Không chấm điểm học sinh tiểu học: Vừa làm vừa nghe ngóng!

Sau gần hai tuần thực hiện Thông tư 30 quy định về việc không chấm điểm học sinh tiểu học, nhìn chung các trường đã quen dần với việc nói “không” với điểm số. Tuy nhiên, cách thực hiện của giáo viên mỗi nơi mỗi khác, tiêu chí khen thưởng đặt ra cũng không giống nhau tạo nên sự lo lắng, hoang mang cho phụ huynh. Làm sao khắc phục tình trạng đó?  
Không chấm điểm học sinh tiểu học: Vừa làm vừa nghe ngóng!

Sau gần hai tuần thực hiện Thông tư 30 quy định về việc không chấm điểm học sinh tiểu học, nhìn chung các trường đã quen dần với việc nói “không” với điểm số. Tuy nhiên, cách thực hiện của giáo viên mỗi nơi mỗi khác, tiêu chí khen thưởng đặt ra cũng không giống nhau tạo nên sự lo lắng, hoang mang cho phụ huynh. Làm sao khắc phục tình trạng đó?  

Việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá cần được tiến hành song song với yêu cầu kéo giảm sĩ số học sinh/lớp giúp giáo viên có điều kiện sâu sát từng em.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Trái ngược với tâm trạng ngạc nhiên xen lẫn hân hoan của ngày đầu tiên được cô ghi nhận xét, chị Minh Lý, phụ huynh có con đang học lớp 3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp, TPHCM), cho biết: “Qua hai tuần theo dõi nhận xét trong vở bài làm của con, tôi bắt đầu nhận thấy các lời nhận xét có dấu hiệu trùng lặp. Ngay cả vị trí cô giáo đặt dấu chấm, phẩy, chấm than, kết hợp từ ngữ cũng không có nhiều thay đổi”. Điều này phần nào đã giảm đi tâm trạng háo hức, chờ đợi của học sinh mỗi khi được cô ghi nhận xét. Có em còn nói đùa, trước đây mỗi khi đi học về, hoặc sẽ mang tâm trạng lo lắng vì sợ ba mẹ rầy la do bị điểm thấp hoặc vui mừng đòi thưởng nếu đạt điểm 10.

Nhưng nay với việc cô cho nhận xét, nếu phụ huynh hỏi các em chỉ cần trả lời “cũng bình thường thôi” vì lời cô phê không có gì đặc biệt và cả tổ bạn nào cũng có lời phê gần giống nhau. Cá biệt có vài trường hợp phụ huynh phản ảnh con mình nhận được những lời nhận xét chung chung, mang ý nghĩa vô thưởng vô phạt như “bài làm đạt”, “đã hoàn thành”… khiến các em nảy sinh tâm lý chủ quan, mất động lực phấn đấu. 

Lý giải điều này, một giáo viên lâu năm ở quận 3 cho biết, do tâm lý đã quen với cách cho điểm cũ nên nhiều thầy cô chỉ quy đổi máy móc lời nhận xét theo công thức: bài làm đạt điểm 9, 10 thì ghi “hoàn thành tốt”; điểm 7, 8 ghi “đã hoàn thành” và 5, 6 thì ghi “cần cố gắng”. Nhưng thay vì cho điểm vào vở, các thầy cô sẽ nhẩm tính điểm số trong đầu rồi ghi nhận xét tương đương. Cách làm này tuy không sai về mặt nguyên tắc nhưng sẽ “cho ra lò” hàng loạt lời phê có nội dung giống nhau, mang tính chất đối phó.

Thậm chí trên các trang mạng xã hội hiện nay, các giáo viên còn chia sẻ với nhau “ngân hàng lời phê gợi ý” để tiết kiệm thời gian chấm bài.

Cô Nguyễn Thị Kiều Trinh, giáo viên một trường tiểu học ở quận 12, bày tỏ: “Thông tư 30 yêu cầu giáo viên phải quan tâm, đánh giá quá trình học tập của từng học sinh, trong đó chú ý những em có hoàn cảnh, tính cách, khả năng nhận thức nổi bật hay cá biệt. Tuy nhiên trên thực tế, không phải em nào cũng có nét đặc biệt đó, nếu không rơi vào trường hợp quá giỏi hay quá tệ thì đa phần các em có sức học ngang nhau, giáo viên muốn chọn 40-50 lời phê khác nhau trong cùng tiết dạy cũng rất khó”.

Dục tốc bất đạt

Liên quan đến sáng kiến “tạo con dấu in sẵn” của giáo viên các tỉnh phía Bắc, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, bộ không quy định giáo viên không được dùng nhận xét bằng dấu gỗ nhưng cũng nhắc nhở các thầy cô không nên lạm dụng cách làm này vì sẽ làm sai lệch ý nghĩa nhân văn của việc đổi mới phương pháp đánh giá.

Theo đó, Thông tư 30 không yêu cầu mỗi giáo viên phải ghi nhận xét bằng chữ viết tất cả học sinh trong cùng một lớp. Thay vào đó, các thầy cô có thể vận dụng linh hoạt nhiều hình thức nhận xét khác nhau như lời nói hoặc sử dụng các ký hiệu, biểu tượng, con dấu… Riêng đối với yêu cầu ghi đánh giá vào mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục, nhiều giáo viên cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT.

Thêm vào đó, đối với học sinh các lớp cuối cấp hiện nay đang dùng học bạ cũ với phương thức ghi điểm, nếu chuyển sang hình thức nhận xét, đánh giá mới, liệu có làm ảnh hưởng đến tính chất biểu mẫu của học bạ hay không? Ngoài ra nhiều địa phương cho biết đang lúng túng trong việc xác định tiêu chí bình chọn thi đua, khen thưởng cuối năm cho phù hợp với tinh thần của quy định mới.

Từ rất nhiều băn khoăn đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 (TPHCM) kiến nghị Bộ GD-ĐT nên xem lại quyết định triển khai đồng loạt, đại trà việc không chấm điểm học sinh ở cả 5 khối lớp, thay vào đó nên thực hiện cuốn chiếu từ lớp 1 đến lớp 5 để tạo ra một lứa học sinh được đào tạo hoàn toàn trong môi trường kiểm tra, đánh giá mới, từ đó có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về chất lượng đào tạo, rút kinh nghiệm để có hướng dẫn phù hợp trước khi áp dụng đại trà vào những năm sau.

Thêm vào đó, việc thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá cần được tiến hành song song với nhiều mục tiêu khác của ngành giáo dục như kéo giảm sĩ số học sinh/lớp, “cởi trói” về mặt quy định số tiết dạy, chế độ lương bổng để giáo viên toàn tâm cống hiến với nghề.

Nói tóm lại, “không thể kỳ vọng một quy định vừa mới ban hành, số buổi tập huấn chỉ đếm trên đầu ngón tay, yêu cầu về các loại sổ sách, giấy tờ chưa rõ ràng, tiêu chí xét thưởng thiếu thống nhất và đặc biệt yêu cầu công việc đang bị nhiều giáo viên tiểu học hiện nay than là quá tải mà bắt tất cả chúng tôi phải chấp hành. Bản thân tôi cũng đang vừa làm vừa nghe ngóng”, một giáo viên ở quận 2 bày tỏ.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục