Đưa sách số vào trường học: bao giờ?

Đưa sách số vào trường học: bao giờ?

Hướng tới mục tiêu “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân” có rất nhiều việc phải làm, phải đầu tư một cách bài bản. Trong khi chờ đợi các giải pháp đột phá, trong đó sách giáo khoa được số hóa, nhằm giảm nhẹ đôi vai học sinh, ngành giáo dục TPHCM có thể đầu tư thư viện điện tử, tạo cơ hội đọc sách, nghiên cứu tài liệu cho tất cả học sinh.

Sách số - tiện ích

Thời gian gần đây, nhắc đến văn hóa đọc, nhiều người cho rằng niềm đam mê đọc sách trong giới trẻ đang mai một và cảnh báo phải làm gì đó để tiếp lửa cho văn hóa đọc. Điều này chỉ đúng một phần, bởi lẽ vẫn có một mảng sáng-khá nhiều bạn trẻ, người lớn thích đọc sách hay, sách mới nhưng không có khả năng mua hoặc đắn đo khi bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu một cuốn sách hay, mới.

Chị Hoàng Thị Thiên Anh, nhà ở quận 1 cho biết: “Từ nhỏ, hai đứa con của tôi rất thích đọc sách và để nuôi dưỡng đam mê này tôi thường khen thưởng, tặng sách hay mà các cháu thích đọc vào những dịp con đạt thành tích học tập tốt, chăm ngoan. Thế nhưng, mua một bộ truyện hay của những nhà văn có tên tuổi trên thế giới và trong nước cũng tốn số tiền không nhỏ. Nếu trường học có đủ sách cho học sinh đọc hoặc đưa sách số vào thư viện và cập nhật thường xuyên sách mới trên thị trường thì gia đình tôi đỡ tốn một khoản chi phí mua sách cho con”.

Khách hàng tìm hiểu dịch vụ sách số. Ảnh: TƯỜNG VY
Khách hàng tìm hiểu dịch vụ sách số. Ảnh: TƯỜNG VY

Khảo sát một số trường học ở nội đô TPHCM cho thấy, gần đây hệ thống thư viện tuy được đầu tư phát triển hơn nhưng sức hút của văn hóa đọc đối với học sinh các cấp chưa cao. Bởi lẽ, sự bắt nhịp với thị trường sách còn chậm trễ và đầu sách tham khảo, sách đọc dành cho học sinh chưa phong phú, đa dạng. Ngay cả khi quan tâm đến nhu cầu đọc sách của học sinh và cố gắng bổ sung sách mới cho thư viện thì các trường có điều kiện về kinh phí cũng chỉ có thể mua được từ một vài đến chục đầu sách hay trong tháng là cùng. Như thế, việc chờ đợi những cuốn sách hay quay vòng quá lâu sẽ khiến mơ ước chạm tay vào sở thích, đam mê của các em nhạt dần. Không những thế, việc không đáp ứng nhu cầu đọc sách sẽ giảm bớt hứng thú vào thư viện, thói quen đọc sách của các em.

Đáp ứng nhu cầu này như thế nào? Giải pháp tốt nhất là ứng dụng trí tuệ của thế kỷ 21 - công nghệ kỹ thuật số đưa sách số (ebook) vào thư viện các trường học ở TPHCM. Thư viện điện tử sẽ tạo cơ hội cho tất cả học sinh thỏa mãn đam mê được đọc sách, nhất là đọc ngay những cuốn truyện nóng hổi, hấp dẫn mới ra lò. Khác với sách giấy truyền thống, các bản ebook có hình ảnh, âm thanh rất bắt mắt. Khi đọc những sản phẩm ebook này, học sinh sẽ thích thú vì tiện ích, sự hấp dẫn của nó, nhất là âm thanh click chuột mỗi lần lật trang giống như đang lật sách giấy.

Quận 1: Tiên phong xây dựng thư viện số

Nhằm xây dựng văn hóa đọc, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân trên địa bàn dân cư, quận 1 là địa phương đầu tiên ở TPHCM có đề án xây dựng thư viện điện tử ở trường học, công sở, cộng đồng dân cư.

Theo ông Lê Bá Cần, Bí thư Quận ủy quận 1, xây dựng văn hóa đọc là mục tiêu quan trọng trong giáo dục con người và để tập thói quen đọc sách cho học sinh, việc cần làm đầu tiên là tạo môi trường đọc sách tốt nhất cho các em. Với đề án này, tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận đều có thư viện điện tử đáp ứng nhu cầu đọc sách tham khảo, truyện của học sinh.
 
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: Tuy nhà trường đã đầu tư cho thư viện hàng chục ngàn đầu sách nhưng diện tích phòng đọc nhỏ hẹp, không đủ sức chứa nhiều học sinh muốn đọc sách cùng một lúc. Vì thế, chủ trương của lãnh đạo quận 1, đầu tư thư viện điện tử cho các trường TH,THCS là hành động cần thiết, tạo cơ hội cho nhiều học sinh được đọc sách, nâng cao kiến thức về mọi mặt.

Là đối tác của đề án nêu trên, ông Đồng Phước Vinh, Phó Giám đốc Công ty Sách số Ybook của Nhà xuất bản Trẻ, khẳng định: “Đầu tư vào thư viện điện tử sẽ giảm tối đa chi phí so với đầu tư thư viện truyền thống, mua sách giấy. Không những thế học sinh, người đọc có thể tiếp cận với sách ở bất cứ chỗ nào có máy vi tính nối mạng internet, kể cả máy tính “cùi bắp” nhất - Pentium II cũng có thể đọc được ebook”. Không giống các đơn vị làm ebook ở Việt Nam chỉ hướng đến thị phần khách hàng sử dụng công nghệ hiện đại như máy tính bảng, điện thoại thông minh, Nhà xuất bản Trẻ quan tâm đến thị phần rộng lớn - những người đọc dùng máy tính truyền thống với hệ điều hành Windows. Hiện nay, hầu hết các gia đình ở nội thành đều có máy vi tính và trường học nào cũng có phòng vi tính. Vì thế việc triển khai thư viện điện tử ở trường học sẽ gặp nhiều thuận lợi và khi cần đọc sách các em có thể thực hiện được ngay. Thay vì mua nhiều sách giấy rẻ và số người đọc cũng chỉ hạn chế theo số sách này, việc đầu tư ebook sẽ mang đến cơ hội cho hàng triệu người đọc cùng một lúc.

Từ cách làm mang tính đột phá của quận 1, thiết nghĩ ngành giáo dục TPHCM và các quận, huyện nên xem xét mô hình thư viện điện tử để tạo điều kiện cho học sinh đọc sách, nghiên cứu sách tham khảo, góp phần nâng cao văn hóa đọc và tri thức.

Thực tế cho thấy, học sinh ở quận ven, huyện ngoại thành TPHCM đang có nhu cầu đọc sách, nâng cao dân trí. Nếu được chính quyền, ngành giáo dục địa phương quan tâm, có tư duy đổi mới - đưa sách số vào thư viện thì đây chính là phương tiện tiện ích nhất, rẻ nhất có thể giúp họ thực hiện ước mơ. Trong khi chờ đợi và kỳ vọng sách giáo khoa được số hóa, ngành giáo dục TPHCM nên tạo bước đột phá đổi mới giáo dục từ việc đầu tư cho thư viện điện tử ở tất cả trường học.


KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục