Sáp nhập các trường ĐH-CĐ yếu kém là tất yếu

Gần đây, Bộ GD-ĐT đã họp với Hiệp hội ĐH-CĐ ngoài công lập để bàn cách cứu các trường ngoài công lập khỏi sự tan rã do những khó khăn trong hoạt động cũng như tình trạng không tuyển sinh được. Tại buổi họp giữa Bộ GD-ĐT và hiệp hội về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch hiệp hội đã đề xuất Bộ GD-ĐT nên tiến hành sáp nhập các trường đại học chưa đủ năng lực. Phóng viên Báo SGGP trao đổi với TS Lê Trường Tùng (ảnh) để làm rõ thêm điều này.
Sáp nhập các trường ĐH-CĐ yếu kém là tất yếu

Gần đây, Bộ GD-ĐT đã họp với Hiệp hội ĐH-CĐ ngoài công lập để bàn cách cứu các trường ngoài công lập khỏi sự tan rã do những khó khăn trong hoạt động cũng như tình trạng không tuyển sinh được. Tại buổi họp giữa Bộ GD-ĐT và hiệp hội về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch hiệp hội đã đề xuất Bộ GD-ĐT nên tiến hành sáp nhập các trường đại học chưa đủ năng lực. Phóng viên Báo SGGP trao đổi với TS Lê Trường Tùng (ảnh) để làm rõ thêm điều này.

* Phóng viên:
Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất sáp nhập các trường ĐH-CĐ yếu kém?

* TS LÊ TRƯỜNG TÙNG: Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong 10 năm qua số trường ĐH-CĐ Việt Nam tăng gấp đôi: từ hơn 202 trường năm 2002 lên hơn 400 trường năm 2012. Trong số này, các trường công lập tăng thêm 158 trường, ngoài công lập tăng thêm 59, tức cứ 1 trường ngoài công lập ra đời thì có 2,7 trường công lập xuất hiện mới. Số trường tăng vọt, chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng theo, trong khi số lượng học sinh phổ thông trung học trong 10 năm chỉ tăng 12%. Tình hình này dẫn đến thay đổi lớn lao trong bức tranh cung cầu giữa khả năng đáp ứng chỗ học của các trường ĐH-CĐ và nhu cầu của người học.

Năm 2012, hệ thống ĐH-CĐ cả công lập và ngoài công lập tuyển được 462.000 sinh viên mới, trong khi chỉ riêng các trường công đã có tổng chỉ tiêu năm 2012 vượt quá con số 500.000 - tức là lớn hơn cả nguồn tuyển được, dẫn đến nguồn tuyển thiếu trầm trọng. Nếu năm 2013 này không hạ điểm sàn để tăng nguồn tuyển thì nhiều trường - đặc biệt là các trường địa phương và ngoài công lập - sẽ tiếp tục khó khăn trong việc tuyển sinh và tương lai đóng cửa một số trường là không tránh khỏi. Tuy nhiên, hạ điểm sàn đồng nghĩa với hạ chất lượng đầu vào, đó không phải là điều Bộ GD-ĐT và cả xã hội mong muốn.

Trong bối cảnh đó, mức độ đầu tư của nhiều trường, đặc biệt là các trường mới thành lập hoặc mới nâng cấp còn rất hạn chế. Năm 2005, vốn tối thiểu để mở một trường đại học là 15 tỷ đồng, con số này hiện nay theo quy định được nâng lên 50 tỷ đồng. Với một trường đại học thì đây là con số rất nhỏ. Chỉ cần làm hạ tầng đường sá, điện nước cho 5ha với suất đầu tư 4 triệu đồng/m2 cũng hết 200 tỷ đồng. Xây một ký túc xá 500 chỗ ở đã tốn 40 - 50 tỷ đồng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường không ra trường, tình trạng môi trường đào tạo nhếch nhác, chất lượng đào tạo thấp là điều khó tránh khỏi; không có tiềm năng đầu tư lâu dài và khi gặp khó khăn thì vượt qua không dễ dàng khi không có tiềm lực dự trữ cần thiết.

Để giải quyết tình trạng trên, trong cuộc họp tại Bộ GD-ĐT ngày 5-3 vừa qua, tôi có đề xuất cần xem xét ấn định mức đầu tư tối thiểu, áp dụng cho cả trường tư và trường công, qua đó các trường yếu có thể sáp nhập để thành trường mạnh hơn.

* Theo ông, nếu sáp nhập thì cần những tiêu chí gì và hiệu quả của việc sáp nhập thể hiện ra sao?

* Tôi kiến nghị bộ xem xét để có quy định về vốn đầu tư tối thiểu (với trường đại học tư) hoặc giá trị tài sản tối thiểu (với trường đại học công) là 500 tỷ đồng, với trường cao đẳng là 300 tỷ đồng và với trường trung cấp là 100 tỷ đồng. Các trường đại học sẽ có lộ trình để tăng vốn tối thiểu lên 200 tỷ đồng vào cuối năm 2013, 300 tỷ đồng vào cuối năm 2014 và 500 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Có nhiều giải pháp để thực hiện điều này, như tăng cường tìm nguồn đầu tư bổ sung, sáp nhập, hạ cấp từ đại học xuống cao đẳng, từ cao đẳng xuống trung cấp hoặc giải thể. Nếu sáp nhập thành công, các trường sau khi sáp nhập sẽ có đủ nguồn lực tài chính, tận dụng được các giấy phép mở ngành, lực lượng giảng viên và quản lý của 2 trường. Nếu thực hiện chính sách “vốn tối thiểu”, tôi dự đoán sau năm 2015, từ hơn 400 trường ĐH-CĐ hiện nay sẽ còn khoảng 200, trong đó khoảng 1/4 là số trường ngoài công lập.

* Như vậy, theo đề xuất của ông, việc sáp nhập không chỉ thực hiện đối với các trường ĐH-CĐ ngoài công lập mà còn đối với cả các trường công lập. Đặt vấn đề các trường yếu kém không muốn sáp nhập mà họ vẫn duy trì hoạt động èo uột, làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống, nhất là ngoài công lập như hiện nay thì Nhà nước cần có cơ chế giải quyết thế nào?

* Tôi đã đề xuất rõ rồi. Đến thời hạn tăng vốn, các trường không tăng được thì bộ sẽ cho sáp nhập, hoặc dừng tuyển sinh, dạy cho xong số sinh viên hiện có rồi giải thể.

* Nhìn rộng ra, không phải chỉ là vấn đề sáp nhập các trường thiếu năng lực, theo ông phải “tái cơ cấu” hệ thống đại học ở Việt Nam như thế nào để đáp ứng yêu cầu của xã hội, của công cuộc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

* Tôi được biết trong quý 1 năm nay, Chính phủ sẽ ban hành quy hoạch mới về hệ thống các trường ĐH-CĐ. Với thực trạng phát triển hệ thống các trường ĐH-CĐ quá nhanh trong thời gian vừa qua - dẫn đến mức đầu tư thấp, chất lượng thấp và thiếu nguồn tuyển - thì việc tái cơ cấu là tất yếu. Quan trọng là cần tái cơ cấu sao cho tránh đổ vỡ, đảm bảo quyền lợi người học, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Và quan trọng nhất là và đảm bảo được chất lượng và môi trường phát triển cho các trường sau khi tái cơ cấu hệ thống này.

"Với mức độ phát triển nóng như hiện nay, mục tiêu từ nay đến năm 2020 đạt 450 sinh viên/10.000 dân sẽ phải tính toán lại. Nghị quyết Trung ương 2 nhấn mạnh chuyển mô hình phát triển các sang chiều sâu, chất lượng. Về cơ bản từ nay đến năm 2020 sẽ có rất ít trường được mở thêm. Một số trường sẽ phải nhập vào nhau để đủ lớn, tránh manh mún dẫn tới tranh nhau nguồn tuyển sinh và không đảm bảo chất lượng như hiện nay"

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

PHAN THẢO thực hiện

Tin cùng chuyên mục