Đổi mới dạy - học ngữ văn: Thầy và trò hứng thú sáng tạo

Vì sao việc dạy môn ngữ văn ở phổ thông kém hiệu quả, chưa tạo được hứng thú, niềm đam mê để học sinh yêu thương tiếng mẹ đẻ? Gốc của vấn đề trì trệ này nằm ở đâu và phải làm gì để thổi luồng gió đổi mới thực sự vào môn học làm người này?
Đổi mới dạy - học ngữ văn: Thầy và trò hứng thú sáng tạo

Vì sao việc dạy môn ngữ văn ở phổ thông kém hiệu quả, chưa tạo được hứng thú, niềm đam mê để học sinh yêu thương tiếng mẹ đẻ? Gốc của vấn đề trì trệ này nằm ở đâu và phải làm gì để thổi luồng gió đổi mới thực sự vào môn học làm người này?

Học sinh tiểu học cần trang bị kỹ năng đọc, viết, nói, nghe phù hợp với năng lực.

Học sinh tiểu học cần trang bị kỹ năng đọc, viết, nói, nghe phù hợp với năng lực.

Tiếng Việt chưa được coi trọng

“Vì sao giờ học môn ngữ văn ở các cấp học hiện nay không ít, nhưng học xong chương trình phổ thông, nhiều em lại không thể viết đúng tiếng Việt? Cứ vào mùa thi tôi lại nghe nhiều lời than phiền từ thầy cô về môn tiếng Việt của thí sinh. Đáng lo ngại hơn là ngay cả giảng viên khoa ngữ văn cũng không mấy hài lòng về năng lực tiếng Việt của giáo viên môn văn tương lai - những người sẽ giúp học sinh, thanh thiếu niên Việt Nam yêu tiếng mẹ đẻ hơn. Buồn hơn nữa là những thí sinh thi đại học ở ngành khoa học xã hội mà cũng viết không đúng tiếng Việt…” - đó là tâm tư, trăn trở của PGS-TS, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM Nguyễn Kim Hồng tại hội thảo “Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông” được tổ chức mới đây.

Mổ xẻ vấn đề hệ trọng này, nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành đang tạo gánh nặng cho người dạy, ngăn cản sự sáng tạo của họ; còn học sinh học những điều không cần thiết - những tác phẩm thiếu ý nghĩa, giá trị thực tiễn.

Chỉ ra điều bất cập này, TS Dương Thị Hồng Hiếu (ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng, tuy quan điểm dạy đọc - hiểu văn bản ở phổ thông phần nào tiếp cận quan điểm dạy văn thế giới nhưng còn nhiều điểm chưa đáp ứng. Cụ thể giáo viên phải dạy những văn bản mà bản thân họ không thích và cũng không hiểu. Còn học sinh phải học những tác phẩm chẳng có ý nghĩa gì với cuộc sống nên học cốt để thi mà thôi. Thi xong rồi thì chẳng quan tâm đến những gì mình đã học.

Đó là chưa kể cách kiểm tra đánh giá hiện nay vẫn theo lối mòn, chú trọng kiến thức học thuộc lòng từ văn bản chứ không chú ý đến kỹ năng, năng lực của học sinh. Phân tích các đáp án chấm thi hiện nay cho thấy sự lệ thuộc vào kết luận chính xác của văn bản chứ không chấp nhận những ý kiến trái chiều. Điều này trái với bản chất hoạt động đọc văn vốn luôn tiếp diễn, không có điểm dừng và không tồn tại khái niệm “hiểu đúng”. Như thế, một khi chưa tìm được câu trả lời “học để làm gì” và học sinh chưa được khuyến khích tự kiến tạo nghĩa cho văn bản, thể hiện cảm hứng qua tác phẩm văn học thì học văn vẫn trì trệ, thiếu sức hấp dẫn.

Đổi mới từ người thầy

Đề cập đến việc dạy ngữ văn theo hướng phát triển năng lực, TS Đinh Phan Cẩm Vân (ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng phương pháp dạy học gợi mở, dẫn dắt vấn đề và tương tác giữa thầy và trò rất quan trọng. Trong thời đại bùng nổ thông tin, học trò được truy cập kiến thức từ nhiều nguồn đòi hỏi người thầy phải nâng cao trình độ, kiến thức nền và chuyên môn để tương tác, đối thoại với trò hiệu quả hơn. Có như thế giờ học môn Văn mới lan truyền cảm hứng, tạo sự thích thú và giúp học sinh yêu tiếng mẹ đẻ hơn.

Theo TS Đặng Lưu (Trường ĐH Vinh), khái niệm giảng bài môn Văn được thay thế bằng đọc - hiểu đã được thực hiện ở các trường phổ thông nhưng “nửa vời” và chủ trương “học gì thi nấy” đã làm mất đi ý nghĩa của nó. Chính quy định đề thi không được ra ngoài chương trình đã đành, nhưng ngay cả văn bản đọc thêm trong chương trình cũng không được đụng đến thì làm sao khuyến khích cách dạy - học văn theo hướng mở (!?). Hơn nữa, sức ì đang tồn tại là do một bộ phận giáo viên không chịu đổi mới, bám SGK, dạy học theo thói quen và lối mòn, ỷ lại tài liệu có sẵn cũng tiếp tay làm thui chột đam mê học, khám phá môn Văn.

Hiến kế cho việc biên soạn chương trình, SGK môn ngữ văn, hướng tới phát triển năng lực người học, PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nam và giảng viên Võ Huy Bình (ĐH Cần Thơ) đề nghị cần xác định chuẩn của từng cấp lớp, trong đó học sinh phải đạt chuẩn đọc, viết, nghe, nói, kể cả tích hợp 4 kỹ năng này sao cho phù hợp. Theo đó, người học nên biết những gì và có thể làm được gì sau mỗi cấp học.

Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Thành Thi, Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, để dạy môn ngữ văn hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đòi hỏi giải pháp đổi mới mang tính tổng thể, từ chương trình, SGK, phương pháp dạy học, đánh giá. Để phát triển năng lực ngữ văn cho học sinh, cần phát triển đồng bộ các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói, phản biện, khai thác, cập nhật thông tin…

Tuy nhiên, tại hội thảo, một số ý kiến còn băn khoăn, đặt vấn đề như cần xác định lại hệ thống giáo dục cơ cấu như thế nào rồi hãy bàn đến thống nhất chương trình chuẩn, chương trình khung và khâu cuối cùng mới là viết SGK. Để thành công và tránh trục trặc, GS-TS Huỳnh Như Phương (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn ĐHQG TPHCM) kiến nghị nên khẩn trương xác định hệ thống giáo dục trước khi lao vào viết sách, làm chương trình… Rõ ràng, đổi mới giáo dục là cần thiết và nếu xác định mục tiêu, hướng đi không chính xác thì hiệu quả và thành công khó với tới.

Thay mặt Bộ GD-ĐT, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, nhấn mạnh: “Đổi mới chương trình môn Văn, chúng ta phải thay đổi nhận thức, phải tự thay đổi chính mình trước…”.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục