Cuba, tuy xa mà gần

Nghĩa tình Cuba
Cuba, tuy xa mà gần

Sau 23 giờ bay, không kể hai chặng quá cảnh, chúng tôi đến La Habana (Havana), thủ đô của Cộng hòa Cuba, đất nước “huyền thoại” cách Việt Nam nửa vòng trái đất, một đất nước mà theo lời tâm sự của anh Lê Chí Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TPHCM, với bạn bè Cuba: “Dù lần đầu tiên đến Cuba, nhưng tôi rất gần gũi và quen thuộc với Cuba, bởi trong tâm hồn và trái tim tôi bấy lâu nay luôn có Cuba”.

Nhìn trên bản đồ, Cuba như một dải lụa vắt ngang biển Caribê, với diện tích 114.524km², trong đó lớn nhất là đảo Cuba,  diện tích 110.922km² và được điểm xuyết bằng 1.600 đảo lớn nhỏ khác. Với diện tích đó, mà phần lớn là đồng bằng, với 11,5 triệu dân, so với Việt Nam, Cuba quả là “đất rộng, người thưa”.

Nghĩa tình Cuba

Cuba, tuy xa mà gần ảnh 1

Em học sinh đóng vai Nguyễn Văn Trỗi đang phát biểu cảm tưởng, bày tỏ sự kính phục đối với gương hy sinh của anh Trỗi. Ảnh: H.L.

Trong chuyến đi ngắn ngủi 10 ngày sang đất nước Cuba, hè 2007, bất cứ một người Cuba nào mà tôi gặp, dù là bất chợt, tình cờ trên đường phố, trong quán ăn… dù là viên chức hay cán bộ hưu trí, dân thường… đều lộ vẻ mừng rỡ, thân mật trên khuôn mặt, trong ánh mắt, khi biết tôi là người Việt Nam.

Đối với họ, Việt Nam có một vị trí đặc biệt, là người anh em thân thiết, tuy xa mà gần. Ở Cuba, có nhiều cơ sở, trường học, bệnh viện, khu phố… mang tên những chiến sĩ, những anh hùng, liệt sĩ của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Đến thăm trường Nguyễn Văn Trỗi Cerro, chúng tôi vô cùng xúc động trước sự chào đón vô cùng trọng thị mà cũng rất gần gũi, thân thiết. Bước vào sân trường, chúng tôi được chứng kiến một hoạt cảnh của các em học sinh tái hiện lúc liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn, với hình ảnh hào hùng của anh trước khi ngã xuống đã đưa tay giật khăn bịt mắt, hiên ngang thách thức quân thù.

Trên ban công hai tầng lầu của trường, các giáo viên và học sinh đứng chật cứng vẫy cờ, hoa chào mừng đoàn Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ ngắn sau đó, các thầy cô giáo cho biết gần như tất cả học sinh của trường đều biết vì sao trường mình mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Đây chính là một chủ đề trong các cuộc thi của trường. Nhân dịp này, trường đã chuyển cho đoàn những bức thư của các em học sinh gửi cho các bạn học sinh Việt Nam.

Chúng tôi cũng đã đến thăm Bệnh viện đa khoa Nguyễn Văn Trỗi, CentroHabana. Bác sĩ Jorge, Giám đốc bệnh viện, cho biết, nơi này được thành lập năm 1965 nhằm tưởng nhớ gương hy sinh của Nguyễn Văn Trỗi và để ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam. Đây chỉ là một bệnh viện của khu vực, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho 28.500 dân, trong đó có 22% là người già. Tuy đối tượng phục vụ chỉ bằng dân số một phường của TPHCM, nhưng bệnh viện có đến 28 trạm y tế, mỗi trạm đều có bác sĩ phụ trách và có đến 568 bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ. Điều đó cho thấy mạng lưới y tế của Cuba được trải rộng như thế nào.

Một điều đặc biệt thú vị với chúng tôi trong những ngày ở Cuba là cuộc gặp gỡ Ủy ban Bảo vệ cách mạng phường Hồ Chí Minh, quận Playa, La Habana. Khi chúng tôi đến, bà con đã tụ họp đông đủ trước hàng hiên của một gia đình. Lúc đó là 20 giờ, nhiệt độ ở La Habana vào mùa hè vẫn còn nóng bức tương tự TPHCM. Thế nhưng, cuộc trò chuyện kéo dài không dứt. Rất nhiều điều được ôn lại như giữa những bà con ruột thịt lâu ngày gặp nhau, cả chuyện quốc gia đại sự, bảo vệ tổ quốc, lẫn chuyện đời sống, ăn ở hàng ngày.

Nhiều người nhắc đến câu nói của Chủ tịch Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Điều bất ngờ, không thể hình dung nổi đối với chúng tôi là ở một đất nước cách Việt Nam nửa vòng trái đất, trong một khu phố nhỏ, yên tĩnh, lại có những người dân bình thường hiểu rõ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với tấm lòng ngưỡng mộ chân thành, không những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ thời hiện đại mà còn cả cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lừng lẫy của dân tộc ta vào nửa cuối thế kỷ XIII.

