Các trường ngoài công lập phải tự cứu mình

Báo SGGP số ra ngày 10-3 đăng ý kiến của TS Lê Trường Tùng cho rằng, với tình hình hiện nay, trong tương lai việc giải thể, sáp nhập của một số trường ĐH-CĐ ngoài công lập là tất yếu. Có nên cứu các trường ngoài công lập đang “thoi thóp” hay không là câu hỏi PV Báo SGGP đặt ra với một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.

  • GS Nguyễn Minh Thuyết: Quy luật đào thải

Với tình hình hoạt động có nhiều khó khăn hiện nay, nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập chỉ có thể tự cứu mình. Anh không thể bày ra cuộc chơi rồi khi khó khăn lại bảo Nhà nước cứu. Giống như bất động sản, khi thị trường đóng băng nhiều người đòi Nhà nước phải phá băng, điều đó là không thể vì khi lãi khổng lồ, không ai kêu ca. Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập ra đời, tồn tại, phát triển hay không phải phụ thuộc vào chính năng lực của mình. Một khi chất lượng đào tạo kém, ngành đào tạo không phù hợp, sinh viên ra trường không có việc làm thì Nhà nước không thể cứu họ được. Vì thế, theo tôi các trường chỉ có cách thay đổi phương pháp đào tạo, ngành đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Có một số trường có thể phải sáp nhập hoặc giải thể, đó là quy luật của sự đào thải.

Tôi đặc biệt không hoan nghênh giải pháp hạ điểm sàn vì không thể chắc chắn chất lượng đào tạo có được bảo đảm hay không. Về lâu dài, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên giao cho các trường được tự tuyển sinh và họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của mình.

Có một thực tế hiện nay là chất lượng đào tạo nhân lực bị xã hội kêu là yếu kém, nếu chiều theo các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, hạ điểm sàn xuống nữa để họ tuyển đủ chỉ tiêu thì thử hỏi mục đích đào tạo của chúng ta là gì? Các trường ĐH-CĐ ở nước ngoài có thể thi đầu vào hoặc xét tuyển nhưng quá trình đào tạo của họ rất nghiêm ngặt, thường xuyên có sự sàng lọc, nếu học kém thì sẽ bị loại. 10 người vào học nhưng có thể chỉ 5 người tốt nghiệp. Ở ta ngược lại, 10 người vào học, cả 10 người đều ra trường. Đây là điều mà ngành giáo dục phải thay đổi. Không nên xuất phát từ lợi ích nhóm mà cho thành lập trường dễ dãi, tuyển sinh dễ dãi, đào tạo buông lỏng rồi bắt xã hội chịu hậu quả.

  • TS Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Không nên bỏ điểm sàn

2 năm trở lại đây và đặc biệt là mùa tuyển sinh 2012, nhiều trường gặp khó khăn trong nguồn tuyển, chủ yếu là các trường ngoài công lập. Việc khó khăn trong nguồn tuyển dẫn đến có trường phải đứng trước nguy cơ đóng cửa. Chính vì thế, một số trường đại học đã không ít lần đề xuất bỏ điểm sàn hay để các trường chủ động tuyển sinh. Tuy nhiên, có thể thấy “điểm sàn” không phải là vấn đề lớn của cả hệ thống đào tạo. Tôi cho là không nên bỏ điểm sàn. Nếu chúng ta bỏ điểm sàn thì không còn ngưỡng để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Thí sinh có điểm thấp, lực học kém vẫn được gọi vào đại học, dẫn đến suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và lãng phí lớn cho xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên có cách làm khác để giúp các trường này tháo gỡ khó khăn và nên nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn cho hợp lý.

Không ít thí sinh có điểm trên sàn nhưng vì không trúng tuyển vào các trường theo nguyện vọng nên các em chờ năm sau thi lại. Việc có quá nhiều trường ĐH-CĐ, trong đó không ít trường chưa bảo đảm chất lượng đào tạo nên không tạo được sức hút đối với người học. Mặt khác, việc chính các nhà trường đang tự cạnh tranh nhau khi mở quá nhiều ngành học trùng lặp trong từng tỉnh, thành, khu vực, dẫn đến bão hòa nhu cầu học và khan hiếm nguồn tuyển.

  • Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Nâng cao chất lượng đào tạo

Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường ngoài công lập khi xây dựng phương án tuyển sinh riêng hết sức cân nhắc. Vì phương án tuyển sinh riêng dễ dãi thì chỉ được lợi được một vài năm, sau đó hậu quả rất lớn. Người đào tạo ra không được xã hội chấp nhận sẽ ảnh hưởng lâu dài.

Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đề nghị nên có nhiều mức điểm sàn khác nhau, trường công lập có thể lấy điểm cao hơn trường ngoài công lập. Nhưng quan điểm của bộ, khi chưa có nghị định phân tầng đại học theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học, chưa có cơ sở buộc các trường đại học lấy điểm tuyển sinh riêng. Hiện bộ đang xây dựng nghị định phân tầng và xếp hạng đại học. Khi đó sẽ có cơ chế để các trường muốn ở hạng cao, điểm đầu vào phải cao.

Tôi cho rằng hiện nay các trường công lập muốn bảo vệ uy tín không muốn lấy điểm thấp xuống. Chỉ có một số trường, ngành khó tuyển mới lấy mức bằng điểm sàn. Chúng ta không thể vì khó khăn trong tuyển sinh của các trường ngoài công lập mà giảm chất lượng toàn hệ thống. Chất lượng là vấn đề ưu tiên số 1, cho nên khi xác định điểm sàn, đó vẫn là yếu tố được tính tới đầu tiên. Các trường ngoài công lập muốn phát triển phải tự nâng cao uy tín, thu hút được thí sinh. Không thể để một vài trường không tuyển sinh được mà ảnh hưởng tới điều này. Tổng số thí sinh dự thi ĐH-CĐ hàng năm là khoảng 1,2 triệu thí sinh, trong đó có 900.000 em mới tốt nghiệp THPT và 300.000 thí sinh thi lại hoặc vãng lai. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển mới ĐH-CĐ là 550.000, còn lại trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Bộ nếu có thay đổi cách tính điểm sàn, tìm phương án tuyển sinh mới… để giúp các trường có thêm nguồn tuyển cũng chỉ là biện pháp trước mắt. Để có thể thu hút được sinh viên về lâu dài các trường ngoài công lập chỉ còn cách nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo.

Lâm Nguyên ghi

- Sáp nhập các trường ĐH-CĐ yếu kém là tất yếu

Tin cùng chuyên mục