Phản hồi loạt bài: “Bao giờ cho hết “chạy” trường?” - Tuyển sinh cần khoa học và thống nhất hơn

Sau khi đăng loạt bài “Bao giờ cho hết “chạy” trường?” (ngày 13 và 14-8-2012), Báo SGGP tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi của các ban ngành, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng này.
Phản hồi loạt bài: “Bao giờ cho hết “chạy” trường?” - Tuyển sinh cần khoa học và thống nhất hơn

Sau khi đăng loạt bài “Bao giờ cho hết “chạy” trường?” (ngày 13 và 14-8-2012), Báo SGGP tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi của các ban ngành, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng này.

  • Tiến sĩ Khoa học Hồ Hữu Nhựt, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM: Chuyển bớt một số ngành nghề lao động giản đơn về các tỉnh

Ai cũng muốn con em mình được học trường tốt, tuy nhiên phụ huynh nên lựa chọn trường vừa sức cho con. Theo tôi phụ huynh nên quan tâm đến việc học của con, ví dụ như dạy học cho con đầu lòng, để sau đó anh (chị) sẽ dạy học lại cho em. Phương pháp này vừa đỡ tốn kém, đỡ di chuyển bên ngoài, đồng thời tăng cường tình đoàn kết anh em, hạnh phúc gia đình. Tạo ra được môi trường gia đình có truyền thống hiếu học, có nhiều người học giỏi, tôn trọng lẫn nhau. Tránh được tình trạng cho con đi học thêm vừa không quản lý được, dễ bị lôi kéo vào cái xấu, đồng thời không giáo dục được truyền thống gia đình.

Nhà nước cần phải bố trí lao động hợp lý, đặc biệt là một số ngành nghề lao động giản đơn nên chuyển bớt về các tỉnh vì lao động họ làm việc, lập gia đình và sinh con sẽ làm tăng dân số, gây khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội chứ không riêng về giáo dục. Hiện nay các nước phát triển cũng phải áp dụng phương án này. Làm được điều này mới đẩy mạnh được sức mạnh của cả nước, hạn chế chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh thành, góp phần phát triển kinh tế, giáo dục của cả nước.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng quận Gò Vấp trong giờ học.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng quận Gò Vấp trong giờ học.

  • Ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM: Không nên cho nhập hộ khẩu vì mục đích xin học

Trên thực tế, hiện nay tình trạng nhập hộ khẩu để xin học đã gây rất nhiều áp lực, khó khăn cho ngành giáo dục và xã hội trong việc giải quyết chỗ học. Theo tôi cần phải có giải pháp căn cơ đồng bộ phối hợp giữa các ban ngành để chung tay giải quyết. Đặc biệt là phía ngành công an, cần phải quyết tâm góp phần để giải quyết tình trạng nhập hộ khẩu “nhờ”, “ghép” như hiện nay.

Đề nghị ngành công an phải có sự cân nhắc, xem xét rõ ràng động cơ của việc nhập hộ khẩu của người dân vì mục đích gì, đó là nhu cầu bức xúc và hợp lý của gia đình hay đang góp phần tạo ra áp lực cho xã hội, áp lực cho ngành giáo dục. Đặc biệt đối với những trường hợp không có quan hệ họ hàng thân thích với chủ hộ mà chỉ vì mục đích xin học, cần cẩn trọng và kiên quyết “nói không với việc nhập hộ khẩu”.

  • Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Chất lượng giáo dục giữa các trường đã tương đối đồng đều

Nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ hàng đầu chúng tôi đặt ra vào mỗi năm học, tuy nhiên để thực hiện tốt chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, hợp tác từ phía phụ huynh. Mặc dù sĩ số học sinh hàng năm đều tăng nhưng ngành giáo dục luôn bảo đảm để giải quyết đủ chỗ học cho các em. Việc đầu tư cho giáo dục luôn đồng đều giữa các trường, phân công giáo viên cũng khoa học, không phân công toàn giáo viên giỏi về 1 trường. Khoảng cách về chất lượng giữa các trường hiện nay đã tương đối đồng đều.

Vẫn còn một số trường có cơ sở vật chất tương đối nhỏ nhưng ngược lại chúng tôi đang đầu tư tốt về trang thiết bị, đội ngũ giáo viên tận tụy với học sinh, thực tế đã có nhiều trường rất được phụ huynh tín nhiệm.

Chính vì vậy phụ huynh nên chọn trường gần nhà cho con, thực hiện nghiêm túc luật cư trú để thuận lợi cho con em trong việc đưa đón và giữ gìn sức khỏe để các em học tốt. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ việc chuyển và nhập hộ khẩu, đồng thời thực hiện nghiêm túc, công khai và đúng quy chế công tác tuyển sinh đầu cấp như kế hoạch của thành phố đã quy định.

  • Một phụ huynh học sinh ở phường Bình Thọ quận Thủ Đức: Tuyển sinh cần khoa học và thống nhất hơn

Qua sự việc 58 học sinh ở Trường THCS Bình Thọ bị chuyển qua Trường THCS Lê Văn Việt, chúng tôi thấy việc tuyển sinh đầu cấp hiện nay, cụ thể là ở địa phương chúng tôi vẫn chưa có sự thống nhất và khoa học. Nếu thực tế như kế hoạch tuyển sinh ban đầu của quận, xếp chúng tôi vào giai đoạn 3 tuyển sinh và có quy định rõ ràng: Còn chỗ mới giải quyết thì chúng tôi sẽ đồng tình, không có phản ứng gì. Tuy nhiên, những vấn đề này chúng tôi không hề được biết ngay từ đầu.

Trên thực tế Trường Bình Thọ đã nhận hồ sơ của con em chúng tôi, đồng thời đã bán đồng phục cho các cháu, các cháu đã học hè tại trường, những điều này làm chúng tôi và con em tin rằng chắc chắn vào học tại trường. Sau hơn một tháng mới có quyết định luân chuyển điều này quá bất ngờ, khiến chúng tôi ngạc nhiên và không đồng tình. Việc này thể hiện công tác tuyển sinh chưa khoa học, thiếu thống nhất.

Chính sự thiếu thống nhất này đã làm con em chúng tôi giống như từ “đậu thành rớt” ảnh hưởng không tốt đến tâm lý các cháu. Chúng tôi mong rằng công tác tuyển sinh đầu cấp của quận sẽ làm bài bản, khoa học hơn để người dân tin tưởng và thực hiện theo chủ trương chung của quận. 

LÊ LINH

- Thông tin liên quan:

Bao giờ cho hết “chạy” trường?

- Bài 2: “Nhập khẩu” và hệ lụy

- Bài 1: Quá tải trường “thương hiệu”

Tin cùng chuyên mục