Có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống trong HS-SV

Hôm nay 11-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn và một số bộ ngành, đoàn thể liên quan tổ chức hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh-sinh viên (HS-SV). Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống của HS-SV và công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV, từ đó tìm ra giải pháp, phương hướng để triển khai công tác này trong thời gian tới.
Có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống trong HS-SV

(SGGPO).– Hôm nay 11-4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn và một số bộ ngành, đoàn thể liên quan tổ chức hội thảo toàn quốc về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh-sinh viên (HS-SV). Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống của HS-SV và công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV, từ đó tìm ra giải pháp, phương hướng để triển khai công tác này trong thời gian tới.

Tại đây, Bộ GD-ĐT công bố kết quả khảo sát tại 3 tỉnh thành với 3 Sở GD-ĐT (Hà Nội, Kon Tum, Cần Thơ), 6 trường ĐH-CĐ, 5 trường THPT, 3 trường THCS, 2 trường tiểu học về thực trạng đạo đức, lối sống của HS-SV và công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV. Khảo sát này đã gửi phiếu và phỏng vấn sâu tới 3.000 cán bộ, giáo viên, phụ huynh, HS-SV và các đơn vị phối hợp tại địa phương về thực trạng đạo đức, lối sống của HS-SV cũng như công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV.

Ngoài cuộc khảo sát này Bộ cũng đã nhận được báo cáo về vấn đề này của 59 sở GD-ĐT, 106 trường cao đẳng. 107 trường đại học, 42 trường trung học, trung cấp chuyên nghiệp… (tổng cộng là 314 báo cáo).

Qua các báo cáo và kết quả khảo sát, Bộ GD-ĐT cho biết về phẩm chất, tư tưởng chính trị thì hầu hết HS-SV đều có tinh thần yêu quê hương đất nước; đa số cho rằng trong bối cảnh hội nhập hiện nay phải giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc; đa số các em đều xác định mục tiêu cuộc sống, có lý tưởng phấn đấu rõ ràng với động cơ học tập nghiêm túc, tích cực và chủ động với tinh thần vượt khó, có ý chí vươn lên. Về đạo đức, các phẩm chất truyền thống quý giá của người Việt đều được đại đa số các em HS-SV phát huy, gần 98% HS-SV được hỏi cho rằng họ thích được chăm sóc những người thân trong gia đình. Có 92% HS-SV cho biết họ thấy hối hận, khổ tâm khi buộc phải nói dối hoặc làm việc không trung thực. Khi được hỏi về các biểu hiện tiêu cực trong trường, trong lớp thì chỉ có 2,11% HS-SV có thái độ thờ ơ, không quan tâm, còn lại đều ủng hộ cái đúng, phê phán cái sai. Về lối sống, hầu hết HS-SV có lối sống lành mạnh, biểu chia sẻ, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, gần như 100% HS-SV tham gia các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa…

SV tiếp sức mùa thi hướng dẫn cho các thí sinh dự thi ĐH. Ảnh: Mai Hải
SV tiếp sức mùa thi hướng dẫn cho các thí sinh dự thi ĐH.  Ảnh: Mai Hải

“Như vậy, hầu hết HS-SV ý thức rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc và nhân dân, ra sức phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt với khát vọng cống hiến hết mình vì tương lai tươi sáng của dân tộc”, báo cáo của Bộ GD-ĐT đánh giá.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận có các biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống của HS-SV. Cụ thể, vẫn còn một bộ phận không nhỏ HS-SV có ý thức phấn đấu chưa cao, thờ ơ với các vấn đề chính trị-xã hội, phai nhạt lý tưởng cách mạng, không xác định được mục tiêu, lý tưởng cuộc sống. Có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Một số HS-SV đề cao lối sống thực dụng, ích kỷ, thích hưởng thụ, đua đòi, xa hoa lãng phí, xem nhẹ giá trị tinh thần. Một bộ phận không quan tâm đến cộng đồng, người xung quanh và rất ít quan tâm đến các vấn đề chính trị-xã hội, ít tham gia các hoạt động thiện nguyện, tình nguyện vì xã hội, sống khép kín, đề cao chủ nghĩa cá nhân, xa rời tập thể..

Từ thực trạng đó, Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan đã chỉ ra những hạn chế của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV hiện nay. Tuy cả cán bộ, giáo viên, HS-SV đều cho rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV là quan trọng nhưng đây vẫn bị coi là môn phụ, thiếu các điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục. Mặt khác, còn sự lỏng lẻo giữa phối hợp với gia đình, nhà trường và xã hội, các cơ quan chức năng trong công tác này, trong khi các yếu tố tiêu cực, khách quan của xã hội ngày càng thâm nhập nhiều vào nhà trường, ảnh hưởng tới đạo đức lối sống của HS-SV…

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục