Bernard Madoff và chiêu lừa không mới

Bernard Madoff và chiêu lừa không mới

Danh sách những nhà đầu tư giàu có trên thế giới dính bẫy của cựu Chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq Bernard Madoff có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Ngày 14-12, ngân hàng HSBC của Anh công bố đã “gửi trứng cho ác” số tiền lên đến 1 tỷ USD. Với mô hình kinh doanh đa cấp “Ponzi scheme” (Kim tự tháp) và số tiền lừa đảo lên đến 50 tỷ USD, Madoff đã gây ra một cơn địa chấn mới trên thị trường tài chính thế giới thế kỷ 21

Siêu lừa trong vỏ bọc nhà đầu tư tài ba

Bernard Madoff và chiêu lừa không mới ảnh 1

“Siêu lừa” Bernard Madoff.

Với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, Bernard Madoff đã làm nhiều người tin tưởng ông là một nhà đầu tư tài ba, và khi Madoff kêu gọi đóng góp vốn thì rất nhiều đại gia thế lực, những tổ chức tài chính tự nguyện “chui đầu vào miệng cọp” mà chẳng mảy may nghi ngờ.

Chỉ đến khi cựu Chủ tịch Nasdap có “lời thú tội muộn màng” với các nhân viên trong đó có 2 người con của ông và FBI vào cuộc, lúc ấy mọi chuyện mới vỡ lở. Các tổ chức tài chính trên thế giới ngày 15-12 đã bắt đầu tiến hành thống kê chi tiết thiệt hại do “siêu lừa” Madoff gây ra.

Số liệu mới nhất của ngân hàng Tây Ban Nha Santander công bố số tiền đã “trót trao” cho Madoff trị giá hơn 3 tỷ USD. Ngoài ra, ngân hàng này còn đầu tư 17 triệu USD cho những quỹ riêng khác của Madoff. Ngân hàng BNP Paribas của Pháp thì thông báo số tiền bị mất có thể lên đến 472 triệu USD.

Tập đoàn tài chính Nomura Holdings của Nhật Bản xác nhận mất 303 triệu USD trong khi Ngân hàng Anh Royal Bank of Scotland cho biết “mất khá nhiều” với ông trùm đầu tư 70 tuổi nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Nhưng theo nguồn tin của AFP số tiền này có thể là 599 triệu USD. Mặc dù Madoff thừa nhận chỉ có 25 khách hàng, nhưng theo báo chí phương Tây nhận định con số khách hàng bị lừa đảo sẽ không dừng lại ở con số nhỏ bé này.

“Giận cá chém thớt”, Bramdean Alternatives Limited ngoài buộc tội Madoff còn lên án hệ thống kiểm tra tài chính của Mỹ quá lỏng lẻo để dẫn đến vụ lừa đảo quy mô lớn kéo dài gần 10 năm qua. Hãng tin Bloomberg cho biết 2 luật sư từng làm việc cho Ủy ban Hối đoái và chứng khoán Mỹ (SEC) nói rằng SEC chưa hề kiểm tra sổ sách quỹ đầu tư của Madoff kể từ khi ông đăng ký với SEC vào tháng 9-2006. Ngay sau khi vụ lừa đảo vỡ lở, cơ quan giám sát thị trường chứng khoán Italia đã mở chiến dịch điều tra những ảnh hưởng của vụ Madoff đến thị trường tài chính quốc gia. Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha cũng xem xét sự liên quan của các công ty nước này trong vụ lừa đảo quy mô của Madoff.

“Cha đẻ” của thuật ngữ Ponzi scheme

Wikipedia định nghĩa Ponzi scheme hay Kim tự tháp là thuật ngữ chỉ hoạt động đầu tư gian lận, thu hút các nhà đầu tư bằng những cam kết “trả lợi nhuận cao”. Tuy nhiên, số tiền lãi để trả các nhà đầu tư không đến từ các hoạt động kinh doanh thật sự mà đó chỉ là chiến thuật “mỡ nó rán nó”, số tiền đầu tư của người sau sẽ là số “tiền lãi” để trả cho người trước và cứ thế xoay vòng trong một thời gian dài.

