền hình thuần Việt.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục