Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-2007)

Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Tôi tự hào là con của ba tôi

LTS- Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, phóng viên Báo SGGP đã gặp và trò chuyện với Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Được sự đồng ý của ông, chúng tôi đã ghi lại những kỷ niệm sâu sắc của ông về người cha kính yêu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. “Ba tôi đâu?”
Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Tôi tự hào là con của ba tôi

LTS- Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, phóng viên Báo SGGP đã gặp và trò chuyện với Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Được sự đồng ý của ông, chúng tôi đã ghi lại những kỷ niệm sâu sắc của ông về người cha kính yêu. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

“Ba tôi đâu?”

Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: Tôi tự hào là con của ba tôi ảnh 1

Vợ chồng Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tôi ra đời vào một ngày giữa tháng 6 năm 1929. Sau này nghe mẹ tôi kể lại, ba tôi rất mong chờ đứa con đầu lòng. Ngay cả khi tôi chưa chào đời, ông vẫn luôn nói tôi sẽ là con trai và cái tên Lê Hãn (tên dòng sông Thạch Hãn quê tôi) cũng là ông đặt với cả một tình yêu thương dào dạt. Ấy thế mà, suốt một quãng tuổi thơ, tôi cứ mãi băn khoăn với câu hỏi: Vì sao mình không có ba? Chẳng là lúc tôi 2 tuổi và mẹ tôi vừa sinh thêm một em gái (đặt tên là Lê Thị Cừ) thì cha tôi bị Pháp bắt. Chúng tuyên án cha tôi 20 năm tù và đày ra Côn Đảo. Từ Hà Nội, mẹ tôi bồng bế 2 con về ở cùng ông nội tôi ở làng Hầu Kiên (Triệu Phong, Quảng Trị). Tôi lớn lên cùng lũ trẻ trong làng, bỗng một ngày (lúc ấy tôi khoảng hơn 5 tuổi), khi chúng tôi đang chơi trò đuổi bắt, một đứa trẻ bị gọi về nhà. Chị nó nói thòng một câu “Về ngay không có ba ra thì mi chết!”. Câu nói làm tôi giật mình: Vậy thì ba tôi đâu? Sao trong nhà, tôi chỉ thấy ông nội và mẹ? Suốt những ngày sau đó tôi cứ bần thần với câu hỏi ấy. Nhiều lần tôi muốn hỏi ông nội nhưng lại không dám. Mãi đến một hôm, tình cờ tôi nghe được câu chuyện của những người lớn trong làng: “Cha thằng Hãn hoạt động cách mạng nên bị bắt không biết chừng mô về”. Tôi lập tức hỏi ngay: “Làm cách mạng là gì?” và được một bác trả lời “ là đánh Tây, mang lại sung sướng cho mọi người trong làng”. À, như vậy làm cách mạng là tốt, ba tôi đang bị Pháp bắt vì làm việc tốt.

Tuy lúc ấy còn rất nhỏ nhưng tôi đã cảm thấy mình thật kiêu hãnh với những ý nghĩ về cha. Tôi đòi mẹ kể chuyện về cha và hình dung ra cha qua những câu chuyện của bà. Có một chiều hè, hai anh em tôi thật hạnh phúc khi được mẹ đưa sang làng Bích La Đông thăm ông ngoại. Từ làng Hầu Kiên (nơi mẹ con tôi đang sống cùng ông nội) sang Bích La Đông khoảng 3-4 cây số. Trên đường đi, tôi được nghe mẹ kể thật nhiều về cha.

Ba mẹ tôi là người cùng làng Bích La Đông. Mẹ tôi là người đảm đang và hiền hậu, ông bà ngoại lại giàu có nhất làng nên mẹ có nhiều người ngấp nghé. Khi ông nội tôi đến xin cưới mẹ tôi cho ba tôi thì hai người chưa biết nhau. “Vì sao chưa biết tôi mà lại đồng ý làm vợ tôi?”- Sau này lúc nghe ba hỏi như vậy, mẹ cười thật hiền: “Chưa quen chứ không phải chưa biết. Tôi biết ông thông minh và học giỏi nhất tỉnh này. Và tôi cũng biết ông là người có chí lớn…”. Cứ thế, trên con đường mòn nhỏ, chúng tôi vừa đi vừa nghe mẹ kể, chẳng mấy chốc đã sang đến nhà ông ngoại. Ấn tượng nhất với tôi về nhà ông ngoại là một màu vàng sáng chói. Nhắm mắt lại, tôi cũng thấy ngôi nhà tuyệt đẹp thế nào. Nhà làm toàn bằng lõi gỗ mít, chiếc sân rộng lúc nào cũng có 4-5 đống rơm vàng thật to. Dãy nhà ngang luôn đầy ắp những cót thóc. Tôi nhớ mình đã cảm thấy vui sướng vô cùng khi mỗi lần được sang bên nhà ông. Nhiều người hỏi thăm mẹ về tin tức của cha và khen tôi “thằng Hãn giống cha quá!”. Nghe vậy, tôi thấy hãnh diện vô cùng. Và cũng từ ngày ấy, ước mơ có ngày được gặp cha, được thổ lộ với cha nỗi khao khát và tự hào về cha cứ da diết ám ảnh tâm hồn thơ trẻ của tôi.

