Người nghèo vay vốn nhỏ - Không chỉ màu hồng!- Bài 1: Từ một ý tưởng tốt

Đàn bà dễ vay
Người nghèo vay vốn nhỏ - Không chỉ màu hồng!- Bài 1: Từ một ý tưởng tốt

(SGGP 12G) - Ông Muhammad Yunus, người Bangladesh, đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 từ một ý tưởng xóa nghèo cho những người nghèo nhất. Ông chủ Ngân hàng Grameen này được xem là cha đẻ của phong trào cho vay nhỏ và là một người “liều mạng” biến ngân hàng thành một phương tiện chống đói nghèo. Những khoản cho vay nhỏ (trung bình 345 USD) giữ một vai trò thiết yếu giúp hàng triệu người thoát nghèo. Yunus từ đó được xem là một người tốt, “người của công chúng” và còn  được trao Giải Thế giới lương thực, Giải Ý thức toàn cầu và Giải Hòa bình Sydney.

Đổi đời nhờ vay vốn

Chuyện cho vay lấy lãi trở thành một hoạt động nhân đạo, giúp hàng triệu người nghèo được đổi đời, như trường hợp Laily Begum, thân chủ nổi tiếng nhất của Yunus chẳng hạn. Bà Laily ở ngoại ô Dhaka (thủ đô Bangladesh) là một người nội trợ, chồng bà, ông Atiqullah, là lao động thủ công.

Gia đình họ một thời nghèo khó nhưng nay họ có nguồn thu nhập từ việc cho thuê 5 mặt bằng ở mặt tiền một khu phố để người ta kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra,  bà Laily cũng cho thuê 9 căn hộ. Chồng bà chăn bò lấy sữa và tổng thu nhập của đôi vợ chồng 3 con này khoảng 698 USD/tháng. Họ được lên đời, đã có thể mua điện thoại di động (ĐTDĐ) cho mỗi người và cho 3 đứa con, mua ti vi, xe máy  và tính cả chuyện cho con trai trưởng du học nước ngoài.

Vay vốn nhỏ là biện pháp giúp đỡ người nghèo tự tạo việc làm nhưng hiện các ngân hàng lớn cùng các quỹ trợ cấp đều tham gia hoạt động này, do họ khám phá rằng có thể lãi to từ tiền do người nghèo chi trả!

Sự thành đạt của nhà Begum là nhờ Yunus. Hơn 30 năm trước, khi là giáo sư kinh tế Trường Đại học Chittagong, ông nhận thấy lý do chính khiến người ta nghèo là vì họ không được vay tiền ngân hàng, do bị chê là không có gì để thế chấp. Đối với nhiều nhà băng, cho dân nghèo vay tiền chẳng khác “tự sát dần dần”.

Nhưng Yunus cho 42 nữ công nhân vệ sinh vay tổng cộng 51 USD và sau đó họ trả đủ vốn vay lẫn lãi. Đó là bước khởi đầu của Ngân hàng Grameen. Ngày nay, nhà băng này chuyên cho người nghèo vay vốn nhỏ và 98% số người vay đều trả vốn-lãi đúng hạn.

Thành quả ấy là do chủ trương: Dù Ngân hàng Grameen cho cá nhân vay vốn nhưng mỗi người vay lại là thành viên của một tổ vay tiền. Tổ này có trách nhiệm trả vốn - lãi thay nếu một tổ viên không có khả năng trả nợ vay. Nhờ thế, Grameen đạt lợi nhuận mỗi năm khoảng 7,3 triệu USD từ 10 năm qua và họ đem số tiền lãi ấy để mở các chi nhánh cho người nghèo vay vốn khác.

Đàn bà dễ vay

Ông Yunus của người nghèo

Ông Yunus của người nghèo

Phe chỉ trích nói Yunus “bóc lột” do Grameen tính lãi vay 20%. Yunus đáp lại rằng họ chẳng hiểu gì về cách làm ăn của ông: Nhân viên đạp xe đến làng thu tiền vốn-lãi khi đến kỳ họp của tổ vay vốn nên cũng phải tính tiền công cho họ. Bà Laily chấp nhận mức lãi ấy khi vay vốn lần đầu năm 1997 và sau một năm phải trả vốn-lãi.

Bà đã mua ĐTDĐ Nokia 1610 nhưng không phải để khoe mẽ mà bà mở dịch vụ gọi điện thoại trong căn nhà tranh của mình: Người gọi trả 7 taka/phút (0,22 USD) và bà giữ lại 4,4 taka, số còn lại nộp cước cho công ty điện thoại.

Dịch vụ này giúp bà kiếm dễ dàng 1.240 USD/tháng, mở đường cho gia đình bà đổi đời. Người gọi cũng được lợi, như nông dân gọi đại lý để thương lượng giá trước khi đem nông sản ra chợ, người bệnh hẹn bác sĩ trước khi đón xe buýt lên phố, người lao động gọi xin việc làm.

Yunus nói hầu hết người vay được tiền là phụ nữ: “Vì họ sử dụng đồng tiền có trách nhiệm hơn đàn ông”. Ngân hàng của ông hiện cho hơn 7,5 triệu phụ nữ Bangladesh vay vốn. Nhưng cũng có người không “phất” lên được do dịch vụ điện thoại đã bão hòa (hiện là 250.000 đại lý) và nhiều người đã có thể sắm ĐTDĐ hoặc do họ mua phải bò ốm, bò già nên không có lãi từ việc bán sữa hoặc bò con. Số liệu cho biết cứ hai người vay thì một có thể giúp gia đình thoát nghèo từ vay vốn nhỏ.

Trước Yunus, đã có quan điểm chỉ cấp kinh phí cho các dự án được chấp thuận và chỉ giải quyết những vấn đề đáng giải quyết. Nhưng sau Yunus, người ta không còn xem người nghèo là những người chỉ chờ được cứu mà là những người có thể tự thay đổi cuộc sống nếu được hỗ trợ chút vốn. Mô hình này đang phát huy hiệu quả, với vô số câu chuyện thành đạt ở nhiều làng mạc, nhiều quốc gia. Hiện có khoảng 10.000 tổ chức cho vay vốn nhỏ hoạt động ở 93 quốc gia và lãnh thổ, giúp khoảng 60 triệu người nghèo vay vốn, theo mô hình của Yunus.

Nhưng Yunus đang lo sợ hoạt động cho vay vốn nhỏ trong tương lai sẽ chú ý vào tiền lãi cho nhà đầu tư hơn là chống nghèo. Ông nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là xóa bỏ bọn cho vay nặng lãi. Nay chúng đang trở lại và giả danh là người chỉ muốn làm việc tốt”.

>> Bài 2: Giả danh thương người nghèo

DIÊN PHÚC

Tin cùng chuyên mục