Bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe trên thế giới - Bài 1: Sự bất công xã hội đang giết người ở quy mô lớn

Bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe trên thế giới - Bài 1: Sự bất công xã hội đang giết người ở quy mô lớn

(SGGP 12G) - Một đứa trẻ sinh ra ở vùng ngoại ô Glasgow (Scotland) có tuổi thọ kém 28 năm so với một đứa trẻ sinh ra cách đó không đầy 13km. Tuổi thọ của một bé gái sinh ra ở Lesotho kém 42 năm so với một bé khác sinh cùng lúc ở Nhật Bản. Tại Thụy Điển, nguy cơ phụ nữ tử vong khi mang thai hoặc sinh nở chỉ là 1/17.400, trong khi ở Afghanistan là 1/8... Những sự khác biệt này không phải do yếu tố di truyền gây ra mà chính là do sự bất bình đẳng về môi trường xã hội giữa các nước và trong mỗi quốc gia.

Bất bình đẳng ngay bên trong một quốc gia

Ở những khu dân cư nghèo, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo

Ở những khu dân cư nghèo, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo

Trong báo cáo “Lấp đầy hố sâu ngăn cách trong một thế hệ: Tạo sự bình đẳng về sức khỏe bằng cách hành động trên những yếu tố xã hội của sức khỏe” công bố cuối tháng 8-2008, nhóm chuyên gia Ủy ban các yếu tố xã hội Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định sự kết hợp giữa những chính sách và biện pháp kinh tế không công bằng là nguyên nhân chính khiến sức khỏe của phần lớn nhân loại giảm sút.

Sau 3 năm nghiên cứu công phu, các chuyên gia của WHO đi đến kết luận rằng “sự bất công xã hội đang giết chết con người ở quy mô lớn”.

Những bất bình đẳng về sức khỏe giữa các nước có trình độ phát triển khác nhau đã được biết đến từ lâu. Nhưng báo cáo của WHO năm 2008 nhấn mạnh sự bất bình đẳng về sức khỏe tồn tại ngay bên trong biên giới của từng quốc gia.

Tại Indonesia, tỷ lệ tử vong của các bà mẹ ở những gia đình nghèo cao gấp từ 3 - 4 lần so với ở những gia đình giàu.

Tại Anh, tỷ lệ tử vong của người trưởng thành ở những khu phố nghèo cao gấp 2,5 lần so với các khu dân cư giàu có.

Tại Bolivia, nguy cơ tử vong của một bé sơ sinh có mẹ mù chữ là 10%, trong khi tỷ lệ này chỉ là 0,4% ở những trẻ sơ sinh có mẹ đã từng đi học trung học.

Ngay tại Mỹ, trong khoảng thời gian từ 1991-2000, khoảng 886.202 người Mỹ gốc Phi có thể tránh được cái chết nếu tỷ lệ tử vong ở số người này ngang bằng với người da trắng.

Còn tại Uranda, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi ở 1/5 số gia đình giàu có nhất nước là 106/1.000 em nhưng lại đạt mức 192/1.000 em ở nhóm gia đình nghèo nhất. So sánh với tỷ lệ tử vong của những trẻ dưới 5 tuổi ở các nước có thu nhập cao (7/1.000 em), mới thấy quả là một trời một vực.

Cho dù ở các nước đang phát triển hay các nước giàu có nhất, cái nghèo bao giờ cũng tỷ lệ thuận với điều kiện vệ sinh. Càng nghèo, điều kiện ăn ở và vệ sinh của người dân càng kém. Khoảng cách của sự bất bình đẳng có thể thay đổi tùy mỗi quốc gia, nhưng hiện tượng bất bình đẳng này là phổ biến.

Tiền bạc không quyết định tất cả

Các chuyên gia của WHO nhận định rằng tăng trưởng kinh tế cho phép cải thiện thu nhập ở nhiều quốc gia nhưng sự gia tăng của cải tự nó không đủ để cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân một nước. Nếu thiếu một sự phân phối bình đẳng những lợi ích, sự tăng trưởng của quốc gia thậm chí có thể càng làm gia tăng thêm những sự bất bình đẳng trong xã hội.

Trong những năm qua, thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều của cải và cải thiện mức sống của người dân. Nhưng vấn đề là những tiến bộ đó vẫn chưa giúp đảm bảo một sự phân phối bình đẳng các dịch vụ và gia tăng sức mạnh của các thể chế, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Năm 1980, các nước giàu nhất tập trung 10% dân số thế giới có thu nhập quốc gia lớn gấp 60 lần so với 10% dân số thế giới tập hợp các quốc gia nghèo nhất. Sau 25 năm toàn cầu hóa, tỷ lệ chênh lệch này đã tăng lên mức 122 lần. Đáng buồn hơn, trong 15 năm trở lại đây, phần thu nhập của 1/5 dân số nghèo nhất của các quốc gia có thu nhập thấp đều giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO cũng khẳng định sự giàu có tự nó không quyết định tình trạng sức khỏe của một dân tộc. Một số quốc gia như Cuba, Costa Rica, Trung Quốc hay bang Kerala ở Ấn Độ và Sri Lanka đã đạt được những tiến bộ đáng kể về chăm sóc sức khỏe mặc dù thu nhập quốc dân của các nước này không cao. Bí quyết nằm ở chỗ của cải được tạo ra có thể được sử dụng công bằng hơn.

Một ví dụ khác: Các nước Bắc Âu đã thực hiện những chính sách khuyến khích bình đẳng về lợi ích và dịch vụ, tạo việc làm cho mọi người lao động, bình đẳng giới và hạn chế tối đa tình trạng công dân bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đó là những điển hình mà cả thế giới cần noi theo.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia của WHO nhận thấy sự bất bất bình đẳng về sức khỏe được tạo ra một phần từ những yếu tố nằm ngoài lĩnh vực y tế. Chẳng hạn, các căn bệnh có nguồn gốc từ nước không phải do thiếu thuốc kháng sinh, mà là do các chính phủ không có khả năng cung cấp nước sạch cho tất cả người dân; bệnh tim mạch gia tăng không phải bởi thiếu các cơ sở chăm sóc y tế về tim mạch, mà là do môi trường sống tác động đến lối sống của người dân; bệnh béo phì không phải là hậu quả của sự suy nhược tinh thần, mà là do các loại thức ăn có hàm lượng mỡ và đường cao xuất hiện ở khắp nơi… Vì thế, một phần quan trọng trong những nỗ lực nhằm giảm bất bình đẳng về sức khỏe phải được thực hiện cả bên ngoài lĩnh vực y tế.

Các chuyên gia WHO nhận định: Thế giới dựa quá nhiều vào các biện pháp y tế để cải thiện tuổi thọ con người. Nhưng có một biện pháp hiệu quả hơn để cải thiện cả tuổi thọ lẫn sức khỏe con người, đó là đánh giá tác động của từng chính sách và mỗi chương trình cụ thể đối với sức khỏe và sự bình đẳng về chăm sóc sức khỏe và cải thiện nó theo hướng hiệu quả hơn.

Hà Vy (theo WHO)

>> Bài 2: Thu hẹp hố sâu ngăn cách

Tin cùng chuyên mục