Tanzania: Kinh hoàng nạn “săn” người bạch tạng

Tanzania: Kinh hoàng nạn “săn” người bạch tạng

Đảo Ukerewe, cách vài giờ đồng hồ đi bằng đường bộ tính từ hồ Victoria và cách 2 ngày tính từ thủ đô của Tanzania, đang là thiên đường cho những người bị mắc chứng bệnh bạch tạng lẩn trốn sự săn lùng của chính những người trong cộng đồng của mình, những người tin rằng các bộ phận trên cơ thể người bạch tạng có thể giúp họ đổi đời.

Tanzania: Kinh hoàng nạn “săn” người bạch tạng ảnh 1

Những trẻ em bạch tạng luôn là đối tượng bị săn lùng.

Cuối tuần qua, ít nhất 2 người bạch tạng đã trở thành nạn nhân của những kẻ săn người. Elizabeth Hussein đã bị một người đàn ông dùng dao rựa chặt thành nhiều khúc. Vụ án mạng xảy ra tại tỉnh Shinyanga và nạn nhân là một bé gái 13 tuổi.

Còn vụ án thứ 2 xảy ra tại TP Kigoma, nạn nhân là Ezekiel John, 47 tuổi. Người đàn ông này đã bị kẻ thủ ác bắn chết, tay chân bị đánh cắp.

Tính cả 2 vụ mới nhất này, số người bạch tạng trở thành “mồi” cho những kẻ “đi săn” đã là 35 chỉ trong hơn 1 năm qua. Hành vi vô nhân đạo này hiện còn lan sang các quốc gia Đông và Trung Phi, thậm chí cả Tây và Nam Phi cũng đã có hiện tượng này.

Những người bạch tạng ở những quốc gia này luôn phải đối diện với sự phân biệt đối xử và ngược đãi.

Nguồn gốc của hiện tượng phi nhân tính này xuất phát từ những pháp sư của các bộ lạc - những người đã phao tin đồn rằng họ có thể làm mọi người trở nên giàu có, cuộc sống sung túc bằng sự thần kỳ từ tứ chi, máu… của những người bạch tạng mang lại. Hiện nay thị trường buôn bán các bộ phận cơ thể của người bạch tạng đang nở rộ ở châu Phi.

Vừa qua, một người đàn ông đã bị bắt giữ khi nhập cảnh vào Cộng hòa Dân chủ Congo với chiếc đầu của một em bé bạch tạng trong hành lý. Tên này đã khai rằng có một thương gia ở Congo đã trả giá rất cao cho chiếc đầu này. Các chi của cô bé E.Hussein đã được tìm thấy tại nhà của một pháp sư địa phương, tuy nhiên tên này “đã cãi bay cãi biến” và trốn thoát khỏi sự truy bắt của cảnh sát.

Bạch tạng là căn bệnh không phổ biến. Tỷ lệ trung bình người mắc bệnh bạch tạng trên thế giới là 1/20.000, Đan Mạch là 1/60.000 nhưng ở châu Phi số người mắc bệnh này cao hơn hẳn, tỷ lệ 1/5.000, đặc biệt ở vùng cận sa mạc Sahara Phi châu.

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thiết để trả lời cho câu hỏi tại sao người bạch tạng lại sống tập trung nhiều ở khu vực châu Phi. Giả thiết đầu tiên được đề cập đến là do loại khoáng chất đặc biệt có trong cá - loại thức ăn được người dân sử dụng nhiều ở vùng này. Loại khoáng này xâm nhập vào cơ thể người mẹ sau đó truyền sang con và những đứa bé bạch tạng nối tiếp ra đời.

Giả thiết nữa là có thể xuất phát từ sự phối hôn giữa nhiều tộc người khác nhau tại khu vực cũng có thể dẫn đến một sự đột biến gien trong các thế hệ sau. Chính vì sự “hiếm có khó tìm”, các thầy pháp bộ lạc đã thỏa sức tuyên truyền đây là những sinh vật lạ và họ gọi người bạch tạng là “ma”, là hiện thực của ác quỷ.

Làn sóng săn người bạch tạng đã khiến nhóm người này bị phân biệt đối xử. Trẻ em nhà khá giả khi đến trường cần có các nhân viên bảo vệ hộ tống, còn không thì cách lựa chọn duy nhất là ở nhà để lẩn trốn “thợ săn”.

Vì không được học hành, cuộc sống của những người bạch tạng khá khổ cực. Họ phải phơi nắng cả ngày để kiếm cái ăn trong khi tia cực tím của mặt trời lại là những “sát thủ” đối với người bạch tạng. Da của người bạch tạng không thể chịu được ánh nắng mặt trời và tỷ lệ người bạch tạng bị mắc bệnh ung thư da rất cao.

TAS - Tổ chức Xã hội người bạch tạng Tanzania - đã được thành lập với mục đích chống phân biệt đối xử, đấu tranh vì quyền của người bạch tạng. Jospehat Torner, người đứng đầu TAS, cho biết nạn săn người bạch tạng đang ngày một lan rộng và TAS phải đứng ra bảo vệ họ.

Sau cái chết của Elizabeth Hussein, TAS đã tổ chức một buổi biểu tình với hàng ngàn người tham dự để phản đối hành động vô nhân đạo này.

Chính phủ Tanzania đã bắt giữ khá nhiều thầy pháp, đưa ra mức án cao nhất là tử hình, nhưng tình trạng săn người bạch tạng vẫn chưa có tín hiệu được cải thiện.

Anh Văn (Theo Independent)

Tin cùng chuyên mục