“Con đã đi học chưa?”

Thế rồi một buổi chiều năm 1936, có một lính khố xanh dẫn một người đàn ông đội mũ vào nhà tôi. Ông nội tôi reo lên, còn mẹ tôi thì cứ đứng lặng vì nỗi vui mừng quá lớn. Chỉ một ít phút sau, cái tin “cha thằng Hãn về” đã lan khắp làng, nhà tôi đông nghịt người đến hỏi thăm. Khi tôi đứng ở một góc sân không dám chạy ra thì ông nhìn thấy tôi. Ông bước tới, xoa đầu và ôm lấy vai tôi. Đấy là lần đầu tiên tôi biết về cha mình. Hơn 70 năm rồi mà tôi vẫn nhớ cái cảm giác lúc ấy. Tôi cảm thấy vừa ngượng ngập, vừa tự hào. Ngượng ngập vì chưa bao giờ được gần ông như thế. Tự hào vì con người cao lớn có nước da đen và đôi mắt rất sáng với cái nhìn thật dịu dàng đôn hậu này chính là cha tôi. Cảm giác ấy cứ choán lấy tâm hồn tôi. “Con đã đi học chưa? Có biết đọc không?” - ông trìu mến hỏi và khi biết tôi đã được đi học ở làng, ông cười thật ấm áp: “Giỏi đấy!”.

Sau đó là những ngày thật vui vẻ. Mẹ tôi tất bật lo cơm nước bồi dưỡng cho ba tôi. Ông nội thì bận khách suốt ngày. Rất nhiều người trong làng ngày nào cũng đến nghe ba tôi nói chuyện. Tôi còn bé nhưng cũng cảm nhận cha mình là người thật đặc biệt, rất có uy tín với mọi người. Niềm vui càng lớn khi sau đó mẹ tôi lại có mang em bé (tức bà Lê Tuyết Hồng-PV). Khi ba tôi ở nhà, có nhiều cô chú, trong đó có cô Ái (tức Hoàng Thị Ái, nguyên Trưởng Tiểu ban Phụ vận TƯ-PV) thường đến bàn bạc trao đổi gì đó với Người.

Rồi ba tôi ra Huế (mà sau này tôi được biết là lúc đó Người đã là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ). Mẹ tôi và các con vẫn ở Quảng Trị với ông nội tôi. Thỉnh thoảng, tôi thấy ba tôi về thăm nhà nhưng thường là vào ban đêm. Tôi còn nhớ một đêm, không hiểu vì lẽ gì tôi thức giấc và nhìn ra ngoài thấy ba tôi về. Biết tôi còn thức, ba tôi lại gần nhắc tôi đi ngủ. Người cầm hai bàn tay bé nhỏ của tôi và bảo: “Con ở nhà cố gắng học, nghe lời ông nội và mạ”. Tim tôi thắt lại vì những cảm xúc ngọt ngào và lo lắng khi nhìn bóng cha đi nhanh ra ngõ. Bao nhiêu năm rồi mà những lời nói giản dị, thân thiết ấy như vẫn bên tai tôi.

Năm 1940, mẹ tôi sinh thêm em gái Lê Thị Muội. Rồi ba tôi lại bị bắt và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Những ngày sau đó, ông nội và mẹ tôi không biết gì về tin tức của ba tôi nên rất lo. Tôi thấy ông cứ đi ra đi vào đầy vẻ bồn chồn. Mẹï tôi nghe người ta nói nên đi xem quẻ ở chùa bèn về nói với ông nội. Ông ngồi trầm ngâm rồi đứng dậy bảo tôi thay quần áo đi cùng ông. Tôi vẫn nhớ, người xem quẻ cho ông nội tên là Phẩm, có tiếng là xem hay ở trong vùng. Ông Phẩm bảo rằng, cha tôi đang gặp nạn nhưng không sao. Tôi cảm thấy dường như trên mặt ông nội giãn bớt những nỗi lo. Với suy nghĩ rất trẻ con rằng, xem quẻ là tốt, những ngày sau đó tôi cứ thầm mong ông lại cho tôi lên chùa xem quẻ để biết tin tức về cha. Thế rồi suốt từ đó cho đến Cách mạng Tháng Tám tôi không gặp lại ba tôi.
 

(Còn tiếp)

HỒNG QUÂN-TRẦN TOÀN ghi

Tin cùng chuyên mục