Gian nan phát hành phim lịch sử

Lên sóng đâu dễ
Gian nan phát hành phim lịch sử

Mảng phim đề tài lịch sử, truyền thống vẫn được xem là mảng phim “khó” với các nhà sản xuất (NSX). Làm phim đã vất vả, nhưng để phim phát hành đến với người xem là cả một con đường… gian nan.

Diễn viên Thanh Nghĩa vai chiến sĩ Lướt trong phim Huyền thoại 1C.

Diễn viên Thanh Nghĩa vai chiến sĩ Lướt trong phim Huyền thoại 1C.

Lên sóng đâu dễ

Khán giả Việt nhìn chung vẫn thích và muốn được xem các phim đề tài truyền thống, lịch sử Việt Nam, nhưng do thiếu kịch bản hay, hạn chế về kinh phí đầu tư, thiếu trường quay, thiếu diễn viên giỏi và vô số lý do khác đã khiến phim đề tài này không mấy được NSX lưu tâm.

Nhưng có một lý do khác hết sức tế nhị là việc làm sao để phim được lên sóng? Hai năm trước, lẽ ra Huyền sử thiên đô (Công ty Sao Thế Giới sản xuất) sẽ được phát sóng đúng vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng sau rất nhiều lần thương thảo với VTV, bộ phim mới được lên sóng nhưng chậm gần 1 năm so với kế hoạch.

Hình ảnh các cô gái Thanh niên xung phong trong bộ phim Huyền thoại 1C.
Hình ảnh các cô gái Thanh niên xung phong trong bộ phim Huyền thoại 1C.

Thêm vào đó, VTV chỉ đồng ý phát 20 tập trong tổng số 42 tập đã hoàn thành. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, cùng lúc, bộ phim Đường tới thành Thăng Long gặp một số trục trặc không thể phát sóng như kế hoạch (phát ngay sau 20 tập của Huyền sử Thiên đô), nên VTV mới quyết định phát 22 tập còn lại. Dù phim đã được phát sóng hết phần 1 (42 tập), nhưng đến nay, có lẽ những kinh nghiệm xương máu khi “chạy” để phim lên sóng vẫn còn ám ảnh NSX khiến họ không dám nói, không dám bàn có nên làm tiếp 30 tập (phần 2) còn lại hay không!

Thái sư Trần Thủ Độ có số phận còn hẩm hiu hơn. Phim được Hà Nội đặt hàng và đầu tư kinh phí (50 tỷ đồng) để chiếu mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Dù được thẩm định phim tốt, nhưng đến nay, sau nhiều công văn, quyết định, 34 tập phim Thái sư Trần Thủ Độ vẫn chưa biết sẽ đi về đâu? Chừng nào phát sóng? Phát sóng trên đài truyền hình nào?

Cũng chung số phận giống Thái sư Trần Thủ Độ là bộ phim Đường tới thành Thăng Long (dài 19 tập, kinh phí hơn 100 tỷ đồng) do Công ty Trường Thành Media sản xuất. Sau 3 lần chỉnh sửa, được Hội đồng duyệt và Bộ VH-TT-DL đánh giá “Phim tốt, tinh thần lịch sử của bộ phim được tôn trọng”, nhưng bộ phim vẫn bị ách lại!

“Méo mặt” cam kết quảng cáo

Hầu hết các bộ phim trước khi phát sóng, NSX đều phải có điều khoản bắt buộc cam kết quảng cáo (hay cam kết raiting) với đài. Việc cam kết này tùy thuộc vào giờ phát sóng. Phim phát trong giờ vàng mức cam kết cao hơn (chừng 50 triệu đồng/spot, một tập tương đương 5 - 6 spot quy thành tiền chừng 250 - 300 triệu đồng/tập); phim phát vào giờ khác giá quảng cáo rẻ hơn (chừng 25 triệu đồng/spot, nghĩa là có chừng 8 - 10 spot quảng cáo/tập).

Vì thế mới có chuyện, cứ đến khi phim phát sóng, NSX chăm chăm theo dõi … đếm quảng cáo!

Bộ phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực được sắp lịch phát sóng lúc 22 giờ trên HTV9, không nằm trong giờ vàng nhưng NSX vẫn phải cam kết quảng cáo. Trước đó, bộ phim Về đất Thăng Long cũng được xếp chiếu trong khung giờ này, vẫn những cam kết quảng cáo bắt buộc và sau đó NSX cho biết phim lỗ gần 9 tỷ đồng!

Thời gian sau này, HTV có hẳn khung giờ 17 giờ 30 trên HTV9 chuyên dành phát sóng phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và phim chính luận nói chung và không bắt buộc NSX cam kết quảng cáo. Các NSX đã bày tỏ sự vui mừng, phần nào thở phào nhẹ nhõm vì giờ đây đã có “nơi cố định” dành cho những bộ phim thuộc đề tài này và khi phim phát sóng NSX không còn hồi hộp canh cánh ngồi đếm quảng cáo. Mới đây, bộ phim Chiến hạm nổ tung được phát sóng trong khung giờ này, nhưng do đây là hợp đồng đã ký từ trước với HTV, nên NSX phải cam kết quảng cáo.

Đại diện một NSX nói trong lo âu: “Giờ đây, rating  (tỷ suất người xem - PV) cũng giống như chứng khoán, lên xuống thất thường lắm. Phải cam kết rating với đài, lúc nào chúng tôi cũng như ngồi trên đống lửa”. Tiếp sau Chiến hạm nổ tung là bộ phim Huyền thoại 1C. Đây là phim do Bộ VH-TT-DL đặt hàng Hãng phim Tây Nam thực hiện, kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Trước đó, NSX đã làm việc với đài VTV, nhưng VTV từ chối với lý do chưa sắp được lịch và chỉ đồng ý phát sóng với điều kiện VTV không phải trả bất cứ khoản tiền gì (phát không). NSX nháo nhào vì kinh phí do Bộ VH-TT-DL rót cho đoàn phim chỉ là hỗ trợ, trong khi con số thực chi cho 20 tập phim đề tài chiến tranh cách mạng này, đội lên cao hơn nhiều. May thay, hiểu được cái khó của NSX và khi thẩm định nội dung phim tốt, HTV sẵn sàng phát sóng và hỗ trợ ở mức 200 triệu đồng/tập (không phải cam kết quảng cáo).

Chính những khó khăn khi sản xuất, phát sóng những bộ phim đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng, nên NSX thường né. Thiết nghĩ, để nâng cao số lượng, chất lượng phim đề tài này, vẫn cần sự can thiệp của nhà nước với một cơ chế ưu đãi.

Để NSX tự xoay xở trong cơ chế thị trường như hiện nay, cách tốt nhất, họ vẫn chọn làm phim tâm lý tình cảm, vừa dễ làm, dễ phát sóng và dễ lấy quảng cáo.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục