Đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cao

Bài 1: Dẫn độ ông vua hacker

Bài 1: Dẫn độ ông vua hacker

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng các ứng dụng rộng rãi của nó cũng kéo theo việc hình thành một làn sóng những tên tội phạm công nghệ cao mới. Một số vụ án trong thời gian gần đây đã cho thấy sự cố gắng của nhiều nước trong việc xử lý và răn đe những đối tượng tội phạm nguy hiểm nhất trong lĩnh vực này.

Cái giá của sự “tò mò”

70 năm tù, cùng với khoản tiền nộp phạt 2 triệu USD – đó là mức án phạt nghiêm khắc nhất mà kẻ được mệnh danh là “ông vua hacker” rất có thể sẽ phải đón nhận nếu phải ra trước tòa tại Mỹ. Tay lập trình viên 42 tuổi người Anh này vài năm trước đã nổi danh toàn thế giới với hàng loạt vụ đột nhập có quy mô và mức độ nghiêm trọng nhất vào các hệ thống thông tin quan trọng của Mỹ. Đó là lý do khiến chính quyền tận bên kia Đại Tây Dương đã phải gọi McKinnon là “tên tin tặc nguy hiểm nhất mọi thời đại”. Tính ra, chỉ trong thời gian từ 2001-2002, tay lập trình viên người Anh này - có nickname trên mạng là Solo - đã bẻ khóa một loạt những mạng máy tính lớn, xâm nhập vào tổng cộng 97 máy tính của Lầu Năm Góc và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Bài 1: Dẫn độ ông vua hacker ảnh 1

Kẻ được mệnh danh là “ông vua hacker”

McKinnon không hề phủ nhận hành động này, nhưng đồng thời cũng khẳng định không gây bất cứ thiệt hại nào cho những chiếc máy tính trên. Mục đích duy nhất từ những hành động “thiếu suy nghĩ” trên của McKinnon, theo lý giải, là do tò mò: Anh ta dường như chỉ quan tâm đến các dữ liệu mật của Mỹ về các vật thể bay không xác định (UFO) và người ngoài hành tinh. Chẳng hạn ngay sau khi bị bắt, ông vua hacker trong một bài trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC đã kể rằng, anh ta đã tìm kiếm trong các tập tin dữ liệu mật các bằng chứng hình ảnh về sự tồn tại của các vật thể bay và những nguồn năng lượng ngoài trái đất. “Tôi đã tìm kiếm những công nghệ đang bị che giấu, vẫn thường được gọi là những công nghệ của UFO. Tôi nghĩ rằng, đây là một bí mật lớn nhất thế giới và rất quan trọng, cho dù nhiều người thường không tin và cười nhạo khi nói về chuyện này. Trong khi chính phủ cũng như người dân đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề năng lượng, thì nhiều cơ quan chính phủ lại cố tình che giấu loại công nghệ gần như không mất tiền này” – McKinnon đã biện minh cho hành động của mình như vậy. Còn trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Wired vào năm 2006, McKinnon cho biết đã phát hiện được một số lượng lớn những bức ảnh chụp từ vệ tinh về các UFO. Trước câu hỏi về phương pháp xâm nhập vào các hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ, McKinnon cho biết từ lâu đã đột nhập vào được các máy chủ, sử dụng một chương trình nhỏ tự viết để dò tìm mật khẩu trên tất cả các máy tính lớn nhỏ trong hệ thống.

Sự vùng vẫy vô vọng của “vua hacker”

Gary McKinnon bị Cơ quan Chống tội phạm công nghệ cao của Anh bắt giữ vào năm 2002 với tội danh dám bẻ khóa các mạng máy tính đang được Lầu Năm Góc, các binh chủng hải, lục, không quân Mỹ sử dụng. Nhưng chỉ sau có 7 tiếng đồng hồ, anh ta được trả tự do sau khi nộp một khoản tiền thế chân. Chiếc máy tính của McKinnon cũng bị tịch thu, và ổ đĩa cứng của nó sau đó đã được gửi cho các cơ quan điều tra tại Mỹ. Ngày 8-6-2005, McKinnon chính thức bị bắt trở lại. Tháng 5-2006, McKinnon lần đầu tiên phải ra trước một tòa án khu vực tại London, với phán quyết cũng là một yêu cầu dẫn độ siêu hacker này sang Mỹ. Quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Bộ trưởng Tư pháp Anh, khi đó đang là John Reid. Hai tháng sau, Reid cũng ủng hộ phán quyết của tòa án trên.

Tất nhiên là McKinnon không thể cam chịu một số phận như vậy. Vấn đề là nếu như theo luật pháp Anh, anh ta chỉ phải chịu án tù không đáng kể thì tại Mỹ, số năm tù McKinnon rất có thể phải nhận cũng đồng nghĩa với một mức án chung thân. Các nỗ lực kháng án sau đó của McKinnon đều không đạt được kết quả. Cuối cùng vào tháng 6-2008 vừa qua, “ông vua hacker” còn nộp đơn kháng án lên cấp tòa án có thẩm quyền cao nhất là thượng viện. Các luật sư bào chữa đã biện hộ rằng, McKinnon không phải là một kẻ khủng bố, cũng như ủng hộ những tên khủng bố. Những hành vi tội phạm của anh ta không mang tính chất quá nghiêm trọng như người Mỹ đã nói. Nhưng tất cả mọi nỗ lực như trên đều không thể làm thay đổi quyết định của các cấp tòa án tại Anh.

Theo luật pháp Mỹ, một tên tội phạm bị xét xử vì tội xâm nhập các hệ thống máy tính ngay cả khi đã mãn hạn tù vẫn không có quyền sử dụng máy tính và vào Internet trong vài năm nữa. Với quyết định mới nhất của tòa án Anh về việc dẫn độ McKinnon sang Mỹ, anh ta rất có khả năng sẽ phải nhận bản án tới 70 năm tù cùng khoản tiền nộp phạt 2 triệu USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc “ông vua hacker” sẽ phải ngồi tù trong suốt phần đời còn lại của mình.

Các cơ quan quân sự Mỹ khẳng định, McKinnon là thủ phạm của một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào các mạng máy tính quân sự của Mỹ, gây ra tổng số tổn thất lên tới 700.000 USD. Một trong những vụ tấn công này nhằm vào trạm kỹ thuật Earle Naval Weapons Station của hải quân chỉ một thời gian ngắn ngay sau thời điểm 11-9-2001, khiến trạm này mất khả năng vận hành. Phải mất cả tháng sau đó, công tác khắc phục hậu quả mới có thể hoàn tất. Hacker người Anh này đã thành công trong việc làm tê liệt tất cả những máy tính quân sự tại Washington trong cả một ngày đêm. Ngoài ra, người Mỹ còn buộc tội McKinnon đã xâm nhập mạng máy tính tại căn cứ Fort-Mayer (bang Virginia), lấy cắp sau đó xóa hết thông tin về 1.300 người dùng trong nội bộ.

Bài 2: Đến lượt vua thư rác ra tòa  

LINH NGA (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục