Giải Cánh Diều 2014: Không chỉ có niềm vui

Lại một mùa Cánh Diều tung bay, giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam đã có hơn mười lần tổ chức với mục đích nhằm đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu  giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. 
Giải Cánh Diều 2014: Không chỉ có niềm vui

Lại một mùa Cánh Diều tung bay, giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam đã có hơn mười lần tổ chức với mục đích nhằm đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu  giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. 

Lễ trao giải Cánh Diều năm 2014

Năm nay, diễn viên Quyền Linh một lần nữa đứng vai trò là đạo diễn chương trình. Anh cho biết, lần tổ chức này cũng hết sức khó khăn về kinh phí. Nhưng vì muốn Giải Cánh Diều mang được tầm vóc nhất định, là dịp hội ngộ của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh và là nơi vinh danh các tác phẩm cũng như cá nhân nghệ sĩ sau một năm hoạt động, nên Hội Điện ảnh dù khó khăn cũng cố gắng tổ chức thật chu đáo.

Năm nay, được sự tài trợ, hỗ trợ về địa điểm, nên lễ trao giải Cánh Diều 2014 diễn ra lúc 19 giờ tại Queen Hall (quận 4, TPHCM) và được truyền hình trực tiếp trên VTV9. Dự kiến sẽ có 500 đại biểu là các nghệ sĩ, diễn viên, biên kịch, đạo diễn... tới tham dự. Trong số 17 tác phẩm điện ảnh dự thi, chỉ có 2 phim sản xuất bằng kinh phí nhà nước là Thầu Chín ở Xiêm (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam) và Sống cùng lịch sử (Hãng phim truyện Việt Nam).

Đặc biệt, bộ phim Những đứa con của làng do một hãng phim tư nhân sản xuất (Hồng Ngát Film) nhưng được nhà nước đặt hàng. Điều này phản ánh đúng tình hình sản xuất phim hiện nay, đang có sự “lấn lướt” của mảng phim tư nhân và cũng chính điều này làm nên sự phong phú, nhiều màu sắc cho lĩnh vực này.

Dù vẫn còn một vài điều chưa hài lòng trong khâu tổ chức, song giải Cánh Diều đã thực sự chấp cánh cho một số tác phẩm điện ảnh “bay cao”. Có thể thấy rõ điều này từ bộ phim Thần tượng trong giải Cánh Diều năm 2013. Khi bộ phim này chiếu rạp đã gặp thất bại về doanh thu, dù được đánh giá là bộ phim có câu chuyện và cách thể hiện tốt.

Nhưng khi Thần tượng nhận được 6 giải Cánh Diều ở những hạng mục quan trọng nhất, bộ phim ngay sau đó được phát hành ra rạp đợt hai - một điều rất ít khi xảy ra, và có ngay hiệu ứng khán giả rất tốt và cũng vì thế  đạt được doanh thu đủ để tạo hưng phấn cùng một cú hích tích cực để đạo diễn Quang Huy được “đặt hàng” làm bộ phim thứ hai. Có lẽ, các đạo diễn trẻ đều mong mình sẽ được ghi nhận từ chính giải thưởng nghề nghiệp này.  

Là giải thưởng nghề nghiệp, song một số ý kiến cho rằng, khâu tổ chức vẫn chưa được chuyên nghiệp. Đa số hội viên - kể cả những người có phim dự thi, gần đến ngày trao giải mới biết ngày giờ, địa điểm tổ chức giải. Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ: “Vì Hội Điện ảnh còn khó khăn về kinh phí, nên chăng giải thưởng tổ chức đơn giản, gọn gàng, ấm cúng, đúng với tinh thần của một giải thưởng nghề nghiệp. Hội nên ưu tiên mời những người có tác phẩm dự thi, sau đó mời thêm khách mời. Không nên quá câu nệ việc mời người nổi tiếng đến trao giải, tránh bị động vì xảy ra sự cố ngoài ý muốn”.

Giờ đây, giải Cánh Diều không còn bó hẹp trong phạm vi các tác phẩm điện ảnh, mà đã mở rộng cho cả những tác phẩm truyền hình. Giải thưởng đã góp phần khích lệ tinh thần cho anh em nghệ sĩ sau một năm làm việc. Vấn đề quan trọng nhất, vẫn là chất lượng của những tác phẩm đoạt giải, để sau khi nhận giải Cánh Diều, bản thân tác phẩm và cá nhân các nghệ sĩ thấy mình thật sự  mang được ý nghĩa nhất định trong đời sống tinh thần toàn xã hội.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục