Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô” hiện nay được nhìn nhận ra sao?

TÔ HOÀNG(Theo Trud .Ru, CHLB Nga số tháng 9-2006)
Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô” hiện nay được nhìn nhận ra sao?

Bước vào mùa thu này, báo chí Nga vừa nhắc tới một ngày kỷ niệm: Cách đây 70 năm, vào năm 1936, lần đầu tiên Nhà nước Xô viết phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho hai người sáng lập ra Nhà hát Hàn lâm Nghệ thuật Moskva (MKHAT) là K.Xtanhilavsky và V.Nhemirovist cùng một số các nghệ sĩ của nhà hát này và Nhà hát Lớn.

Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô” hiện nay được nhìn nhận ra sao? ảnh 1

Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Sergei Bondachuk (trái) gặp gỡ văn hào Mikhail Solokhov (phải).

Báo chí Nga hôm nay kể lại, giới nghệ sĩ tiếp nhận sự kiện này một cách khác nhau. Vào năm 1936 ấy vẫn còn hiện diện những nghệ sĩ bắt đầu con đường nghệ thuật của mình từ trước những năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Như cái nhìn đối với các diễn tiến xảy ra ở xung quanh, lớp nghệ sĩ này đón tin phong danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” một cách thờ ơ, có phần mai mỉa. Nhưng cũng có người nhìn thấy ở việc phong danh hiệu những lợi lộc cho bước đường thăng tiến công danh cùng những đãi ngộ vật chất mà danh hiệu đó mang lại. Cũng có người đánh giá cao việc phong tặng danh hiệu như dấu ấn của sự tin cậy từ phía quan chức lãnh đạo.

Chẳng bao lâu sau đó danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô hầu như trở thành một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa Xô viết. Danh hiệu đó không chỉ là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những đóng góp xuất sắc trên mặt trận văn hóa nghệ thuật mà còn như là sự thừa nhận những công lao ấy của mọi tầng lớp xã hội.

Trong những tiêu chuẩn để xét tặng, người ta nêu ra nhiều điều, nhưng lại tuyệt nhiên không chỉ ra chính xác ai là người có thể nhận danh hiệu đó. Nhưng rồi dần dà cũng hình thành những thang trật cụ thể. Muốn trở thành “Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô” nhất thiết phải là người đã được trao danh hiệu “Nghệ sĩ công huân” rồi “Nghệ sĩ nhân dân” ở các nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết. Thành thử tự nhiên một điều kiện về tuổi tác đã hình thành: Phải ngoài 60 tuổi mới có thể trở thành Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô. Không hề có ngoại lệ!

Mãi cho tới năm 1952 mới có một đặc cách. Đó là việc phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô cho diễn viên (lúc ấy còn chưa trở thành đạo diễn) 32 tuổi Sergei Bondachuk. Natalia Bondachuk – con gái của diễn viên kiêm đạo diễn Xô viết nổi tiếng này kể lại: “Không kể các giải thưởng khác, Giải thưởng Stalin hạng nhất và danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô” cha tôi được trao do ông sắm vai chính trong bộ phim Taras Sevchenko. Stalin rất thích bộ phim này và ông ta gọi cha tôi là “một Nghệ sĩ nhân dân thật sự”.

Những người có mặt khi Stalin thốt ra câu nói đó không rõ vị thống lãnh tối cao của họ tỏ ý khẳng định tài năng và đóng góp của Sergei Bondachuk xứng đáng trao tặng danh hiệu đó, hay đơn giản đấy chỉ là một lời khen bất chợt của Stalin. Có thể vì cả hai điều trên nên ngay sáng hôm sau người ta đã thảo xong quyết định trao tặng danh hiệu ấy cho Sergei Bondachuk... Cũng cần nói điều này, vào năm 1951, bộ phim Taras Sevchenko đứng đầu danh sách các bộ phim đạt kỷ lục người xem – hơn 18 triệu người!

Phải công bằng mà thừa nhận: phần lớn các nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô đều là những nhân vật xuất chúng, đạt những đỉnh cao thực sự trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật thuộc toàn lãnh thổ Liên Xô, chứ không thuần túy là những ai làm tốt công tác tuyên truyền tư tưởng. Cũng lại cần nêu ra đây thêm ví dụ này: một số các nghệ sĩ được tặng danh hiệu cao nhất ấy chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô (ví như đạo diễn sân khấu Tovstonogov, nữ diễn viên điện ảnh kỳ cựu Ranhevskaia, nghệ sĩ sân khấu hài Raikin…).

Tính từ mùa thu năm 1936 ấy cho đến hết năm 1991 đã có cả ngàn người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô. Vào năm 1965 Leonid Utesov là nghệ sĩ nhạc nhẹ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô. Những nghệ sĩ cuối cùng được phong tặng danh hiệu này là nữ ca sĩ Alla Pugachova và nam diễn viên điện ảnh Oleg Iankovsky. Đây là hai sắc luật phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô cuối cùng do Mikhail Gorbachov ký khi ông còn trên cương vị Tổng thống Liên bang Xô viết.

Khi Liên bang Xô viết không còn tồn tại, giữa các nghệ sĩ xuất chúng dù muốn hay không bỗng nảy sinh câu hỏi: Liệu trên các tờ áp phích còn nên đề danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô” đã được phong tặng khi mà chính đất nước Liên Xô không còn tồn tại? Những ý kiến có tính chất phủ nhận nêu lý do, chả một nước văn minh nào trên thế giới có kiểu phong tặng danh hiệu nghệ sĩ như thế cả! Nào có ai thấy một nghệ sĩ nhân dân nào ở bên Mỹ đâu?

Nhưng dẫu sao ý kiến của số đông các nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu này và của khán thính giả vẫn là hãy giữ nguyên và hãy kính trọng danh hiệu ấy như trước đây. Những nghệ sĩ đã được phong tặng vẫn tự hào với danh hiệu ấy, còn khán thính giả vẫn coi dòng chữ “Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô” gắn theo tên tuổi ai trên các tờ áp phích như dấu hiệu xác nhận trình độ nghề nghiệp cao và phẩm giá con người của nghệ sĩ ấy.

…Ba bốn năm trước trong buổi lễ trao giải thưởng truyền hình mang tên TEFI không chỉ có sự hiện diện của những con người nổi tiếng nhất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mà còn có cả những kẻ vô sỉ, bỗng xảy ra trường hợp như sau: Trước khi Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Vladimir Etus bước lên sân khấu, anh chàng giới thiệu chương trình bỗng cao giọng đĩnh đạc: “Xin giới thiệu Nghệ sĩ nhân dân Nga Vladimir Etus!”.

Nghe vậy nghệ sĩ Vladimir Etus mặt xanh đi. Sau một vài giây lặng im , ông nói với giọng xúc động: “Sao đây? Tôi phấn đấu và làm việc cật lực gần suốt cả cuộc đời để được trao danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô”. Bây giờ tôi đành quay gót để trở thành Nghệ sĩ nhân dân của nước Nga à? Tôi tự hào với danh hiệu đã được vinh thăng. Chả lẽ tôi buộc phải quên nó đi sao?”. Anh chàng dẫn chương trình bối rối, vội phải cải chính: “Xin giới thiệu Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Vladimir Etus!”. Và nghệ sĩ Vladimir Etus tiếp tục bước tới micro giữa những tràng vỗ tay kéo dài như không chịu dứt...

TÔ HOÀNG
(Theo Trud .Ru, CHLB Nga số tháng 9-2006)

 

Tin cùng chuyên mục