Tại cuộc gặp, một gợi ý đưa ra được mọi người tán thành:Tổ chức những cuộc giao lưu, thăm viếng giữa đôi bên. Khu phố này hiện có 41 gia đình. Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TPHCM sẽ là đầu mối tổ chức những đoàn sang Cuba ăn ở tại các gia đình này và ngược lại đưa các gia đình này sang thăm Việt Nam cũng ăn, ở tại nhà dân. Đây là hình thức tham quan, du lịch vừa ít tốn kém vừa thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Đầy ắp tinh thần quốc tế

Trước mắt chúng tôi là hàng loạt dãy nhà 3 tầng hiện ra, người phiên dịch bảo: Sắp đến Trường Y Latinoamerica. Như tên gọi, đây là trường đào tạo ngành y dành riêng cho sinh viên các nước châu Mỹ Latinh. Ngôi trường nằm ở vị trí tuyệt đẹp, giữa khuôn viên rộng mênh mông 120ha, cạnh bãi biển. Nơi đây thường xuyên có 3.000-3.500 sinh viên theo học, có năm lên đến 4.000 người và mỗi năm cho ra trường 1.500-2.000 người. Sinh viên không những được ăn, ở, học hành miễn phí 100% mà còn được cấp học bổng, sinh hoạt phí. Tất cả đều do Nhà nước Cuba đài thọ.

Điều thuận lợi là phần lớn các nước châu Mỹ Latinh đều có nếp sống văn hóa tương đồng và nhất là hầu hết đều nói tiếng Tây Ban Nha như Cuba. Điều đặc biệt là nơi này cũng có nhiều sinh viên Mỹ theo học. Niên khóa 2006-2007 có 91 người, đa số thuộc tầng lớp dân nghèo tại Mỹ và người da màu.

Nhìn quy mô của ngôi trường, chúng tôi hiểu Nhà nước và nhân dân Cuba, dù còn khó khăn, nhưng bằng nghĩa tình quốc tế, đã nỗ lực như thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng nó. Chính vì vậy mà hầu hết các nguyên thủ quốc gia châu Mỹ Latinh, dù có con em nước mình theo học tại trường hay không đều đã đến thăm trường.

Trước khi ra về, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm một góc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ đậm màu sắc Mỹ Latinh, do các em sinh viên của trường tự làm. Tại đây, tình cờ tôi bắt gặp một hộp kiếng đựng tiền sưu tập của một số nước không ngờ trong đó lại có tiền Việt Nam, cả tiền bằng cotton lẫn bằng polymer. Và nhờ vậy, tôi có dịp lục túi tìm được tiền 10.000 đồng bằng polymer để bổ sung vào bộ sưu tập.

Trường Y Latinoamerica đã để lại trong chúng tôi nhiều suy gẫm về nghĩa tình mà Cuba dành cho bè bạn các nước. Đại sứ Việt Nam tại Cuba, Phạm Tiến Tư, trong một lần gặp đã cho biết: Dù nghèo, nhưng vì nghĩa lớn, Cuba còn lập ra một bệnh viện mổ mắt miễn phí cho dân châu Mỹ Latinh, có lần cử 2.500 bác sĩ sang xây dựng 30 trạm y tế, tốn hàng triệu USD/trạm, giúp Pakistan khắc phục hậu quả động đất… Quả thực, ngay một bệnh viện nhỏ như Bệnh viện Nguyễn Văn Trỗi mà chúng tôi đã đến thăm, cũng có 68 bác sĩ, nhân viên y tế đang làm nghĩa vụ quốc tế tại các nước châu Mỹ Latinh.

Riêng đối với Việt Nam, nghĩa tình đó càng nồng thắm.Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài ủng hộ về chính trị, Nhà nước và nhân dân Cuba còn viện trợ mạnh mẽ về mặt vật chất, với hàng vạn tấn đường mỗi năm, và sau chiến tranh còn giúp Việt Nam xây dựng một số công trình kinh tế.

Viết đến nay, tôi nhớ đến sự tận tụy, chân tình của chị Alicia, phụ trách bộ phận châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc. Chị nói khá sõi tiếng Việt, từng học ở Việt Nam và từng chứng kiến những khó khăn của Việt Nam thời còn bao cấp, luôn gắn bó mật thiết với Việt Nam. Suốt những ngày chúng tôi ở Cuba, chị luôn chăm sóc, theo dõi, nhiệt tình hướng dẫn giúp đỡ đoàn. Lên xe đưa chúng tôi ra sân bay về nước, chị còn dúi cho chúng tôi mấy ổ bánh mì thịt,vài chai nước suối, dù biết lên máy bay, người ta có phục vụ ăn uống.

Võ Hàn Lam

Tin cùng chuyên mục