APEC và Việt Nam

Trên đường phát triển

Trên đường phát triển

Tổ chức APEC VIET NAM 2006 là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây với các hoạt động diễn ra suốt năm tại nhiều thành phố của Việt Nam.

  • APEC thành lập từ bao giờ?

Trên đường phát triển ảnh 1
Logo APEC

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương - APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia đưa ra nhằm phát huy lợi thế của sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nền kinh tế trong khu vực. Thông qua việc tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, kỹ thuật và củng cố ý thức cộng đồng với những chính sách về đầu tư; thương mại tự do và mở cửa, APEC đặt mục tiêu giúp toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng thịnh vượng.

Không giống như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay các tổ chức đa phương khác, APEC không đưa ra trách nhiệm ràng buộc theo hiệp ước đối với các thành viên mà là tổ chức liên chính phủ duy nhất trên thế giới hoạt động trên nguyên tắc đối thoại mở và tôn trọng quan điểm của các thành viên. Các nền kinh tế thành viên trong APEC đều có tiếng nói bình đẳng và quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở đồng thuận.

  • Các nền kinh tế thành viên

Trên đường phát triển ảnh 2
Logo APEC VN 2006

Từ 12 thành viên ban đầu, ngày nay APEC đã mở rộng lên đến 21 nền kinh tế thành viên trải rộng trên 4 châu lục với hơn 2,6 tỷ dân, chiếm 57% GDP thế giới và 46% thương mại toàn cầu, trở thành khu vực kinh tế năng động nhất và là một trong những tổ chức khu vực quan trọng nhất thế giới. Các thành viên APEC được gọi là “các nền kinh tế” bởi vì tiến trình hợp tác của APEC chủ yếu liên quan đến các vấn đề thương mại và kinh tế, trong đó các thành viên liên hệ với nhau như các thực thể kinh tế.

Chỉ trong 10 năm kể từ khi thành lập, khu vực APEC đã tạo ra gần 70% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, rào cản thuế quan trong APEC giảm từ 16,6% năm 1988 xuống còn 6,4% năm 2004; lưu chuyển vốn toàn cầu hai chiều giữa APEC với khu vực bên ngoài tăng gần 8 lần - đạt 1,4 ngàn tỷ USD trong những năm qua; các nền kinh tế có thu nhập thấp trong APEC đã tăng trưởng một cách mạnh mẽ…

  • Các mục tiêu Bogor

Ban đầu, APEC có 3 mục tiêu quan trọng là: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển và củng cố hệ thống thương mại đa phương, tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau và thịnh vượng của các nền kinh tế thành viên. Đến năm 1994, tầm nhìn APEC được xác định rõ hơn khi đưa ra “Các mục tiêu Bogor”, đặt ra hai mốc thời gian để thực hiện tiến trình thương mại mở và tự do trong khu vực là trước năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và trước năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Để thực hiện mục tiêu Bogor, APEC thực hiện Lộ trình chiến lược được biết đến với tên gọi Chương trình hành động Osaka (OAA), đề ra một bộ nguyên tắc chung cho các nền kinh tế thành viên trong tiến trình thực hiện thuận lợi hóa và tự do hóa.

Trên đường phát triển ảnh 3
APEC đã thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật trong khu vực.

Phương thức hoạt động của APEC dựa trên 3 trụ cột chính là tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Tự do hóa thương mại và đầu tư tập trung vào việc mở cửa thị trường, cắt giảm và dần dần dẫn đến loại bỏ hoàn toàn các rào cản thuế và phi thuế đối với thương mại và đầu tư. Thuận lợi hóa kinh doanh tập trung vào giảm chi phí giao dịch và cải thiện việc tiếp cận với các thông tin thương mại, phát huy lợi ích của công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời thống nhất các chiến lược kinh doanh tạo điều kiện cho tăng trưởng. Hợp tác kinh tế và kỹ thuật bao gồm đào tạo các hoạt động hợp tác khác nhằm xây dựng năng lực cho các nền kinh tế thành viên APEC ở cấp độ thể chế và cá nhân, tạo điều kiện để các thành viên tận dụng thương mại toàn cầu và nền kinh tế mới.

  • Những thách thức kinh tế mới

Hàng loạt những biến động thế giới, cùng với các thảm họa thiên nhiên trong những năm qua như các vụ tấn công khủng bố, dịch bệnh SARS, cúm gà, thảm họa sóng thần ở Aán Độ Dương đã đặt ra cho APEC một số nguy cơ đối với kinh tế khu vực.
Một thách thức nữa đối với APEC là đảm bảo sao cho các Thỏa thuận thương mại khu vực (RTA) và Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) phải đóng góp cho thương mại tự do toàn cầu. Mới đây APEC đã thông qua “Các thông lệ tối ưu đối với FTAs và RTAs” nhằm đảm bảo các thỏa thuận là toàn diện, phù hợp với WTO và hướng tới việc thực hiện mục tiêu Bogor.

  • Việt Nam và APEC

Năm 1998 chứng kiến một sự kiện quan trọng trong hội nhập quốc tế của Việt Nam: trở thành thành viên đầy đủ của APEC. Sự kiện này mang lại nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam về chính trị và kinh tế.

Về chính trị: Là một thành viên của APEC, Việt Nam có được tiếng nói mạnh hơn và uy tín hơn trên trường quốc tế.

Trên đường phát triển ảnh 4
Thương mại không ngừng gia tăng giữa các thành viên APEC.

Về kinh tế: Việt Nam được tiếp cận tốt hơn với nhiều nguồn ngân quỹ, công nghệ kỹ thuật hiện đại và kiến thức quản lý thông qua thương mại và đầu tư mạnh hơn với các thành viên APEC, trong đó có các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Canada.

Là một nền kinh tế thành viên đang phát triển, Việt Nam đã có những nỗ lực đóng góp trong nhiều lĩnh vực để thực hiện thành công các mục tiêu APEC như đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ APEC dành cho các doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy đầu tư trong APEC (năm 2003), “Tuần lễ APEC” (Hà Nội , 2003). Năm 2005, Việt Nam là đồng tài trợ cho sáng kiến Nâng cao khả năng APEC trong việc chuẩn bị và đối phó với đại dịch cúm. Việt Nam cũng đã tham gia chương trình Thẻ đi lại kinh doanh APEC (ABTC) năm 2005.

Là nước chủ nhà APEC 2006, Việt Nam đưa ra chương trình hành động với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”. Để thực hiện điều này, Việt Nam đề xuất 4 tiểu chủ đề: tăng cường thương mại và đầu tư thông qua thực hiện lộ trình Busan và thúc đẩy vòng đàm phán phát triển Doha; tăng cường hợp tác kỹ thuật để thu hẹp khoảng cách và phát triển bền vững; thúc đẩy môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi; thúc đẩy gắn kết cộng đồng trong APEC. Nếu như tại cuộc họp năm 1994 đã đề ra “Các mục tiêu Bogor”, thì tại APEC Việt Nam 2006, vấn đề cải cách APEC sẽ là trọng tâm nhằm đưa diễn đàn này tiến triển vững chắc trong tương lai.

(Tổng hợp từ tài liệu của Ban thư ký APEC VN 2006 và mạng tin về APEC) 

Hoài Anh

Tin cùng chuyên mục