Khó quản phim ngắn trên không gian mạng

Nhiều vấn đề nóng liên quan đến điện ảnh như phát hành phim nhà nước; số phận những thước phim nhựa của Hãng Phim truyện Việt Nam; quản lý phim nhảm, độc hại trên không gian mạng... đã được đưa ra trong họp báo thường kỳ quý 1-2024 của Bộ VH-TT-DL ngày 11-4, tại Hà Nội.

Bộ phim Đào, phở và piano sẽ được chiếu trên VTV1 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô
Bộ phim Đào, phở và piano sẽ được chiếu trên VTV1 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô

10 người giám sát tất cả phim chiếu trên mạng ở Việt Nam

Liên quan tới việc xuất hiện nhiều video được gắn mác “phim ngắn” đang tràn lan trên mạng, khai thác những chủ đề gây sốc, nhảm nhí, phản cảm, độc hại… Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, không giống như phim chiếu rạp, Luật Điện ảnh quy định phim phát hành trên không gian mạng thì người phát hành phải chịu trách nhiệm phân loại độ tuổi người xem, hiển thị cảnh báo. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý theo dạng hậu kiểm, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý theo quy định. Điều này đòi hỏi cần có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, thậm chí người phát hành ngoài thông tin phân loại phải có cảnh báo cụ thể để người xem dựa vào đó có lựa chọn phù hợp. “Theo luật, Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời phối hợp với Bộ TT-TT, Bộ Công an và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật”, ông Vi Kiến Thành cho biết thêm.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, việc hậu kiểm gần như không hiệu quả bởi nhân lực quá mỏng. Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, năm 2023, tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng được thành lập với 10 thành viên, tất cả đều làm việc kiêm nhiệm, chia 2 ca sáng và chiều. Với số nhân lực này, trung bình mỗi ngày tổ này chỉ xem và kiểm tra được khoảng 10 phim ngắn. Trong khi đó, theo thống kê không chính thức, chỉ riêng kênh YouTube tại Việt Nam mỗi ngày có khoảng 120 giờ thời lượng video ngắn được tải lên (trung bình 1 video ngắn/60 giây). Rõ ràng khả năng kiểm soát so với thực tế quá chênh lệch.

Nhằm đối phó với sự chênh lệch này, trước đây Cục Điện ảnh đã xây dựng một quy chế thưởng cho người phát hiện ra phim sai phạm trên không gian mạng nhằm huy động sự tham gia của người xem. Theo dự thảo quy chế này, với mỗi sai phạm được phát hiện, báo cho tổ công tác, người báo sẽ nhận được mức thưởng 200.000 đồng kèm phiếu chứng nhận. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bác bỏ nên hiện nay việc hậu kiểm vẫn tiến hành theo kiểu thủ công như trước.

Đào, phở và piano sẽ được chiếu trên VTV dịp 10-10

Cũng tại cuộc họp báo, lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, đến nay, doanh thu của bộ phim Đào, phở và piano đạt gần 21 tỷ đồng sau gần 3 tháng công chiếu. Nếu tính theo giá thị trường, có tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và phát hành, để có thể hòa vốn, ít nhất phim phải đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đặc thù phim Đào, phở và piano nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị phát hành tư nhân, phát hành miễn phí, toàn bộ doanh thu trả về cho Nhà nước nên so với kinh phí làm phim khoảng 20 tỷ đồng, có thể nói phim đã chính thức hòa vốn.

Trước những ý kiến cho rằng phim nhà nước làm chỉ để mang đi “cất kho”, đại diện Cục Điện ảnh cho biết, các phim đặt hàng đều được trình chiếu vào những sự kiện lớn, các tuần phim Việt Nam hay mang đi giới thiệu tại nước ngoài trong các hoạt động ngoại giao. Điển hình như với trường hợp Đào, phở và piano, phim sẽ được trình chiếu trong các sự kiện lớn sắp tới như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024). Đặc biệt, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thủ đô (10-10), phim sẽ được chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam phục vụ khán giả cả nước.

Sau thành công của phim Đào, phở và piano, Cục Điện ảnh đã đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL xây dựng Nghị định về phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách nhà nước. Mục tiêu hướng đến là phải tối ưu hóa các phương thức phát hành phổ biến như phổ biến trong rạp chiếu phim, trên không gian mạng, tại các địa điểm chiếu phim công cộng, tuyên truyền trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, cân đối giữa phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát hành thương mại. Theo đó, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức lựa chọn các phim do Nhà nước đặt hàng, phối hợp với đài truyền hình các tỉnh, thành phố để trình chiếu vào các dịp phù hợp.

Không cần phục hồi 300 cuộn phim bị hỏng ở Hãng Phim truyện Việt Nam

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, đối với sự cố hư hỏng 300 cuộn phim ở Hãng Phim truyện Việt Nam, cục chủ trương không nên phục hồi vì không cần thiết và chi phí cũng rất tốn kém. “Số phim ở hãng chỉ là bản lưu, được giữ lại để khai thác, bản gốc hiện vẫn đang được bảo quản tốt ở Viện Phim Việt Nam. Việc phục hồi do đó không có ý nghĩa gì cả”, ông Vi Kiến Thành nói. Về việc thoái vốn cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, ông Vi Kiến Thành khẳng định, việc này gặp nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, do đó sự việc sẽ thực hiện theo kết luận của Văn phòng Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục