Đạo diễn Kore Eda: Tôi không làm phim vì lời khen khán giả

“Khi nhận được các giải thưởng hay những lời khen, tôi thường nghĩ nhiều hơn về những gì mình chưa làm được, chưa làm tốt để rút kinh nghiệm cho những phim tiếp theo”, đạo diễn bậc thầy Nhật Bản Kore-eda Hirokazu chia sẻ.

Vừa đến Việt Nam tham gia Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) 2024, đạo diễn Nhật Bản Kore-eda đã có buổi trò chuyện cùng giới truyền thông, chia sẻ nhiều câu chuyện về việc làm phim cũng như cảm xúc khi lần đầu tiên đến Việt Nam.

Hy vọng HIFF sẽ là sự kiện thường niên lớn

“Tôi nhận lời tham gia HIFF sau khi được lời mời từ ông Kim Dong-ho, nhà sáng lập LHP quốc tế Busan. Ông chính là ân nhân trong sự nghiệp làm phim của tôi từ nhiều năm qua”, đạo diễn Kore-eda mở đầu câu chuyện.

Ông cũng tiết lộ, đây là lần đầu tiên mình đến Việt Nam, bởi theo ông chỉ khi tham dự các LHP quốc tế ông mới có dịp đến các quốc gia khác nhau. “Tôi đặc biệt bị hấp dẫn bởi bữa cơm của người Việt Nam”, ông hóm hỉnh chia sẻ.

kim dong ho 3.jpg
Đạo diễn Kore-eda chia sẻ trong buổi giao lưu với báo chí chiều 10-4. Ảnh: VĂN TUẤN

Theo ông Kore-eda, dù chưa nắm được nhiều thông tin về HIFF nhưng việc tổ chức một LHP quốc tế luôn là việc nan giải và có nhiều khó khăn phải vượt qua. “Tôi mong HIFF sẽ kéo dài nhiều năm, trở thành sự kiện thường niên và đóng góp nhiều hơn cho ngành điện ảnh Việt Nam cũng như quốc tế”, ông chia sẻ thêm.

Với rất nhiều kinh nghiệm tham gia các LHP quốc tế, theo đạo diễn Kore-eda, ông không nghĩ ngay trong lần tổ chức đầu tiên đã phải quy tụ được những phim nổi tiếng. Bởi LHP là một quá trình tương tác giao lưu với rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh cả trong nước và quốc tế.

Do đó, mục tiêu lớn nhất của mỗi LHP là tìm kiếm, nuôi dưỡng, phát triển và động viên những nhà làm phim. Sự đồng hành cùng các nhà làm phim trẻ mới là điều quan trọng nhất. Đồng thời, thông qua LHP cũng là cơ hội để khán giả ngày càng nâng cao trình độ thưởng thức.

Nói về sự hỗ trợ của các thành phố cho phát triển điện ảnh, điều tiên quyết theo đạo diễn Kore-eda đó là sự tài trợ đó sẽ không bao gồm can thiệp vào nội dung của bộ phim. Một thành phố thân thiện với các nhà làm phim, ít có sự hạn chế nào chính là nền tảng tiền đề vô cùng quan trọng.

Sống cùng kịch bản mỗi ngày

Trong sự nghiệp 30 năm làm nghề của mình, đạo diễn Kore-eda nói ông gặp nhiều may mắn và suôn sẻ. Chỉ duy nhất một thời điểm, vào năm 2009 công ty phân phối phim của ông phá sản, ông từng nghĩ đến việc nghỉ làm phim một thời gian. Tuy nhiên, sau đó khi gặp đối tác ưng ý, ông tiếp tục phát triển nghề nghiệp của mình.

Dù đang rất thành công, nổi tiếng trên toàn cầu, song, đạo diễn Kore-eda cũng từng trải qua giai đoạn đầu khó khăn, đặc biệt trong việc kêu gọi tài chính. Ông cho rằng, đó cũng là điều các nhà làm phim Việt Nam đang và sẽ gặp phải.

Tuy nhiên, theo cá nhân ông, để thành công, mỗi nhà làm phim cần có nhiều hơn những sự va chạm, trải nghiệm thực tế và rèn luyện bản thân ở nhiều môi trường khác nhau. Bởi, đó chính là điều kiện tiên quyết để tích lũy kinh nghiệm.

kim dong ho 4.jpg
Từ ý định trở thành nhà văn, ông có cơ duyên theo nghiệp đạo diễn. Ảnh: VĂN TUẤN

Có một điều được ông chia sẻ, ban đầu bản thân mình từng có ý định trở thành nhà văn. Tuy nhiên, trong quá trình học đại học, từng có cơ hội xem hai bộ phim của một đạo diễn người Ý ông đã cảm nhận được rất nhiều điều thú vị. Đó cũng là bước ngoặt khởi đầu ý tưởng làm phim của ông.

Về phong cách làm phim, 14/16 tác phẩm đã thực hiện đều được đạo diễn Kore-eda tự mình viết kịch bản.

“Mỗi khi làm kịch bản cho bộ phim, tôi luôn xem đó là quá trình động. Kịch bản chỉ được hoàn thành trong quá trình mình làm đạo diễn và phải luôn được thực hiện song song khi làm phim. Ngày hôm nay quay, tôi sẽ sửa kịch bản cho ngày hôm sau và cứ lặp lại quy trình đó. Tôi luôn có cảm giác sống trong kịch bản, như lên sóng trực tiếp”.

Một điểm thú vị khác, được ông chia sẻ là hầu hết các bộ phim của bản thân thường không mô tả tốt - xấu, thiện - ác tuyệt đối. Ông cho biết: “Tôi loại trừ phần trên, dưới và chỉ chọn phần ở giữa, mang gam màu xám. Tôi nghĩ, con người luôn sống trong thế giới đó, có cả thiện, ác, tốt, xấu, chỉ là khác nhau ở gam màu đậm hay nhạt”.

Chia sẻ về tiêu chí đâu là một bộ phim hay, đạo diễn Kore-eda cho biết đó phải là một bộ phim không kết thúc trong rạp phim. Ngay cả khi rời rạp nó vẫn kéo dài trong lòng và mang đến cho bản thân những thay đổi góc nhìn về thế giới. “Bộ phim ấy mới có giá trị”, ông chia sẻ thêm.

* Chiều cùng ngày, ông Kim Dong-ho, Chủ tịch danh dự HIFF 2024 và đạo diễn Kim Jee-woon đã có buổi gặp gỡ với báo chí, chia sẻ nhiều thông tin thú vị liên quan đến cơ duyên tham gia HIFF, cũng như những góp ý cho điện ảnh Việt nói chung, điện ảnh TPHCM nói riêng.

Đạo diễn Kim Jee-woon: Sẵn sàng hợp tác với các nhà làm phim trẻ

Đạo diễn Kim Jee-woon. Ảnh: VĂN TUẤN

Đạo diễn Kim Jee-woon. Ảnh: VĂN TUẤN

“TPHCM là thành phố năng động, phát triển. Điện ảnh Việt Nam hiện đang phát triển nổi bật với nhiều tác phẩm hay. Đó là lý do tôi muốn đến đây xem và cảm nhận các bộ phim từ Đông Nam Á cũng như Việt Nam. Tôi cũng được biết TPHCM có nhiều nhà làm phim trẻ nhiều năng lượng, tiềm năng. Nếu họ có kịch bản, câu chuyện hay tôi luôn sẵn sàng hợp tác”, đạo diễn Kim Jee-woon chia sẻ.

Ông Kim Dong-ho, Chủ tịch danh dự HIFF: Cần 10 triệu USD để tổ chức LHP quốc tế Busan

Ông Kim Dong-ho, Chủ tịch danh dự HIFF 2024. Ảnh: VĂN TUẤN

Ông Kim Dong-ho, Chủ tịch danh dự HIFF 2024. Ảnh: VĂN TUẤN

“TPHCM có nền điện ảnh phát triển vượt bậc và nhận được nhiều sự quan tâm, là cái nôi thu hút các nhà làm phim trẻ, NSX đến đây làm việc và tạo ra những tác phẩm hay. Tôi nghĩ đây chính là điểm mạnh để thu hút, quảng bá điện ảnh TPHCM ra thế giới, cho họ thấy được những thành công. Tôi tin, sau này điện ảnh TPHCM sẽ còn thành công hơn nhờ tiềm lực của hiện tại. Theo kinh nghiệm của tôi, với LHP quốc tế Busan, kinh phí tổ chức dao động khoảng 10 triệu USD cho một lần tổ chức, trong đó tài trợ từ phía thành phố chiếm khoảng 60% mới diễn ra được thành công như vậy”.

Tin cùng chuyên mục