10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á

Tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa vào sức mạnh nội tại

Tác động dây chuyền
Tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa vào sức mạnh nội tại

10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nhiều nền kinh tế khu vực đang trên đà tăng trưởng mạnh trở lại. Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế châu Á đã hoàn toàn hồi phục hay chưa và liệu có khả năng xảy ra tiếp một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai?

Tác động dây chuyền

Tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa vào sức mạnh nội tại ảnh 1

Kinh tế các nước châu Á sau khủng hoảng năm 1997 đã phục hồi. Trong ảnh: Một góc thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Vào tháng 7-1997, cơn khủng hoảng tài chính châu Á chính thức bắt đầu với việc nguồn dự trữ ngoại tệ của Thái Lan cạn kiệt, buộc chính phủ nước này thả nổi đồng baht vốn đang rớt giá thê thảm.

Như một tác động dây chuyền, các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các nước có tình trạng tương tự, như Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc. Nền kinh tế Hồng Công, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa bao giờ người ta thấy dòng vốn nước ngoài chạy nhanh và mạnh ra khỏi châu Á gây sụp đổ thị trường tài chính và các nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khác với nhiều cuộc khủng hoảng trước đó. Tại Mỹ Latinh, nơi khủng hoảng xảy đến với hầu hết các thị trường mới nổi. Tại châu Á, nơi có tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm trong suốt 3 thập niên, tỷ lệ lạm phát thấp, cán cân ngân sách cân bằng. Chính vì vậy cuộc khủng hoảng tài chính gây cú sốc quá mạnh không ai có thể lường trước.

Tuy nhiên có thể nhận ra điểm yếu mà cho tới nay vẫn còn hiện diện ở các nền kinh tế châu Á: một sự kết hợp của các hệ thống tài chính yếu, sự mở cửa vội vàng nền kinh tế cho dòng vốn nước ngoài vào và một chính sách gắn chặt đồng tiền nội địa với đồng dollar (USD Mỹ).

Theo như trông đợi, các đồng tiền vẫn ổn định trong các tài khoản ngân hàng và nhiều công ty sở tại vay vốn bằng đồng USD để hưởng lãi suất thấp hơn so với đồng tiền nội địa. Khi dòng vốn từ ngoài chảy vào, các khoản vay này càng tăng. Tuy nhiên khi giá trị đồng USD tăng cao so với các đồng tiền châu Á đã gây ra cơn thâm hụt mạnh trong các tài khoản ngân hàng. Năm 1996, thâm hụt chiếm 8% GDP Thái Lan. Khi đó, các nhà đầu tư nhận thấy bất ổn nên rút vốn khiến cho kho dự trữ ngoại tệ cạn sạch.

Một khi đồng tiền Thái Lan và nhiều đồng tiền châu Á khác bị mất giá, cuộc khủng hoảng vượt ra khỏi phạm vi tiền tệ. Đồng tiền mất giá đẩy các khoản nợ nước ngoài tăng vọt nếu quy đổi sang đồng nội địa, đưa tới hàng loạt vụ phá sản.

Trong cơn khủng hoảng, Thái Lan khuyến khích người dân đóng góp nữ trang bằng vàng để cứu vớt kho dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương. Đồng rupiah của Indonesia mất giá 86% so với đồng USD. Đồng tiền của các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines mất giá từ 40% - 60%, các thị trường chứng khoán thua lỗ ít nhất 75% theo giá trị của USD.

Năm 1998, GDP bình quân đầu người của Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan giảm 11%. Hàng chục triệu người thất nghiệp. Thái Lan và Indonesia là hai nước bị ảnh hưởng nặng nhất với GDP suốt thời kỳ 1998 - 2002 sụt giảm trung bình 35% (so với tốc độ trước khủng hoảng)

Liệu lịch sử có lập lại?

10 năm sau cuộc khủng hoảng, thị trường tài chính châu Á nở rộ trở lại. Nhìn lại 5 nước bị ảnh hưởng mạnh nhất trong cuộc khủng hoảng gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Philippines, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận thấy thu nhập đầu người phục hồi ít nhất là bằng với mức trước khủng hoảng năm 1997.

