Rắc rối quanh chuyện nhận con nuôi- Bài 1: Từ một vụ bắt cóc trẻ em

Rắc rối quanh chuyện nhận con nuôi- Bài 1: Từ một vụ bắt cóc trẻ em

(SGGP 12G).- Tạp chí Time của Mỹ số ngày 23-8 đăng một phóng sự điều tra, tiết lộ một vụ buôn bán trẻ em trong đó 13 trẻ Ấn Độ bị bắt cóc và đưa sang Australia làm con nuôi. Vụ việc một lần nữa lại dấy lên những hồi chuông cảnh báo về nạn bắt cóc trẻ em làm con nuôi trên thế giới.

Đưa ra ánh sáng sau 7 năm

Rắc rối quanh chuyện nhận con nuôi- Bài 1: Từ một vụ bắt cóc trẻ em ảnh 1
Ca sĩ Madonna hạnh phúc bên cậu con trai nuôi David Banda

Theo tạp chí Time, 13 trẻ em nói trên đã bị các băng đảng tội phạm bắt cóc và bán cho Cơ quan Dịch vụ xã hội Malaysia (MSS) - một tổ chức làm dịch vụ con nuôi có trụ sở ở Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ - với giá 10.000 rupe/em (khoảng 280 USD). Tiếp đó, bọn trẻ được đưa tới các quốc gia giàu có như Australia.

Một trong những nhân chứng được Time nêu tên là Zabeen bị bắt cóc khi em mới 2 tuổi. Hiện Zabeen đã lên 9 và đang sống dưới tên họ khác ở Australia. Luật sư D. Geetha ở Chennai đại diện cho những ông bố bà mẹ bị mất con ước tính rằng ít nhất có 30 trong số 400 trẻ em Ấn Độ được đưa tới Australia từ 10 - 15 năm qua đều là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em làm con nuôi.

Năm 2005, Cục Tình báo trung ương (CBI) - một bộ phận của Lực lượng Cảnh sát liên bang Ấn Độ - đã đề nghị Australia cho phỏng vấn những người có chức trách ở Cục Gia đình, thanh niên và chăm sóc cộng đồng Queensland (cơ quan phụ trách việc nhận con nuôi cho các gia đình ở Queensland) và cặp vợ chồng đã nhận bé Zabeen.

Cảnh sát Ấn Độ bắt đầu các cuộc điều tra năm 2007, sau khi có 2 người đàn ông tại một quán bar ở Chennai tranh cãi với nhau về các khoản ăn chia trong một vụ bắt cóc trẻ em. Tiếp đó, cảnh sát đã khám xét văn phòng của MSS và phát hiện hồ sơ của 120 trẻ đã bị đưa ra nước ngoài làm con nuôi, bao gồm cả 13 trẻ đã bị đưa sang Australia. Theo CBI, tổ chức MSS đã đặt lại tên cho bọn trẻ, xây dựng lại lý lịch của các em và kèm theo những bức ảnh về những người mẹ giả trước khi cho chúng.

Theo CBI, cặp vợ chồng người Australia đã bị MSS lừa và họ sẽ không bị truy tố trong vụ nhận con nuôi này. Nhưng CBI cho rằng cha mẹ đẻ của Zabeen cần được phép gặp lại con của mình. Về phía Australia, chưởng lý liên bang Robert McClelland đã cho tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Ông McClelland nhấn mạnh rằng từ lâu Australia đã không còn liên hệ với MSS nhưng các cặp gia đình không có con ở một số bang của Australia như Queensland, ACT và Tasmania vẫn tiếp tục tìm cách nhận con nuôi bất chấp cảnh báo về cách thức hoạt động của MSS.

Nạn buôn bán trẻ em vẫn nhức nhối

Cứ 100 trẻ Guantemala thì có một em được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi - tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Đặc biệt, có đến 95% trong số những trẻ Guantemala đã được nhận làm con nuôi đều đến Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính có khoảng 29.400 trẻ Guantemala được các cặp vợ chồng người Mỹ nhận làm con nuôi kể từ năm 1990. Riêng năm 2007, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các gia đình Mỹ đã nhận nuôi 4.728 trẻ Guantemala.

Theo các số liệu ở Guantemala, chi phí trung bình cho việc nhận con nuôi là khoảng 30.000 USD/trẻ. Tuy nhiên, Tổ chức Sobrevivientes - chuyên bảo vệ quyền lợi của phụ nữ ở Guantemala - cho biết các tổ chức làm dịch vụ con nuôi thường đòi các cặp vợ chồng Mỹ 50.000 USD, lấy cớ họ cần tiền để giúp đỡ mẹ đứa trẻ, cho luật sư và chi phí hành chính. Vớ “bẫm” nhất trong các phi vụ này là các luật sư và các băng nhóm chuyên bắt cóc trẻ em.

Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và các quan chức Guantemala đều không biết rõ số lượng trẻ bị bắt cóc và được các gia đình Mỹ nhận nuôi là bao nhiêu nhưng Tổ chức Sobrevivientes ước tính rằng số này có thể chiếm 50% tổng số trẻ Guantemala làm con nuôi ở Mỹ. Số lượng con nuôi người Guantemala ở Mỹ chỉ đứng thứ hai sau số trẻ Trung Quốc.

Các tổ chức giám sát việc cho nhận con nuôi nước ngoài cho biết, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chương trình cho nhận con nuôi quốc tế năm 1992, gần 70.000 trẻ Trung Quốc đã được các gia đình nước ngoài nhận làm con nuôi, trong đó 80% là các gia đình Mỹ. Số lượng các vụ người nước ngoài nhận con nuôi ở Trung Quốc cao nhất là năm 2005, sau đó có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo ABC News, hoạt động buôn bán trẻ em vẫn tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc vì một số lý do như: Nhiều cặp vợ chồng không thể có con, những kẻ buôn bán trẻ em bị đồng tiền mê hoặc và nhu cầu nhận con nuôi là trẻ Trung Quốc vẫn rất cao.

Một số chuyên gia cũng khẳng định “chính sách một con” của Trung Quốc đã tác động đến số trẻ mồ côi. Ở Trung Quốc, các cặp vợ chồng phải có giấy phép sinh con mới được phép đẻ con. Nếu không có giấy phép và bị phát hiện sinh con, họ sẽ bị phạt. Nếu có con thứ hai, họ cũng sẽ bị phạt. Nhiều gia đình nghèo không thể nuôi con nên đành chấp nhận bán con. Ở nông thôn Trung Quốc, con trai vẫn “có giá” hơn con gái nên nhiều gia đình “máu” con trai tới mức phải mua một bé trai trên… chợ đen. Một số gia đình lại chọn cách bán bé sinh đầu lòng nếu đó là con gái để thử vận may lần thứ hai nhằm tránh bị phạt.

Theo ABC News, vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều bé gái bị buôn bán, một xu hướng mới khác với trước đây, khi có tới 95% trẻ bị bắt cóc là bé trai. Chưa có bằng chứng cụ thể nào khẳng định mối liên hệ giữa xu hướng mới này với việc người nước ngoài nhận con nuôi, nhưng các chuyên gia cho rằng nhu cầu người nước ngoài nhận con nuôi Trung Quốc là một yếu tố cần được tính tới.

Hà Vy (tổng hợp)


Bài 2: Thích ứng với xu hướng mới

Tin cùng chuyên mục