Những kẻ lừa đảo thường trả lãi cao cho các nhà đầu tư trong một thời gian ngắn để dụ dỗ những nhà đầu tư khác. Để duy trì được mức lãi cao, điều kiện tiên quyết là dòng chảy của tiền đầu tư không bao giờ được ngừng. Trên lý thuyết, mô hình này sẽ sụp đổ khi những người đầu tư nhận được số tiền lãi ít hoặc “không có đồng nào” từ người sáng lập quỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kiểu kinh doanh gian dối này thường “đứt gánh giữa đường” bởi những nhà đầu tư phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, sẽ đến đòi nợ hoặc khi người sáng lập quỹ bán những chứng khoán chưa được đăng ký.

Một người Italia di cư đến Mỹ vào năm 1903 có tên Charles Ponzi là kẻ khai sinh ra chiêu thức lừa đảo này. Charles khét tiếng là chuyên gia sử dụng các thủ thuật gian trá trong kinh doanh và nổi tiếng đến độ thuật ngữ Ponzi scheme (có nghĩa là chiêu lừa Ponzi) có mặt trong giáo trình kinh tế của hầu hết các trường đại học của Mỹ. Chiêu lừa này vốn dựa vào việc sử dụng phiếu IRC miễn bưu phí quốc tế đính kèm theo thư.

Tháng 8-1919, trong lúc loay hoay tìm cách xuất khẩu một tờ tạp chí Mỹ, Ponzi viết thư cho một nhà quý tộc ở Tây Ban Nha kể về ý định kinh doanh của mình và đề nghị ông này cộng tác. Nhà quý tộc Tây Ban Nha viết thư trả lời Ponzi, trong thư có đính kèm một phiếu IRC. Lần đầu thấy IRC, Ponzi đã nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ mọi điều liên quan đến tấm phiếu này và phát hiện ra tại thời điểm đó, nhiều quốc gia đã sử dụng IRC, tấm phiếu này có giá trị như một tem thư miễn phí mà người nhận được sẽ dùng nó để viết thư trả lời cho người gửi. Phiếu IRC được bán tại từng quốc gia với giá khác nhau do ngành bưu chính từng nước quy định.

Do vậy, sẽ có những khoản tiền chênh lệch lớn nếu mua IRC tại quốc gia có giá rẻ và đem đến quy đổi ra tem thư để bán ở những quốc gia có giá bưu chính cao hơn. Ngày 26-11-1919, Ponzi đã lập ra công ty giao dịch chứng khoán để thực hiện kế hoạch kinh doanh IRC. Ponzi cam kết sẽ bắt đầu trả lãi 50% trong số vốn mà họ đã đầu tư sau 45 ngày và trả lãi 100% trong thời hạn 90 ngày.

Tin tưởng ở đề án kinh doanh này, người dân Mỹ bắt đầu đổ xô vào góp vốn vào công ty của Ponzi. Để huy động được tiền bạc nhiều hơn từ khách hàng, Ponzi mở thêm nhiều đại lý. Đến tháng 6-1920, Ponzi huy động được số vốn lên đến 15 triệu USD. Nhưng vào thời điểm đó, chuyên gia tài chính Clarence Barron (Mỹ) đã điều tra và kết luận rằng Ponzi đã gần như không đầu tư vốn huy động của khách hàng vào việc kinh doanh phiếu IRC.

Vụ việc vỡ lở, hàng ngàn người đầu tư đã đến gõ cửa Ponzi đòi tiền lãi. Trong 3 ngày đầu, Ponzi trả lãi cho khách hàng hơn 2 triệu USD tiền lãi và trấn an rằng do có sự cố về tổ chức nên chưa kịp trả lãi cho khách hàng. Tin lời của Ponzi, mọi người lại tiếp tục đầu tư vào công ty của “siêu bịp”, trong đó có cả những khách hàng vừa được trả lãi lại tái đầu tư. Và cứ thế số tiền đầu tư mới lại được Ponzi dùng để xoay vòng trả lãi nhà đầu tư cũ cho đến khi sụp đổ. 

ANH VĂN (Theo Wikipedia, FT, AFP)

Tin cùng chuyên mục