Cán cân thương mại, dự trữ ngoại tệ, cung cách điều hành, độ sâu của thị trường chứng khoán và chất lượng của các quy định cấp chính phủ tất cả đều cao hơn trước đây. Theo các nhà kinh tế, nhờ các biện pháp cải tổ và tái cấu trúc nền kinh tế, những nền kinh tế bị khủng hoảng giờ đây đang trở nên năng động và mạnh mẽ hơn.

Có nhiều lý do để tin rằng châu Á sẽ khó xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự. Điều dễ thấy là tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả 5 nước từ năm 2000 - 2006 trung bình đạt 2,5%, kém xa so với mức 5% giai đoạn 1990 - 1996. Tăng trưởng quá nóng thì khả năng hình thành nền kinh tế bong bóng càng tăng.

Một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của 5 nước trên chưa lấy lại mức vốn có là do vốn đầu tư vào các nước này vẫn chưa phục hồi do vẫn còn tâm lý e ngại. Chi tiêu dùng vốn tại các nước này chỉ chiếm 24% GDP năm 2006 so với 35% trong năm 1995. Cơ sở hạ tầng tại nhiều nước vẫn chưa được cải thiện càng khiến cho việc thu hút đầu tư thêm khó khăn.

Tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa vào sức mạnh nội tại ảnh 2

Sirivat Voravetvuthikun (ảnh) từng vay 8 triệu USD năm 1995 để xây hai tòa tháp tại ngoại ô Bangkok. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ập tới, ông bị phá sản phải đi bán bánh mì dạo. Năm 1999 ông này từng tuyên bố sẽ đưa công ty cũ của mình trở lại thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đến nay ông chỉ mở thêm 2 quán cà phê, 2 ki-ốt và thu nạp thêm 30 người bán dạo. Ông Sirivat cho biết rất ngại vay vốn làm ăn lớn như trước vì sợ sẽ gặp tiếp thất bại tương tự.

Ngoài ra, bất ổn tại các nước Thái Lan (vụ đảo chính và các vụ bạo động ở miền Nam), Philippines và Indonesia với nhiều nguy cơ khủng bố đã khiến các nhà đầu tư lo ngại. Đặc biệt, người Thái Lan vẫn còn tâm lý lo ngại tốc độ tăng trưởng hai con số giữa những năm 1990 là tăng trưởng không bền vững.

Chính vì vậy, 5 nước trên đứng sau 3 ngôi sao châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9% - 11% là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Để hạn chế tình trạng các nhà đầu tư rút vốn ồ ạt, nhiều nước đã đưa ra chính sách hạn chế các nhà đầu tư ồ ạt mua cổ phiếu, trái phiếu và có nhiều quy định hạn chế mức vốn được rút.

Malaysia đã thành công ít nhiều trong chính sách hạn chế rút vốn bằng đồng USD ra khỏi nước này. Thái Lan gần đây cũng đã có nhiều quy định hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản - vốn dễ làm chảy máu ngoại tệ.

Điều đáng chú ý là hầu hết các nước châu Á hiện nay có lượng dự trữ ngoại tệ cao hơn các khoản vay ngắn hạn. Hàn Quốc là một ví dụ, năm 1997, dự trữ ngoại tệ nước này chỉ bằng 1/3 so với các khoản nợ ngắn hạn, ngày nay, lượng dự trữ ngoại tệ gấp đôi hoặc gấp 3 các khoản vay ngắn hạn. Do đó họ có thể khống chế tình trạng rút vốn ồ ạt - nguyên nhân chính gây khủng hoảng tài chính.

Một điểm cần chú ý là các nước châu Á hiện nay đã quá trông chờ vào người tiêu dùng ở Mỹ thông qua sản lượng xuất khẩu, điều này cũng dễ bị tác động dây chuyền một khi nền kinh tế Mỹ “hắt hơi”.

Theo ông Timothy Geithner, Chủ tịch Quỹ dự trữ Ngân hàng New York, thì: “Châu Á cần chuẩn bị cho một tương lai, trong đó họ phải dựa vào sức mạnh của tăng trưởng kinh tế tại chỗ hơn là trông chờ vào tốc độ tăng trưởng của phần còn lại trên thế giới”.

Vũ Minh
(Theo IHT, The Economist)

Tin cùng chuyên mục