Bắn hạ vệ tinh, Mỹ muốn “chiến tranh giữa các vì sao”?

Bắn hạ vệ tinh, Mỹ muốn “chiến tranh giữa các vì sao”?

Một năm sau khi Trung Quốc phá hủy vệ tinh thời tiết, Lầu Năm góc của Mỹ hôm 22-2 tuyên bố đã bắn hủy thành công vệ tinh USA 193 bị hỏng ở độ cao 247km bằng tên lửa SM 3. Phía Mỹ tuyên bố hành động này để tránh cho con người khỏi nhiễm khí độc hydrazine. Còn theo Trung Quốc, Mỹ đã có hành động theo kịch bản ở tầm “chiến tranh giữa các vì sao”!

Bí ẩn về vệ tinh bị phá hủy

Vệ tinh do thám quốc gia USA 193 được phóng vào tháng 12-2006. Nó đã mất điện và không thể liên lạc được ngay sau khi được phóng vào không gian. Dự đoán vệ tinh sẽ đi vào khí quyển Trái đất vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 và các quan chức Mỹ không thể dự đoán nó sẽ rơi xuống đâu trên bề mặt Trái đất.

Mỹ cho biết bắn hạ USA 193 khi nó ở rìa khí quyển Trái đất giúp giảm thiểu lượng mảnh vụn phát tán trong không gian. Các bộ phận khác của vệ tinh sẽ bốc cháy khi vào khí quyển Trái đất ngoại trừ thùng nhiên liệu chứa khoảng 500kg nhiên liệu độc hại hydrazine.

Nhiên liệu hydrazine này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người trong bán kính rộng bằng 2 sân bóng nếu nó rơi xuống vùng đông dân cư trên trái đất.

Bắn hạ vệ tinh, Mỹ muốn “chiến tranh giữa các vì sao”? ảnh 1

Tên lửa SM 3 chuẩn bị rời bệ phóng.

Mặc dù Mỹ tuyên bố mục đích chính là phá hủy thùng nhiên liệu nhưng thực hư thế nào, hãy nghe NASA nói: “USA 193 là một vệ tinh tối quan trọng trực thuộc và được vận hành bởi Trung tâm Do thám Quốc gia (NRO). Vệ tinh không có bất kỳ một chi tiết phụ nào”.

Theo Lầu Năm góc, vệ tinh này nặng 2,5 tấn, nhỏ hơn nhiều so với vệ tinh quan sát Key Hole hay Lacrosse (nặng 15 tấn) cũng được NRO đưa vào hoạt động. Có điều chắc chắn là Mỹ chưa bao giờ thông báo về các tính năng, đặc điểm của vệ tinh này.

Các chuyên gia đặt giả thiết rằng vệ tinh này gắn với các công nghệ bất chính. Nếu đúng, một mẩu cho dù rất nhỏ nếu rơi vào tay một số quốc gia không hữu hảo sẽ cung cấp những thông tin vô cùng giá trị về cấu tạo tối mật của vệ tinh. Vì vậy, đằng sau vụ phá hủy này còn mang những động cơ khác.

Thông điệp trả đũa?

Ngoài yếu tố bảo mật, giới phân tích cho rằng động thái của Mỹ nhằm tái khẳng định sức mạnh của họ trong lĩnh vực quân sự cũng như là chinh phục không gian.

Chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh phàn nàn rằng vụ bắn tên lửa trên có thể gây tổn hại đến một số nước và an ninh trên không gian vũ trụ và yêu cầu được cung cấp chi tiết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố vụ bắn hạ thành công một vệ tinh do thám bị hỏng đã chứng minh rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington có hiệu lực, vấn đề là loại đe dọa nào, quy mô mối đe dọa đó lớn và phức tạp đến đâu (mà nước Mỹ đang đối mặt).

Mỹ cũng phủ nhận chiến dịch này nhằm đáp lại vụ thử nghiệm công nghệ diệt vệ tinh mà Trung Quốc tiến hành năm ngoái. Khi Trung Quốc thực hiện thử vũ khí chống vệ tinh do thám ngày 11-1-2007 bằng cách phá hủy một trong các vệ tinh thời tiết hết thời hạn sử dụng thì nhiều quốc gia, khởi đầu là Mỹ, đã chỉ trích kịch liệt thái độ của Trung Quốc và cho rằng đó là hành động vô trách nhiệm, rằng hàng ngàn mảnh vỡ tứ tung từ việc phá hủy này sẽ hợp thành nguy cơ lớn đối với các vệ tinh thương mại trong hàng chục năm.

Đáp lại, Bắc Kinh thông báo với Mỹ rằng Trung Quốc không có ý xâm phạm vào sự bá chủ không gian của Mỹ. Thông điệp chiến lược rất rõ ràng: nếu Mỹ có ý định can thiệp vào vấn đề Đài Loan, Trung Quốc cũng có công nghệ để làm nhiễu hoặc phá hủy các vệ tinh quan sát và vệ tinh định vị mà hải quân Mỹ đang phụ thuộc. Phải chăng tới lượt Mỹ truyền thông điệp tới Bắc Kinh, bước vào “chiến tranh giữa các vì sao” như Trung Quốc tố cáo?

Cơ hội tuyệt vời

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Mỹ đang lợi dụng sự cố với vệ tinh để thử nghiệm khả năng phá hủy vệ tinh của các quốc gia khác bằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (NMD). Trong quá khứ đã có nhiều vệ tinh của các nước khác rơi xuống Trái đất, cùng với nhiên liệu độc hại, song chưa gây tác hại gì. Theo họ, đây là cơ hội tuyệt vời để thực hiện một cuộc thử nghiệm chưa từng có của cơ quan phòng chống tên lửa Mỹ.

Ngày 27-2, Thủ tướng CH Czech Mirek Topolanek sẽ hoàn tất thỏa thuận về NMD tại cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Bush ở Washington. Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết ông ủng hộ dự án phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhưng với điều kiện Washington sẽ giúp Ba Lan hiện đại hóa quân sự.

Mục tiêu của NMD là phát triển và duy trì việc triển khai bảo vệ hữu hiệu chống tên lửa đạn đạo (Anti-Ballistic Missile-ABM) bằng hệ thống dễ điều khiển nhằm bảo vệ nước Mỹ chống lại những mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo giới hạn.

NMD có 3 tuyến với các nhiệm vụ: Xây dựng một hệ thống lá chắn đánh chặn tên lửa đạn đạo đe dọa Mỹ vào thời điểm chúng vừa được triển khai; Phát hiện và theo dõi (các) bệ phóng tên lửa đạn đạo của đối phương cũng như tiếp tục theo dõi các tên lửa đạn đạo của đối phương bằng cách sử dụng các căn cứ radar mặt đất; Giao chiến, phá hủy tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân trên tầng khí quyển của trái đất bằng cách va chạm. Trong 10 năm tới, Mỹ sẽ bố trí tên lửa đánh chặn và radar phát hiện ở Đông Âu.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, hệ thống NMD của Mỹ ngày càng tiến xa khỏi mục tiêu ban đầu là bảo vệ lãnh thổ Mỹ chống lại “cuộc tiến công hạn chế” đề ra trong đạo luật năm 1999. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng ý đồ đích thực của Mỹ là xây dựng một hệ thống phòng chống tên lửa có khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ chống lại đòn tiến công hạt nhân từ phía Nga, nhất là khi Mỹ chọn hai nước gần Nga là Ba Lan và Czech để đặt cơ sở cho NMD. 

VIỆT KHUÊ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục