Kobe vượt lên từ thảm họa

Từ đống tro tàn
Kobe vượt lên từ thảm họa

Đất nước Nhật Bản với địa hình phần lớn là núi, tài nguyên thiên nhiên lại không nhiều và luôn đối phó với các trận động đất. Thế nhưng với trí tuệ của mình, người dân Nhật Bản cho thấy họ có thể biến nhiều cái không thể thành có thể. Đoàn đại biểu chính quyền TPHCM trong chuyến thăm thành phố Kobe tháng 10 vừa qua đã chứng kiến tận mắt những điều kỳ diệu của thành phố này từ sau trận động đất năm 1995 làm hơn 6.400 người thiệt mạng.

Từ đống tro tàn

Kobe vượt lên từ thảm họa ảnh 1

Đến thành phố Kobe, thủ phủ tỉnh Hyogo, không ai có thể bỏ qua Viện Đổi mới con người và Giảm thiểu thiên tai (DRI) nằm ngay trung tâm thành phố. Tòa nhà khánh thành vào tháng 4-2002. Ấn tượng nhất đối với du khách khi bắt đầu tour tham quan tòa nhà này là một màn hình cực lớn với âm thanh trung thực trình chiếu bộ phim ghi lại khoảnh khắc xảy ra trận động đất mạnh 7,3 độ richter vào lúc 5 giờ 46 phút ngày 17-1-1995. Xuyên suốt bộ phim là câu chuyện của một phụ nữ lúc đó còn ở tuổi thiếu niên.

Chấn động chính chỉ kéo dài 10 giây và mạnh nhất ở 3 giây đầu tiên nhưng sức tàn phá của nó thật khủng khiếp. Nhà cửa rung lên bần bật rồi đổ nhào, xe chạy trên những chiếc cầu bị hất xuống dưới do cầu gãy. Sau đó là những đám cháy bắt đầu bốc lên. Hầu hết hệ thống đường bộ, đường sắt cảng cũng như hệ thống điện, nước và khí đốt bị hư hại nặng. Thiệt hại ước tính lên đến 10 ngàn tỷ yen (87 tỷ USD thời giá năm 1995). Hơn 6.400 người chết, 320.000 người mất nhà cửa phải tìm đến trú ẩn tại các trường học và công viên. Những người này sống trong các điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thực phẩm và nước uống. Bệnh viện thì tràn ngập hơn 43.000 người chấn thương. Tuy nhiên, với ý chí và tinh thần vượt khó mãnh liệt của người dân Nhật Bản, chỉ trong vòng 6 ngày sau trận động đất, mạng lưới điện được phục hồi, hệ thống khí đốt và nước cũng trở lại bình thường trong vòng 3 tháng. Hệ thống đường bộ, đường sắt được khôi phục trong vòng 1 năm. Cảng Kobe (một trong các cảng biển lớn nhất của Nhật Bản) được phục hồi hoàn toàn vào tháng 3-1997. Đống bê tông đổ nát từ nhà ở và các công trình khác đổ sập lên đến 14,3 triệu tấn. Việc dọn sạch đống đổ nát này cũng phải mất 3 năm 2 tháng. Đến tháng 1- 2000, tất cả những người sống trong 48.300 nhà tạm đã được chuyển đến nơi định cư mới.  

DRI  là nơi thu thập, lưu giữ và trưng bày những tài liệu cùng nhiều dữ liệu liên quan đến trận động đất tại Kobe nhằm thông tin bằng hình ảnh đối với nhân loại về tầm quan trọng của cuộc sống con người trên thế giới. Nơi đây còn là trung tâm đào tạo các chuyên gia cũng như đào tạo nguồn nhân lực với kỹ năng và kiến thức sẵn sàng hoạt động trong điều kiện có thiên tai lớn. Trong nhiều năm qua, DRI đã rút ra nhiều bài học từ vụ động đất ở Kobe để truyền đạt cho tất cả các tỉnh thành của Nhật Bản và các nước cũng như lãnh thổ bị thiên tai như Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Sumatra (Indonesia)… Đặc biệt, trong trận sóng thần năm 2004 tại châu Á, DRI đã đưa nhiều nhóm chuyên gia, tình nguyện viên và tổ chức phi chính phủ giúp khắc phục nhanh hậu quả.

Tinh thần sẵn sàng trước thiên tai

Kobe vượt lên từ thảm họa ảnh 2

Một con đường cao tốc tại Kobe bị sụp đổ nhưng được dựng lại mới hoàn toàn chỉ chưa đầy 2 năm.

Bài học lớn nhất mà Kobe học được trong trận động đất lịch sử năm 1995 là vấn đề thiết kế các công trình xây dựng có thể chịu đựng nhiều trận động đất mạnh. Một hệ thống mang tên “Trợ giúp vững bền nơi cư ngụ” nhằm mở ra hướng mới cho việc xây dựng an toàn các công trình. Tại gian trưng bày các thiết kế công trình chống động đất, tất cả du khách đều không có quyền chụp ảnh. Hai thiết kế đáng lưu ý nhất là thiết kế móng các tòa nhà cao tầng đặt trên các viên bi sắt, các viên bi này nằm trên một mâm trượt. Khi động đất xảy ra, mặt đất chỉ tương tác với các viên bi nên tòa nhà vẫn đứng yên.

Loại thứ hai là móng ăn rất sâu xuống nền đất. Tất cả các tòa nhà cao tầng ở nhiều thành phố của Nhật Bản và đặc biệt là ở Kobe đều được thiết kế theo các kỹ thuật chống động đất này. Tất cả dân cư đều được sống trong các chung cư thiết kế chịu các trận động đất lớn. Trong kế hoạch tái thiết khẩn cấp 3 năm trên 3 lĩnh vực nhà ở, cơ sở hạ tầng và công nghiệp, đến cuối tháng 3-1998, người ta đã xây dựng 169.000 nhà ở (đạt 135% so với kế hoạch), 5.870 công trình xây dựng lớn (đường sá, tòa nhà…), đạt 103% so với kế hoạch.

Ý thức được hậu quả khủng khiếp của thiên tai, tỉnh Hyogo đã thành lập 2 trung tâm nghiên cứu, một chuyên nghiên cứu về động đất và một chuyên nghiên cứu về vấn đề khí hậu toàn cầu nóng lên. Thành phố Kobe trở thành trung tâm đào tạo giảm thiểu thiên tai.

Tại thành phố Kobe, mỗi hộ dân đều được trang bị một túi đựng nhiều vật dụng thiết yếu như thuốc men, đèn pin, nước uống, thực phẩm… đề phòng khả năng xảy ra động đất. Đây sẽ là vật cứu sinh trong trường hợp nhà cửa đổ nát, cúp điện, cúp nước sau khi xảy ra động đất.

Theo tỉnh trưởng tỉnh Hyogo, ông Toshizo Ido, ngày nay hiểm họa thiên tai ngày càng lớn ở Nhật Bản và trên thế giới. Dự báo sẽ có thêm nhiều trận động đất lớn ở Nhật Bản trong tương lai không xa. Hyogo có nhiệm vụ dùng những kinh nghiệm và bài học của mình từ sau trận động đất tại Kobe để giúp các thành phố trên toàn thế giới tinh thần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với thiên tai, xây dựng cộng đồng đầy trách nhiệm và bản lĩnh đối phó với thiên tai. Tất cả điều đó sẽ giúp Nhật Bản và thế giới thiết lập một xã hội an toàn và an ninh hơn.

Huy Quốc

Tin cùng chuyên mục