Không nên áp dụng một cách máy móc

Không nên áp dụng một cách máy móc

Theo quyết định của Bộ GD-ĐT từ tháng 1-2014, có 207 ngành bị đình chỉ tuyển sinh đại học, do không đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giảng viên. Quyết định này đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt đối với một số trường đại học đào tạo về nghệ thuật.

NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, 2 trong số nhiều nghệ sĩ được đào tạo theo dạng truyền nghề, không qua các tiến sĩ, thạc sĩ giảng dạy. Ảnh: ĐỖ HẠNH

NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, 2 trong số nhiều nghệ sĩ được đào tạo theo dạng truyền nghề, không qua các tiến sĩ, thạc sĩ giảng dạy. Ảnh: ĐỖ HẠNH

Phát biểu với báo chí hôm 6-2, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội Trần Thanh Hiệp đã cho rằng: “Cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT không ổn tí nào…”. Theo như quyết định thì Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có 15 ngành học không được tuyển sinh. Có nghĩa gần hết các ngành học của trường này sẽ chấm dứt việc đào tạo đại học, chỉ vì không có đủ lực lượng giảng viên là tiến sĩ và thạc sĩ.

Quyết định đình chỉ tuyển sinh nhiều ngành học trong các trường đại học hiện nay, do không có đủ lực lượng giảng viên cơ hữu; nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo đại học là một chủ trương hoàn toàn đúng của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc áp dụng một cách máy móc đối với một số trường đào tạo mang tính chất nghệ thuật là không phù hợp và sẽ gây tổn hại đến đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước. Sự duy ý chí này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường là triệt tiêu sự phát triển của một bộ phận văn hóa nghệ thuật, do không được đào tạo và có sự kế tục…

Trao đổi với chúng tôi về việc này, đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, nguyên Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, bức xúc: “Chính Bộ GD-ĐT đã cho mở ào ào các trường đại học, rồi nâng cấp cao đẳng thành đại học… Thế rồi bây giờ Bộ GD-ĐT lại cấm. Việc đình chỉ một số ngành đào tạo là đúng, nhưng đối với một số trường nghệ thuật là sự vô lý và duy ý chí. Bản thân tôi học đạo diễn tại Trường Đại học VGIK của Liên Xô cũ, nhiều thầy của tôi có phải là thạc sĩ, tiến sĩ gì đâu. Họ là những đạo diễn, biên kịch… lừng danh thế giới. Ngay ở nước ta, đào tạo ra những đạo diễn tên tuổi hiện nay là những người thầy đạo diễn với những bộ phim để đời trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, họ đâu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nghệ thuật mang tính đặc thù và cao nhất là sự sáng tạo, và chỉ những người thầy có sáng tạo lớn mới đủ tư cách làm thầy…”.

Đạo diễn, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thốt lên: “Nếu thế thì phải phong cho các cụ Dịu Hương, Mạnh Tuấn, cả Tam của chèo; Quách Thị Hồ của ca trù; Hà Thị Cầu của hát xẩm, hay một số nghệ nhân quan họ… thành tiến sĩ từ lâu rồi. Bởi các cụ rất uyên bác trong nghề và đã có công đào tạo ra bao nhiêu thế hệ các NSND, NSƯT hiện nay của đất nước. Có những tiến sĩ, thạc sĩ hiện nay trình độ còn thua xa cả cử nhân kia đấy. Thật ra việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên là đúng nhưng không thể làm một cách đại trà và máy móc...”.

Trong 15 ngành học không được phép tuyển sinh của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, có ngành nhiếp ảnh. Trong khi mấy năm nay, trường đã có công đào tạo cho nhiều báo phóng viên nhiếp ảnh được học hành bài bản ở trình độ đại học; nhiều người đã trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng. Nhiếp ảnh là một ngành nghệ thuật và xưa nay, có lẽ toàn thế giới nữa chưa có ai là thạc sĩ chứ nói gì đến tiến sĩ nhiếp ảnh. Cứ theo quyết định của Bộ GD-ĐT thì đương nhiên ngành đào tạo đại học không nhiếp ảnh!

Một quyết định ra đời có thể phù hợp, có thể không phù hợp với đời sống đang vận hành. Nếu thấy chưa phù hợp thì điều chỉnh, và đích nhắm tới là hoàn thiện và phát triển. Cho nên với quyết định kể trên của Bộ GD-ĐT rõ ràng cần phải xem xét lại để sao cho phù hợp với sự phát triển chung, nhất là đào tạo văn hóa nghệ thuật.

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục