Thiên tai sẽ còn xảy ra ở đâu?

Thiên tai sẽ còn xảy ra ở đâu?

Trận động đất ở Yogyakarta gần đây cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người phải đầu tư nhiều hơn nữa vào công tác dự báo cũng như chuẩn bị các biện pháp phòng chống, ứng phó với thiên tai.

  • Vành đai lửa Thái Bình Dương thức giấc

Trận động đất ngày 27-5 là thảm họa thứ ba mà Indonesia phải gánh chịu trong vòng 18 tháng qua sau thảm họa động đất, sóng thần tháng 12-2004 (làm gần 200.000 người chết và mất tích) và vụ động đất ở Nias, bờ biển phía Tây đảo Sumatra (làm gần 1.000 người chết) tháng 3-2005. Tiếp sau thảm họa Yogyakarta, ngày 30-5, lại thêm một trận động đất mạnh 6 độ richter làm rung chuyển tỉnh Papua ở cực Đông Indonesia. Trước đó, ngày 29-5 lại có động đất ở hai nước phía Nam Thái Bình Dương là Tonga và Papua New Guinea.

Thiên tai sẽ còn xảy ra ở đâu? ảnh 1
Vòng cung lửa Thái Bình Dương.

Như vậy là cảnh báo về vành đai lửa Thái Bình Dương (nơi tập trung đến 75% hoạt động núi lửa trên thế giới) ngày càng phải được lưu ý. Tính từ ngày 3-1 đến 23-5-2006, tại khu vực này đã có 33 trận động đất với mức độ từ 6 độ richter trở lên.

Trưởng phòng địa chất thuộc Bộ Năng lượng và khoáng sản Indonesia Priyadi Dwiyanto khẳng định có mối liên hệ giữa trận động đất mạnh đến 9,2 độ richter (đã gây ra những cơn sóng thần khổng lồ quét qua Aceh vào ngày 26-12-2004) với trận động đất 5,9 độ richter tại Yogyakarta vừa rồi. Bởi các đĩa kiến tạo đã chuyển động đều nằm dưới cùng một vành đai.

Ông cho biết thêm vành đai này chạy qua Aceh, bờ biển phía Tây Sumatra, Nam Java, Đông Nusa Tenggara, Timor và đảo Seram. Yogyakarta và phần còn lại của đảo Java còn nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương và vành đai Alpide, nơi hai đĩa kiến tạo hai mảng lục địa Euro - Asia và Indo - Australia chồng lên nhau và thường xuyên va chạm vào nhau.

Đây là nguyên nhân dẫn đến việc núi lửa, động đất đã và sẽ xảy ra hàng loạt tại các quốc gia nằm trên vành đai này. Ngoài ra khu vực Nam Á bao gồm Pakistan, Afghanistan, Iran… cũng sẽ xảy ra động đất do bị “dư chấn” của vụ kiến tạo lục địa này.

  • Bão lụt do biến đổi khí hậu Trái đất

Các chuyên gia thời tiết đã xác nhận hiện tượng thời tiết La Nina đã xuất hiện trở lại và sẽ tác động mạnh mẽ đến thời tiết toàn cầu trong năm 2006. Hiện tượng này xuất hiện trung bình trong khoảng từ 3 tới 5 năm một lần. Lần gần đây nhất là vào năm 2000-2001.

Thiên tai sẽ còn xảy ra ở đâu? ảnh 2
Cứu chữa nạn nhân trong vụ động đất ngày 27-5 vừa qua tại Indonesia.

La Nina năm nay bắt đầu từ tháng 5 và sẽ nguy hiểm hơn do khí quyển Trái đất đang nóng lên với tốc độ nhanh. La Nina năm nay sẽ gây mưa bão mạnh và trái quy luật ở Tây Thái Bình Dương, các vùng biển gần Indonesia, Australia, khu vực Amazon ở Nam Mỹ, trong khi đó lại gây khô hạn nặng ở Nam Thái Bình Dương, miền Đông châu Phi, Nam và Tây - Nam nước Mỹ.

Năm ngoái bão Rita và Katrina đã tàn phá vùng Đông - Nam nước Mỹ. Theo dự báo, các cơn bão tại Đại Tây Dương năm nay cũng sẽ mạnh hơn do La Nina. Hậu quả của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp các nước bị bão lụt. Các cảnh báo khác là do Trái đất đang nóng dần lên, lớp băng ở hai cực tan ra khiến mực nước biển dâng cao. Vấn đề này đặt các nước ven biển trước khả năng phải di dời con người và tài sản để tránh lụt. Ngoài ra đối với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, do lớp băng trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng “nóc nhà thế giới” đang tan nhanh có thể sẽ gây ra lụt lội ở nhiều con sông bắt nguồn từ cao nguyên này, trong đó có sông Mekong.

Ở nước ta, theo số liệu tính toán của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, nhìn chung tình hình thời tiết thủy văn trong mùa mưa, bão, lũ năm 2006 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Bão mạnh, lũ lớn có khả năng xảy ra ở một số vùng. Một số đợt nắng nóng gay gắt có khả năng xảy ra ở Bắc bộ, Trung bộ vào những tháng đầu mùa mưa. Có thể từ 7 đến 8 cơn bão xuất hiện ở biển Đông, trong số đó có 5 – 6 cơn đổ bộ vào đất liền (được tính khi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên). Trong số các cơn bão đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong năm 2006 nhiều khả năng sẽ có 1 - 2 cơn bão có sức gió mạnh trên cấp 11.

  • Công tác dự báo ngày càng được coi trọng

Đứng trước sự bất thường của thời tiết, con người càng cần phải đầu tư vào công tác phòng chống. Nếu như trước kia con người phó mặc cho số phận và hầu như bất lực trước thiên tai thì ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, con người có thể chuẩn bị trước để đối phó với thảm họa. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, nếu biết làm tốt công tác dự báo thiên tai, có thể giảm nhẹ được rất nhiều hậu quả. Điều này không phân biệt nước giàu hay nghèo.

Ví dụ như ở Nhật. Do thường xuyên bị sóng thần đe dọa nên các vùng ven biển ở Nhật đều lắp đặt hệ thống bảo vệ người dân trong trường hợp xảy ra thiên tai: hệ thống loa phóng thanh để báo động cho dân chúng, xây dựng các bức tường bê tông sát bên các khu dân cư dễ bị ngập nước với các cánh cửa kim loại tự động đóng lại trong trường hợp nguy hiểm. Người dân được thông tin đầy đủ các lộ trình sơ tán và các địa điểm tập trung tránh thiên tai.

Ngoài ra, cơ quan dự báo động đất của Nhật liên kết chặt chẽ với các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương nhằm phối hợp các dữ liệu thu được để phòng ngừa sóng thần. Trong khi đó khi gặp cơn bão Katrina, nước Mỹ đã không làm tốt công tác phòng chống nên bị thiệt hại nặng nề.

DÂN TRÍ (Tổng hợp từ AFP, Jakarta Post, ChinaDaily)  

Tin cùng chuyên mục