Chạnh lòng thu nhập nghề giáo

Mặc dù đã có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ của UBND TPHCM, nhưng đến nay, bài toán làm sao giáo viên có thể sống đủ bằng lương vẫn là câu hỏi nhức nhối trong xã hội. Các yêu cầu về đổi mới giáo dục đang đặt ra ngày càng bức thiết, thế nhưng những người được giao thực hiện trọng trách đó vẫn mãi loay hoay với “cơm áo gạo tiền”...
Chạnh lòng thu nhập nghề giáo

Mặc dù đã có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ của UBND TPHCM, nhưng đến nay, bài toán làm sao giáo viên có thể sống đủ bằng lương vẫn là câu hỏi nhức nhối trong xã hội. Các yêu cầu về đổi mới giáo dục đang đặt ra ngày càng bức thiết, thế nhưng những người được giao thực hiện trọng trách đó vẫn mãi loay hoay với “cơm áo gạo tiền”...
      
Lương chỉ đủ ăn ngày 3 bữa

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TPHCM, báo cáo của UBND quận 6 về thu nhập giáo viên trên địa bàn đã khiến không ít người lo lắng. Theo đó, ở bậc tiểu học, người có thu nhập/tháng thấp nhất là hơn 2,6 triệu đồng. Thu nhập này đã bao gồm các khoản lương, phụ cấp và tiền hỗ trợ từ đơn vị, tính ra bình quân thu nhập mỗi ngày trên dưới 100.000 đồng. Số tiền này, theo một thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP là “chỉ đủ ăn ngày 3 bữa và đổ xăng đi làm, không đủ mua sắm quần áo cho bản thân chứ đừng nói nuôi thêm con nhỏ”. Cũng theo bảng thống kê của quận 6, giáo viên thâm niên từ 15 - 20 năm công tác có thu nhập chỉ ở mức 5,5 - 9,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, sau gần 20 năm “đưa đò”, thu nhập của giáo viên có khả năng chỉ bằng… lương khởi điểm của một số nghề lao động không đòi hỏi kinh nghiệm, bằng cấp khác, như giao hàng, nhân viên tư vấn sản phẩm… Ngay cả vị trí quản lý, cô Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây (quận 6), cho biết sau gần 20 năm công tác, thu nhập hiện tại của cô chưa đến 10 triệu đồng/tháng.

Thầy và trò Trường THCS Bình Tây (quận 6) trong giờ học môn Toán

Song, chạnh lòng nhất phải kể đến là thu nhập của những người làm công tác hỗ trợ, phục vụ trong trường học như giám thị, thủ thư, văn thư, thủ quỹ, kế toán, bảo vệ và tạp vụ. Theo báo cáo của quận 6, người có thu nhập thấp nhất trong nhóm lao động này là 1.029.250 đồng/tháng, không đủ phục vụ nhu cầu ăn tối thiểu hàng ngày, nên nhiều người phải kiếm sống bằng nhiều nghề khác như bán hàng, giúp việc nhà sau giờ làm việc trong trường. Trường nào tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày thì còn có thêm các khoản thu từ phí quản lý bán trú, học phí học buổi thứ hai để tăng thêm thu nhập cho giáo viên và cán bộ, công nhân viên. Nhưng đối với những trường chỉ tổ chức học một buổi do khó khăn về cơ sở vật chất hoặc trường ở huyện nghèo như Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, thì không có bất kỳ khoản thu nào ngoài học phí nên giáo viên không có thêm tiền hỗ trợ. Cuối năm, trong khi lao động ở các nghề khác có khái niệm thưởng tết thì giáo viên ở những đơn vị này chỉ nhận được cân gạo, thùng mì. Nơi nào khá lắm mới có thêm vài trăm ngàn đồng gọi là thưởng tết, từ số tiền kết dư ít ỏi sau khi tiết kiệm các khoản chi điện, nước. Cô Đặng Thị Hoàng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cần Thạnh 2 (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ), tâm tư: “Nhiều trường hợp, học sinh ra trường rồi mà phụ huynh vẫn nợ học phí. Khoản thu tối thiểu còn không đủ, lấy đâu kêu gọi xã hội hóa hoặc hỗ trợ thu nhập giáo viên”.       

Đã nghèo còn gặp cái eo…

Thu nhập từ nghề giáo đã không đủ sống nhưng mới đây, 117 giáo viên ở ba bậc học mầm non, tiểu học và THCS, trúng tuyển trong đợt tuyển dụng viên chức do UBND quận 1 tổ chức vào tháng 8-2015, đã gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng do làm việc hơn 15 tháng qua nhưng chưa nhận được lương. Lý giải việc này, bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận 1, cho biết nguyên nhân là áp dụng thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học và THCS, ban hành vào tháng 9-2015. Theo đó, giáo viên mầm non và tiểu học mới trúng tuyển chỉ được xếp bậc lương thấp nhất, tương đương trình độ trung cấp sư phạm với hệ số lương khởi điểm là 1,86. Nếu muốn thăng hạng bậc lương, giáo viên ngoài yêu cầu phải có đầy đủ bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định, còn phải có chứng chỉ hoàn thành lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc được công nhận là chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi. Trong khi đó, tất cả giáo viên mới được tuyển dụng không thể có các chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, danh hiệu chiến sĩ thi đua hay giáo viên dạy giỏi, do quy định giáo viên phải có thời gian đứng lớp tối thiểu mới được cấp các chứng chỉ, danh hiệu nói trên. Nghịch lý này đã khiến địa phương lúng túng trong việc xếp hạng bậc lương, khiến giáo viên dù hết thời gian tập sự vẫn phải mòn mỏi chờ lương.

Trường hợp khác, tại quận 6, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết trong đợt tuyển dụng vừa qua vào đầu năm học 2016-2017, nhiều ứng viên trúng tuyển là người đã có thâm niên giáo viên tại các tỉnh, thành khác, nay đầu quân về quận 6. Trong đó, “có trường hợp ứng viên đã có nhiều năm đứng lớp ở nơi khác, giờ về quận 6 nếu buộc họ cũng trải qua thời gian tập sự và xếp lương từ bậc thấp nhất như những người khác thì thiệt thòi cho họ quá. Nhưng nếu xét tuyển đặc cách, địa phương lại lúng túng trong việc xếp bậc lương”, ông Uyên bày tỏ.

Trước đó, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn nhanh chóng giải quyết việc chậm trễ lương đối với 53 giáo viên đã vượt qua kỳ thi tuyển viên chức do địa phương này tổ chức vào tháng 8-2015. Theo đó, do huyện thực hiện tuyển dụng không đúng quy trình nên số giáo viên này mặc dù thi đậu nhưng không được công nhận trúng tuyển viên chức, vì thế không được xếp bậc lương. Nói như chia sẻ của một giáo viên, mơ ước về một ngày những người theo đuổi nghề giáo có thể tự tin sống đủ bằng lương, dành hết tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” mà không vướng bận nỗi lo cơm áo xem ra còn xa lắm…

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục