Tiếng Anh ở khối trường chuyên nghiệp - Từ thực tế đến mục tiêu, xa vời!

Trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hầu như bằng 0.
Tiếng Anh ở khối trường chuyên nghiệp - Từ thực tế đến mục tiêu, xa vời!

Trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hầu như bằng 0.

Bệnh phổ biến: “Điếc và mù” ngoại ngữ

Mặc dù đã có thời gian 6 - 7 năm học tiếng Anh ở phổ thông nhưng do học kiểu truyền thống, nghiêng về đọc viết, xem nhẹ kỹ năng nghe nói nên phần đông học sinh - sinh viên (HS-SV) khối trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng (CĐ) phải học lại từ đầu. Không chỉ quên kiến thức căn bản, nhiều HS-SV không thể viết hoặc nói những mẫu câu đàm thoại đơn giản như giới thiệu tên, tuổi, nghề nghiệp.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Tình trạng “điếc và mù” ngoại ngữ được xem là phổ biến. Đó là nhận xét của nhiều giảng viên dạy tiếng Anh và theo họ thực trạng này đang tạo áp lực nặng nề đối với mục tiêu cải thiện, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của HS-SV ở các trường chuyên nghiệp. Do đầu vào - nguồn tuyển của các trường TCCN, CĐ chủ yếu (chiếm 90%) là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, dân tộc miền núi… nên nền tảng học ngoại ngữ kém, kiến thức hổng sâu, khó khắc phục.

Theo Th.S Trần Xuân Ngọc Bách, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, do học yếu môn ngoại ngữ, mặc cảm, sợ bị chê trách nói sai, viết sai, người học rất thiếu tự tin trong giờ học cũng như giao tiếp bên ngoài. Do phần đông HS-SV “không thể thốt ra được lời nào khi diễn đạt bằng tiếng Anh” nên khi lên lớp, nhiều giáo viên phải độc thoại một mình. Đây là hệ quả kéo dài từ cách dạy và học ngoại ngữ không đúng theo chuẩn quốc tế, học nhiều nhưng thiếu môi trường thực hành nên HS-SV phải khởi động lại từ số không. Thế nhưng, theo nhận định của các giáo viên dạy Anh văn thì lực cản lớn nhất là người học không còn hứng thú học tiếng Anh, tự ti mặc cảm và tự đánh giá là mình không có khả năng học.

Chính vì thế, để truyền cảm hứng, sự tự tin cho người học, cần xây dựng môi trường dạy - học ngoại ngữ (tổng quát, chuyên ngành và chuyên ngữ) tiên tiến, đa dạng phù hợp với từng trường là yêu cầu cấp bách. Nếu HS-SV không thích học ngoại ngữ và xem đây là môn học “khổ ải” vì phải đầu tư nhiều thời gian, hiệu quả sử dụng thấp thì cần phải xem lại mục tiêu của đề án kèm những giải pháp đầu tư phù hợp.

Mổ xẻ chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các trường chuyên nghiệp, giảng viên tiếng Anh Phạm Hoàng Minh Thảo (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) nêu thực tế: Thiết bị, phòng học ngoại ngữ không đồng bộ, vừa thiếu thốn vừa nghèo nàn, lạc hậu.

Khảo sát thực tế cho thấy, HS-SV học theo lối truyền thống, đọc - viết là chính, ít cơ hội tiếp xúc với phương tiện hiện đại như máy chiếu, máy vi tính, phòng học ngoại ngữ chuyên dụng…

Chữa trị cách nào?

Theo ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đại học Sở GD-ĐT TPHCM, bình quân mỗi giáo viên dạy ngoại ngữ đang phải gồng gánh gần 300 HS-SV. Với thực tế này cộng với lớp học ngoại ngữ quá đông (50 - 60 người) làm sao có hiệu quả.

TS Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực Đề án quốc gia 2020, cũng thừa nhận khó khăn lớn nhất là năng lực giảng dạy tiếng Anh của đại bộ phận giáo viên thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ. Vì vậy, để khởi động đề án, trước tiên phải rà soát, đánh giá lại đội ngũ giáo viên và có chiến lược đào tạo bồi dưỡng để đạt chuẩn, kèm tuyển dụng mới giáo viên là người có trình độ, năng lực, có thể tuyển SV du học hoặc người nước ngoài về giảng dạy.

Một vấn đề khác được đề cập là thời lượng của chương trình khung gói gọn trong con số 60 - 190 tiết tùy theo hệ tuyển, thời gian đào tạo, cũng khiến cho mục tiêu dạy tiếng Anh đạt chuẩn khó khả thi. Nhiều giáo viên khẳng định rằng, với quy định này thì chỉ có thể trang bị kiến thức cơ bản, phục vụ giao tiếp hàng ngày, đọc tài liệu chuyên môn đơn giản, đáp ứng thi tuyển là chính.

Từ kinh nghiệm thực tế vận dụng “mô hình hướng dẫn người học tự học trong giảng dạy tiếng Anh theo định hướng TOEIC”, các giảng viên Trường CĐ Công nghiệp Thủ Đức TPHCM chỉ ra rằng việc giúp SV tự tổ chức học, tăng thời lượng học - nghiên cứu, thực hành tiếng Anh là cần thiết. “Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường tích cực học tập tiếng Anh theo định hướng TOEIC để tạo động lực, điều kiện cho SV tự học, khuyến khích SV sử dụng tiếng Anh trong giờ học cần phải đặt ra” - Th.S Đỗ Thị Dung (Trường CĐ Công nghiệp Thủ Đức) nhấn mạnh.

Từ góc nhìn khác, đại diện Trường Ánh Sáng hiến kế sử dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu” và nên dạy từ từ, dạy mọi lúc - học mọi nơi, không phân biệt có phải giờ tiếng Anh hay không. Trước thực tế còn ngổn ngang cái khó lẫn thiếu điều kiện đầu tư cho môi trường dạy và học tiếng Anh đạt chuẩn, nhiều trường thừa nhận mục tiêu đặt ra là HS tốt nghiệp ra trường phải đạt chuẩn đầu ra TOEIC 300 điểm hay trình độ bậc 3 (B1) theo chuẩn châu Âu xem ra khó thực hiện. Như thế, mục tiêu của Đề án quốc gia 2020 cũng như Đề án “phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông, chuyên nghiệp TPHCM giai đoạn 2011 - 2020” đặt ra là đến năm học 2015 - 2016, sẽ có 60% HS-SV khối trường chuyên nghiệp đạt chuẩn châu Âu - trình độ bậc 3 (B1) và đến năm 2020 sẽ tăng lên 100% liệu có khả thi? Nếu không có giải pháp chữa trị đúng căn bệnh “câm và điếc” ngoại ngữ của HS-SV thì chuyện thanh niên Việt Nam có đủ năng lực sử dụng độc lập, tự tin giao bằng tiếng Anh trong học tập, làm việc trong môi trường toàn cầu hóa vẫn chỉ là mơ ước.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục